Thứ Sáu, 15/04/2011 15:46

Tranh chấp chứng khoán ngày càng phức tạp

Nhiều luật sư đang rất bận rộn với các vụ tranh chấp liên quan đến chứng khoán – loại tranh chấp khá mới và có xu hướng tăng mạnh.

Ông Trần Vũ Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải, là một nhà đầu tư chứng khoán không thành công, nhưng lại khá “phát” trên thị trường chứng khoán với vai trò một luật sư, bởi có rất nhiều việc để làm.

Theo ông Hải, thời gian qua, do những kẽ hở về pháp lý, nên đã xuất hiện khá nhiều tranh chấp trên thị trường chứng khoán, liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau, như giữa các nhà đầu tư, giữa nhà đầu tư với công ty chứng khoán, giữa doanh nghiệp với cổ đông… Vì thế, các luật sư như ông làm không hết việc.

Luật sư Lê Quốc Đạt, Giám đốc Công ty Luật Trí Tuệ cho biết, chính ông cũng bị vướng vào một vụ tranh chấp với công ty chứng khoán nơi ông mở tài khoản. Ông Đạt thừa nhận, nhờ là một luật sư, nắm được luật và cũng không phải tay “vừa”, nên ông mới đòi lại được… một phần số tiền mà ông bị thất thoát trong vụ việc đó.

Theo các chuyên gia về pháp luật, trên thị trường chứng khoán đang xuất hiện những tranh chấp rất phức tạp, nhiều vụ việc tưởng chừng đã xử lý xong, toà đã tuyên án rồi, nhưng hệ quả còn kéo dài, để lại tiền lệ xấu trong xã hội.

Thẩm phán Nguyễn Huyền Cường, Toà kinh tế, Toà án Nhân dân TP. Hà Nội đưa ra một ví vụ tình trạng trên. Đó là tranh chấp giữa ông Thành ở Vũng Tàu và 2 người khác ở Hà Nội liên quan đến việc mua bán cổ phiếu của một ngân hàng.

Trước đó, các đương sự thực hiện việc chuyển nhượng quyền mua cổ phần của ngân hàng này khi ngân hàng còn chưa thành lập, nhưng sau đó, ngân hàng này đã không được thành lập. Trên lý thuyết, vấn đề có thể được xử lý khá đơn giản là các bên phải hoàn trả lại tiền cho nhau. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.

Ông Cường cho biết, trong trường hợp này, toà đã tuyên án hợp đồng mua bán là vô hiệu và buộc bên bán phải trả lại tiền cho bên mua. Tuy nhiên, sự việc kéo dài rất phức tạp, vì khi giao tiền, người mua đã chuyển cho người bán số tiền hàng chục tỷ đồng, nhưng khi hoàn trả, người bán lại viện nhiều lý do để trả “nhỏ giọt”.

Tương tự, không ít trường hợp khác tưởng chừng đã rõ mười mươi, nhưng hai bên cứ kiện cáo nhau, khiến sự việc tưởng đơn giản mà bế tắc.

Một trong những ví dụ được ông Đặng Văn Thanh, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính đưa ra để minh chứng cho tình trạng này là vụ tranh chấp giữa 2 nhà đầu tư tại TP.HCM.

Đó là trường hợp ông Giang Tấn Long sở hữu 5.000 cổ phiếu của Ngân hàng Đại Á, bán cho ông Lý Quốc Hoàng với giá 120 triệu đồng. Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần có nêu rõ, ngay khi ký kết giấy chuyển nhượng, ông Hoàng có toàn quyền sở hữu số cổ phiếu và các quyền lợi liên quan đến số cổ phiếu giao dịch, đồng thời ông Long phải có trách nhiệm làm thủ tục chuyển nhượng theo chỉ định của ông Hoàng khi cổ phiếu của Ngân hàng Đại Á được phép chuyển nhượng. Ngoài ra, nếu Ngân hàng Đại Á phát hành cổ phiếu ưu đãi cho cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu, thì ông Long phải dành quyền mua đó cho ông Hoàng theo số lượng cổ phiếu mà ngân hàng quy định.

Tuy nhiên, sau đó, khi Ngân hàng Đại Á đã có một đợt tăng vốn, ông Long đã không thông báo cho Ngân hàng Đại Á biết việc ông đã chuyển nhượng 5.000 cổ phiếu trên và cũng không thông báo việc phát hành cổ phiếu ưu đãi của ngân hàng này cho ông Hoàng, mà trực tiếp làm các thủ tục để thụ hưởng quyền lợi được mua cổ phiếu ưu đãi và nhận cổ phiếu thưởng.

Biết chuyện, ông Hoàng đã yêu cầu ông Long trả lại quyền mua cổ phiếu ưu đãi và nhận cổ phiếu thưởng, nhưng hai bên không dàn xếp được và phải đưa nhau ra toà. Sau đó, toà án cấp sơ thẩm đã tuyên án, nhưng đến nay, vụ án này vẫn chưa kết thúc.

Chí Tín

đầu tư

Các tin tức khác

>   PXT thông qua kế hoạch tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2011 (15/04/2011)

>   Chứng khoán chờ lạm phát giảm (15/04/2011)

>   Nợ khéo (14/04/2011)

>   Lãi suất cầm cố chứng khoán lên 27% một năm (14/04/2011)

>   Chứng khoán đang rất cần tái định vị (14/04/2011)

>   CAN hủy Đại hội thường niên do cổ đông Nhà nước không đến (14/04/2011)

>   Chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (cập nhật ngày 13/04) (13/04/2011)

>   Nở rộ xử phạt vi phạm trên TTCK, vì sao? (13/04/2011)

>   TTCK: Sợ ngược... (13/04/2011)

>   Thị phần môi giới chứng khoán: Thấy gì từ thay đổi? (13/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật