Thứ Sáu, 15/04/2011 10:42

Chứng khoán chờ lạm phát giảm

Đầu năm nay khi lập kế hoạch kinh doanh, một công ty quản lý quỹ nước ngoài dự đoán lạm phát cả năm khoảng 12%. Đến tháng 3 căn cứ tình hình thực tế công ty nâng lạm phát dự kiến lên 13% sau khi nhận định rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã lập đỉnh vào cuối quý 1.

Thế nhưng mới đây, tổng giám đốc công ty này lắc đầu: “Có lẽ chúng tôi dự báo chưa chính xác. Chỉ số CPI tháng 4 dường như vẫn chưa giảm nhiệt”. Ông nói thực sự cảm thấy “nỗi đau” đang ngày càng ngấm khi tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ do công ty ông quản lý ngày một ít đi. Cũng may, năm nay không phải là năm các nhà đầu tư nước ngoài có thể đặt vấn đề thoái vốn. Cứ hai năm họ mới có thể đặt vấn đề ấy ra một lần…

Lo CPI tháng 4

Đã thành lệ nhiều năm nay, theo chu kỳ tháng 4 bao giờ cũng là tháng có mức tăng chỉ số giá cả thấp nhất năm. Thống kê cho thấy từ năm 1994 đến 2009, mức tăng chỉ số CPI tháng 4 bình quân là 0,3% so với tháng trước đó. Trong thời gian 2003 – 2007 mức tăng trên cao hơn chút đỉnh, bình quân 0,4%. Trong suốt 15 năm trở lại đây, đỉnh của CPI tháng 4 được ghi nhận là 2,2% vào năm 2008.

Năm nay nhiều ý kiến cho rằng chỉ số giá cả tiêu dùng đã lập đỉnh vào tháng 3 với mức tăng 2,17% so với tháng 2. Những kỳ vọng CPI tháng 4 sẽ ở mức 1%, thậm chí thấp hơn đã xuất hiện. Nhưng rồi thực tế có vẻ không đáp ứng theo kỳ vọng đó. Xăng dầu tăng giá ảnh hưởng đến các hàng hoá khác. Đặc biệt là khả năng tăng giá xăng dầu sắp tới vẫn còn bỏ ngỏ do giá dầu thế giới đã tăng thêm hơn 10 đôla Mỹ/thùng kể từ thời điểm tăng giá xăng dầu nội địa gần đây.

Vào đầu năm 2007, tổng giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ do Dragon Capital quản lý là 2,2 tỉ đôla Mỹ. Nay theo số liệu của Rothschild Securities, con số này còn khoảng 750 triệu đôla Mỹ, bằng một phần ba so với thời hoàng kim. NAV của hơn 100 quỹ đầu tư ngoại lớn nhỏ các loại vào Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự. Tính ra, với sự “ngủ đông” của VN-Index trong vòng bốn năm qua, các quỹ đầu tư đã bị “bay hơi” hàng tỉ đôla Mỹ.

Tương lai của các quỹ đầu tư nước ngoài nhìn chung chưa thấy dấu hiệu khởi sắc, vì họ không thể huy động thêm vốn để “trung bình giá” các khoản đã đầu tư hoặc tìm kiếm những cơ hội mới bù đắp cho những khoản đầu tư hiện hành. “Ai cũng biết thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất rẻ so với các nước khu vực. Tuy nhiên, các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ cân nhắc yếu tố rẻ. Họ nhìn trước tiên vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, mà cụ thể là lạm phát”, ông Don Lam, tổng giám đốc VinaCapital phát biểu trong một cuộc họp báo gần đây.

Bao giờ lạm phát giảm?

Ở các nước phát triển, lạm phát ở mức 2 – 3%/năm đã gây chú ý. Các nước trong khu vực lạm phát có thể tới 5 – 7%/năm. Chưa có nước nào có mức lạm phát hơn 6% trong ba tháng đầu năm, hay 2%/tháng như ở Việt Nam. Mức lạm phát đó đủ khiến cho các nhà đầu tư gián tiếp nước ngoài đang có ý định bỏ vốn vào Việt Nam phải suy nghĩ lại. Không phải ngẫu nhiên khi lạm phát tháng 2.2011 tăng cao trùng với thời điểm các nhà đầu tư nước ngoài đẩy mạnh bán ra cổ phiếu ở sàn TP.HCM (HoSE). Theo số liệu của HoSE, tháng 1.2011 khối ngoại mua vào 3.089 tỉ đồng cổ phiếu, bán ra 1.672 tỉ đồng, tức mua ròng 1.417 tỉ đồng. Sang tháng 2 và 3.2011, con số tương ứng thay đổi hẳn: mua vào 1.724 và 2.694 tỉ đồng; bán ra 1.730 và 2.676 tỉ đồng. Mức mua ròng gần như bằng không và có tháng âm. Ngay cả những quỹ thành viên (không niêm yết, không phải công khai NAV) còn tiền cũng khoanh tay quan sát thị trường. Ông Khổng Văn Minh, công ty quản lý quỹ Jaccar (Pháp), nhận xét: “Làm sao có thể thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài mới khi lạm phát ở mức hai con số, khi giải ngân xong là nhìn thấy ngay giá trị khoản đầu tư giảm đi và giảm từng ngày. Giải ngân càng nhiều, thua lỗ càng lớn”.

Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF trong báo cáo về kinh tế thế giới tháng 4.2011 đưa ra dự báo lạm phát của Việt Nam năm nay 13,5%. So với lãi suất tiền đồng hiện nay 14%/năm, trừ đi lạm phát, lãi suất thực người gửi tiền có được chỉ còn 0,5%/năm. Trong trường hợp đầu tư chứng khoán, tính ra từ đầu năm đến nay, ngay cả 0,5% ấy nhà đầu tư cũng không có được.

Cả xã hội đang chờ: khi nào lạm phát giảm? Tổng giám đốc một ngân hàng khẳng định khi nào vốn huy động tiền đồng của hệ thống tổ chức tín dụng tăng mạnh, khi ấy CPI sẽ hạ nhiệt. Tính đến 16.3.2011 huy động vốn chỉ tăng 1,56% so với cuối năm ngoái, trong đó chủ yếu là tăng vốn huy động ngoại tệ. Hiểu một cách đơn giản nhất thì tiền nhiều, hàng hoá ít, tất nhiên giá cả phải cao. Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng giải pháp hút tiền về thông qua dự trữ bắt buộc tiền đồng, nhưng để có tiền đồng đưa vào dự trữ bắt buộc, các ngân hàng phải huy động được tiền đồng trước đã.

Hải Lý

Sài gòn tiếp thị

Các tin tức khác

>   Nợ khéo (14/04/2011)

>   Lãi suất cầm cố chứng khoán lên 27% một năm (14/04/2011)

>   Chứng khoán đang rất cần tái định vị (14/04/2011)

>   CAN hủy Đại hội thường niên do cổ đông Nhà nước không đến (14/04/2011)

>   Chốt quyền dự ĐHĐCĐ thường niên 2011 (cập nhật ngày 13/04) (13/04/2011)

>   Nở rộ xử phạt vi phạm trên TTCK, vì sao? (13/04/2011)

>   TTCK: Sợ ngược... (13/04/2011)

>   Thị phần môi giới chứng khoán: Thấy gì từ thay đổi? (13/04/2011)

>   Bài 1: Đường tới toà sao quá xa! (09/04/2011)

>   Bài 2: Vì sao “cửa” toà vẫn đóng? (13/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật