Thứ Tư, 13/04/2011 10:55

Nở rộ xử phạt vi phạm trên TTCK, vì sao?

Gần đây, UBCK liên tiếp ra các quyết định xử phạt hành chính, trong đó có những quyết định liên quan đến những vụ việc đã xảy ra khá lâu. Báo ĐTCK đã phỏng vấn bà Vũ Thị Chân Phương, Chánh thanh tra UBCK về vấn đề này.

Vừa qua, UBCK đã ra quyết định xử phạt hành chính nhiều trường hợp cổ đông lớn, cổ đông nội bộ và người có liên quan do không công bố thông tin khi thực hiện giao dịch. Vì sao tình trạng này lại xảy ra phổ biến, thưa bà?

Thông tư 09/2010/TT-BTC (thay thế Thông tư 38/2007/TT-BTC) hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK đã quy định khá đầy đủ, chi tiết nghĩa vụ công bố thông tin của cổ đông nội bộ, cổ đông lớn của tổ chức niêm yết. UBCK, các Sở GDCK cũng thường xuyên tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về chứng khoán nói chung và các quy định về giao dịch nói riêng đối với các đối tượng tham gia thị trường.

Tuy nhiên, số vụ vi phạm quy định về công bố thông tin vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Nguyên nhân vi phạm phần lớn là do doanh nghiệp nói chung và các cổ đông nội bộ nói riêng, đặc biệt là những "người có liên quan" (anh, chị em...) chưa nhận thức và hiểu rõ nghĩa vụ và trách nhiệm của mình.

Mức phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về chế độ báo cáo và công bố thông tin của cổ đông nội bộ trước đây được quy định tại Nghị định số 36/2007/NĐ-CP còn thấp (từ 10 đến 20 triệu đồng) nên không đủ tính răn đe, phòng ngừa vi phạm. Do vậy, tại Nghị định số 85/2010/NĐ-CP ngày 2/8/2010 (thay thế Nghị định số 36/2007/NĐ-CP), mức phạt đã được nâng lên tối đa 70 triệu đồng.

Luật Chứng khoán năm 2006 cũng như nhiều văn bản hướng dẫn Luật này đã quy định việc phát hành cổ phiếu ra công chúng phải đăng ký với UBCK, song vẫn có tình trạng vi phạm. Điều này ảnh hưởng thế nào đến NĐT và TTCK?

Pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng là tổng thể các quy định của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn thi hành điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán ra công chúng. Hệ thống văn bản này nhằm tạo điều kiện pháp lý cho các tổ chức được huy động vốn từ công chúng đầu tư một cách công khai, thuận tiện, phục vụ nhu cầu sản xuất và kinh doanh nhưng cũng đồng thời quy định các nghĩa vụ pháp lý đối với các đối tượng có liên quan để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công chúng đầu tư.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tự ý chào bán chứng khoán ra công chúng mà không đăng ký với UBCK, vi phạm pháp luật về chứng khoán và TTCK.

Việc xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm trong thời gian qua đã có tác dụng răn đe, ngăn chặn các hành vi vi phạm. Biểu hiện cụ thể là, số vụ vi phạm đã giảm qua các năm (năm 2008: 97 vụ; năm 2009: 50 vụ và năm 2010: 25 vụ). Các vi phạm chủ yếu được thực hiện trong năm 2007, nguyên nhân chủ yếu là do thời điểm này, Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn mới được ban hành; các doanh nghiệp chưa kịp cập nhật và nắm bắt. Tuy nhiên, cũng có doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm pháp luật: chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCK, không công khai, minh bạch về tài chính. Hành vi này đã ảnh hưởng đến lợi ích của các nhà đầu tư, cũng như tính công khai, minh bạch của TTCK nói chung.

Để tăng cường xử lý các trường hợp vi phạm quy định về chào bán chứng khoán ra công chúng, Nghị định 85/2010/NĐ-CP đã quy định chế tài xử phạt nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm nêu trên. Theo đó, tổ chức phát hành thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng không đăng ký với UBCK sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt chính là phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tiền từ một đến năm lần khoản thu trái pháp luật. Ngoài ra, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và khắc phục hậu quả là: Buộc huỷ bỏ đợt chào bán và tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm; Phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi bằng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà tổ chức chào bán chứng khoán mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm bị xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

Trong thời gian qua, UBCK đã phát hiện và ra quyết định xử phạt hành chính khá nhiều vụ thao túng giá chứng khoán. Tuy nhiên, có rất nhiều trường hợp, hành vi vi phạm đã xảy ra khá lâu trước thời điểm ra quyết định xử phạt. Bà có ý kiến gì về vấn đề này và xin Bà cho biết quy trình giám sát, phát hiện và xử lý đối với hành vi vi phạm này?

Để đảm bảo cho TTCK hoạt động ổn định, công bằng và minh bạch, thời gian qua, UBCK đã không ngừng tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trên TTCK, đặc biệt là chú trọng phát hiện và xử lý các hành vi bị cấm trên TTCK như thao túng thị trường. Việc giám sát, thanh tra xử lý vi phạm đối với các hành vi bị cấm được thực hiện theo một quy trình chặt chẽ: Các Sở GDCK theo dõi, phân tích các dấu hiệu vi phạm ban đầu và báo cáo, cung cấp số liệu cho Vụ Giám sát UBCK để cơ quan này tiến hành kiểm tra, phân tích sâu, làm rõ hành vi vi phạm; trường hợp phát hiện có hành vi vi phạm, Vụ sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan Thanh tra của UBCK để cơ quan này thanh tra, xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Thực tế cho thấy, từ dấu hiệu nghi vấn đến kết luận về hành vi thao túng, làm giá là một quá trình khó khăn, không chỉ vì thẩm quyền của UBCK còn hạn chế, mà để ra kết luận về hành vi vi phạm, đòi hỏi phải có thời gian để thu thập các chứng cứ rõ ràng. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, cứ 50 vụ có dấu hiệu nghi vấn thao túng, làm giá được điều tra thì có từ 2-3 vụ đủ bằng chứng khép tội để xử lý và thời gian tiến hành điều tra đối với những vụ việc phức tạp có thể kéo dài từ 1-2 năm.

Trong năm 2010, UBCK đã phát hiện và xử lý 7 cá nhân có hành vi giao dịch nội gián và 14 cá nhân có hành vi thao túng giá chứng khoán. Có thể nói, năm 2010 là năm xử lý vi phạm thao túng giá nhiều nhất và lần đầu tiên khởi tố hình sự tội danh thao túng giá cổ phiếu kể từ khi tội danh mới này được bổ sung vào Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2010.

Đối với những vụ việc được phát hiện trước ngày 20/9/2010 (thời điểm Nghị định 85/2010/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán tuân theo Nghị định số 36/2007/NĐ-CP với mức phạt tiền cao nhất là 70 triệu đồng. Mức phạt này là thấp, chưa đủ tính răn đe, phòng ngừa vi phạm trên thị trường, đặc biệt là đối với hành vi thao túng giá chứng khoán. Nghị định 85/2010/NĐ-CP đã nâng mức phạt đối với hầu hết các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán, với mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng (giới hạn theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008). Riêng đối với hành vi thao túng thị trường, mức phạt cũng đã được nâng lên mức từ 200 - 300 triệu đồng (quy định cũ phạt cá nhân từ 30-50 triệu đồng, tổ chức từ 50-70 triệu đồng).

Để tăng cường xử lý đối với hành vi thao túng thị trường, cùng với việc nâng mức phạt tiền đối với hành vi thao túng giá chứng khoán, Thông tư 37/2011/TT-BTC (có hiệu lực thi hành từ 10/5/2011) đã hướng dẫn cách tính các khoản thu bất hợp pháp từ hành vi thao túng giá chứng khoán để tịch thu theo nguyên tắc: thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật từ thời điểm tổ chức, cá nhân bắt đầu thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán đến thời điểm kết thúc hành vi thao túng giá chứng khoán.

Nghị định 85/2010/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành 6 tháng nhưng không ít đối tượng liên quan vẫn chưa nắm rõ nội dung. Trong thời gian tới, UBCK sẽ có hoạt động gì nhằm hỗ trợ các thành viên thị trường, các tổ chức, cá nhân hiểu rõ hơn về văn bản này?

Nghị định 85/2010/NĐ-CP được ban hành đã bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới được phát hiện trong quá trình hoạt động, phát triển của thị trường, với mức phạt tiền đối với hầu hết các hành vi vi phạm được nâng lên rất cao so với quy định cũ tại Nghị định 36/2010/NĐ-CP. Do vậy, ngay sau khi Nghị định được ký ban hành, UBCK đã xây dựng và triển khai kế hoạch tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định mới đến tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia TTCK nhằm ngăn chặn, phòng ngừa vi phạm và đảm bảo tính thực thi khi Nghị định có hiệu lực thi hành, cụ thể như đăng tải toàn bộ nội dung Nghị định 85/2010/NĐ-CP lên trang thông tin điện tử của UBCK; đăng tải trên Tạp chí Chứng khoán, Báo Đầu tư Chứng khoán bài giới thiệu tóm tắt nội dung Nghị định 85/2010/NĐ-CP trong đó có nêu rõ những điểm mới bổ sung, thay đổi so với Nghị định 36/2007/NĐ-CP; thông qua các Sở GDCK, yêu cầu các CTCK tổ chức tìm hiểu, quán triệt nội dung Nghị định mới; tổ chức tuyên truyền đến nhà đầu tư tại chính các CTCK; niêm yết một số nội dung mới của Nghị định tại bảng tin của CTCK.

Trong thời gian tới, UBCK cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị định mới đến tất cả các đối tượng tham gia thị trường thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, qua hình thức phát tờ rơi, tổ chức hội thảo tại một số thành phố lớn.

Ngân Giang thực hiện

đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   TTCK: Sợ ngược... (13/04/2011)

>   Thị phần môi giới chứng khoán: Thấy gì từ thay đổi? (13/04/2011)

>   Bài 1: Đường tới toà sao quá xa! (09/04/2011)

>   Bài 2: Vì sao “cửa” toà vẫn đóng? (13/04/2011)

>   Doanh nghiệp niêm yết loay hoay tìm vốn (12/04/2011)

>   Lịch ĐHĐCĐ thường niên 2011 từ 13-17/04 (12/04/2011)

>   Số liệu BCTC kiểm toán: Lỗ hổng khó lấp (12/04/2011)

>   Chứng khoán hưởng lợi khi USD hết “mốt” (09/04/2011)

>   ĐHCĐ trực tuyến: Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp (09/04/2011)

>   PVF bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp vay ngoại tệ (08/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật