TTCK: Sợ ngược...
TTCK có những nỗi sợ ngược không? Không ít. Nếu ai để ý thì dạo này có chuyện rất lạ. Người ta không sợ khi thị trường dập dềnh đi xuống mà lại bồn chồn không ngủ khi chỉ số bỗng xanh.
Ở đời, có những cái tưởng đơn giản lại hóa ra phức tạp. Hôm trước đi qua ngã tư, thấy có cụ già cứ dợm bước xuống đường lại rụt chân lên. Thấy thương quá mới dắt qua. Vừa đi cụ vừa than, tôi đứng ở chỗ này non nửa tiếng rồi đấy bác ạ. Thiên hạ bây giờ nhiều người "mù màu" chẳng thấy đèn xanh, đèn đỏ gì, khiếp quá! Khổ, cụ ơi, không phài mù màu đâu, nhiều người giờ "dũng cảm" lắm, ý thức như cụ sợ ngược mấy ông phóng nhanh vượt ẩu là thường…
Nhưng lại có chuyện tưởng phức tạp mà hóa đơn giản. Nếu ai ở Đồng bằng sông Cửu Long mấy năm trước thì hẳn đều biết cái họa "cá dọn bể". Nó ngang ngửa với dịch ốc bươu vàng miền Bắc dạo trước. Giống này vừa ăn tạp, vừa mắn đẻ. Nhỡ tay thả một vài con xuống thì cuối năm cả ao chỉ còn nhõn mỗi cái giống đen đen, bẩn bẩn ấy. Đùng một cái, thiên hạ thì thầm rằng, ăn giống này vào có tác dụng tăng cường nam tính. Cá dọn bể bỗng dưng trở thành đặc sản. Tất nhiên, ngày càng hiếm! Qua chuyện này mình rút ra hai điều.
Thứ nhất, cứ giống gì có hại kiểu như rùa tai đỏ, cào cào, châu chấu…, ta (nhờ báo chí càng hiệu quả) kêu toáng lên rằng bổ dương, thì đảm bảo chiến dịch tận diệt không cần phát động.
Thứ hai, hình như trái đất nóng lên làm phái mạnh ngày càng yếu, cứ con gì ngọ nguậy được là y như rằng… tốt, rồi đua nhau thủy táng trong rượu, thực táng… trong dạ dày. Chỉ có thắc mắc là chẳng mấy khi thấy chị em chê chồng thiếu… nam tính. Toàn anh em mình thì thà thì thụt với nhau rồi sợ bóng, sợ gió cái việc khỏe yếu. Chả cần biết đối tượng thụ hưởng cái khỏe yếu ấy có ý kiến gì không. Cái sợ này suy cho cùng cũng là sợ ngược!
Tất nhiên, nói đi thì cũng phải nói lại. Người ta thường không dễ đối diện với những nỗi sợ. Các nhà khoa học tính toán rằng, có khoảng 13% dân số trên địa cầu "bỗng dưng" sợ một vài thứ gì đó trong một thời điểm nào đó, hoặc sợ kinh niên. Xã hội càng phát triển, càng lắm nỗi sợ bi hài. Cứ xem dân tình rầm rập đến Nhà hát Tuổi trẻ xem Quang Thắng, Vân Dung diễn hài "Sợ ngược" thì rõ. Từ chuyện cô osin có quyền sinh, quyền sát với cả nhà, osin bảo ốm, cả nhà cuống cuồng; osin bảo nghỉ, cả nhà lạy như tế sao. Rồi thì "Quan sợ lính" vì lính bắt thóp được quan; "Người ngay sợ kẻ gian" bởi người ngay "sống chết mặc bay, yên thầy cái đã"... vân vân và vân vân…
Những nỗi sợ ngược ấy tưởng vô lý mà lại hoàn toàn có lý vậy. TTCK có những nỗi sợ ngược ấy không? Không ít. Nếu ai để ý thì dạo này có chuyện rất lạ. Người ta không sợ khi thị trường dập dềnh đi xuống mà lại bồn chồn không ngủ khi chỉ số bỗng xanh. Nếu không tin, bạn có thể lên diễn đàn mạng. Mười lần như một, cứ sau một phiên tăng là người ta kháo nhau, cá mập đánh lên để thoát hàng. Nó là một nỗi sợ mơ hồ theo kiểu "con chim" đã từng tơi tả vì tên bỗng chấp chới không dám đậu xuống cái cành cong cong, dù hai cánh đã rã rời lắm. Các nhà đầu tư bây giờ, nỗi sợ bị "đánh úp" đã nặng lắm rồi. Cả CTCK cũng thế, vẫn phân tích, bình luận, ngắn hạn thì xấu, dài hạn nên mua. Nhưng hình như cũng chả mấy tin vào điều ấy. Y như cái anh vừa đi qua nghĩa địa vừa nghêu ngao hát, tự nhiên cái lá cây rơi soạt đằng sau là ba chân bốn cẳng ù té chạy. Bệnh tự kỷ ám thị này xét ra cũng có nguyên do cả…
Nhớ hôm trước, có CTCK phân tích rằng dòng tiền đang ngủ quên. Mình thì cho rằng, dòng tiền đang nằm im bất động chứ không ngủ. Nếu ngủ được đã may, đã không bức bối. Người ta bảo thức lâu mới biết đêm dài. Cứ nằm mà không ngủ được còn tai hại hơn. Bệnh tật từ đấy sinh ra cả. Dòng tiền bất động vì "không có chỗ chơi" khi những hy vọng về T+2, những magin, quyền chọn… bùng lên đã lâu và hiện đang ở thì… tắt ngấm. Vậy nên, khi có người bảo chứng khoán xuống cả năm nay chỉ vì lý do khách quan thì mình chợt nghĩ: "Khách quan mà biết nói năng…".
Chính vì vậy, cái sợ ngược của nhà đầu tư khi thấy thị trường xanh vỏ đỏ lòng kể cũng không lạ. Thị trường năm nay còn một nỗi sợ ngược khác nữa. Những năm trước, dân đầu tư kim chỉ đá lửa như mình lép vế lắm. Lên sàn thì bị gọi là nhân tố lướt sóng, gây bất ổn (mà bác gì ở VAFI đề nghị hạn chế kiểu như thanh lọc rùa tai đỏ, cá dọn bể vừa rồi); làm cổ đông thì bị cắt quyền ông chủ vì… chủ nhỏ quá; kể cả có mon men đến được đại hội thì hết bị gọi gà mờ đến nghị gật. Báo chí còn bêu riếu rằng, có những nhà đầu tư đến đại hội chỉ để nhìn lượng người tham dự, nếu đông thì... yên tâm ôm tiếp, còn thấy lèo tèo thì chạy… Tóm lại là ông chủ sợ người làm đã hẳn.
Nhưng bỗng dưng, dạo này khác! Hàng loạt DN hoãn tờ trình xin này xin nọ vì cổ đông eo sèo, rồi có ông đầy tớ to nhất ở Vạn Phát Hưng cúi đầu xin lỗi cổ đông vì việc "ông chủ" giao đã không hoàn thành… vân vân và vân vân… Nở mày nở mặt nhất là các bác chủ nhỏ nhà Kim Long. Lời giã từ với chứng khoán đã tưởng là… bốn ngựa không đuổi kịp, nhưng cuối cùng mọi sự… Nguyễn Y Vân vì sự giận dỗi của mấy ngàn cổ đông nhỏ.
Tất nhiên, có những nỗi sợ ngược rất dễ thương. Ấy là nói tới việc năm ngoái cổ đông của Cotec (CTD) "ép" lãnh đạo DN phải nhận trích thưởng vượt kế hoạch vì "các anh làm quá tốt!". Ban lãnh đạo nể quá… bèn nhận vậy!
Mà thật ra, sợ ngược là ngược với thông lệ buồn của sàn chứng khoán bao năm nay. Chứ còn đầy tớ sợ ông chủ thì hẳn là cái… sợ xuôi quá đi chứ nhỉ.
Phí Trọng Hiếu
đầu tư chứng khoán
|