Làm ăn thời gian khó
Số đông các NĐT đều đang ta thán là... làm gì cũng khó. Quả thật trong bối cảnh hiện nay, khi TTCK thì sụt giảm, đầu tư tiền tệ như găm giữ USD coi như đã bị xoá sổ, đầu tư BĐS thì có vẻ trầm lắng, còn đầu tư vào vàng thì tiềm ẩn không ít rủi ro. Vậy đâu là kênh đầu tư?
Kênh đầu tư nào?
Cho đến nay, thị trường USD tự do coi như đã bị xóa sổ. Chính vì thế, kênh đầu tư găm giữ USD kiểu “mua thấp - bán cao” đã không còn. Thay vào đó đối với các NĐT sẽ chỉ còn 3 kênh đầu tư chính là vàng, BĐS và TTCK.
Đối với TTCK, mặc dù có quá nhiều nhận định về mức đáy của giá các CP. Thậm chí nhiều NĐT lạc quan rằng đã đến thời điểm có thể mua hầu như bất kỳ mã CP nào - nhất là các CP thuộc các lĩnh vực như NH, BĐS, tài chính, sản xuất... Thế nhưng để thực sự dám xuống tiền để “ôm” CP vào lúc này cũng không phải là quyết định dễ dàng đối với các NĐT.
Đơn giản là cho đến nay, dù giá CP đã quá thấp nhưng nền kinh tế vĩ mô chưa hề thấy bất kỳ tín hiệu khả quan nào. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá CP dù đã thấp, nhưng cũng... chẳng biết khi nào TTCK sẽ khởi sắc, giá CP sẽ gượng dậy để sinh lời cho NĐT. Đến đây, tất cả các câu “cửa miệng” của các chuyên gia phân tích khuyên các NĐT là nếu có đầu tư thì phải... đầu tư dài hạn. Còn vấn đề dài hạn đến bao giờ thì quả là cũng khó nói. Thậm chí, giá CP vẫn có thể còn giảm nữa khi mà CPI tăng cao, đi kèm các thông tin chưa mấy có lợi cho kinh tế vĩ mô.
Riêng đối với kênh đầu tư vàng, khả năng đem lại lợi nhuận là vẫn khá cao. Tuy nhiên, cho dù đây là kênh đầu tư có thể đem lại lợi nhuận, nhưng rủi ro cũng không nhỏ. Trên thực tế thời gian qua, rất nhiều thông tin đã khiến cho thị trường này gặp những bất lợi. Thậm chí nếu việc quản lý thị trường này được tiến hành một cách chặt chẽ hơn thì rất có thể đây không còn là kênh đầu tư nữa, thay vào đó chỉ là sự găm giữ tài sản đơn thuần.
Điều đáng nói là cho đến nay, khi các chính sách này chưa được “chốt” thì khá nhiều NĐT đã xa lánh mặt hàng này nhằm bảo toàn khả năng tài chính, tránh rủi ro. Vì thế đây thực sự đã không còn là kênh đầu tư hấp dẫn nữa, ngay cả lúc giá vàng thế giới tăng cao hơn giá vàng trong nước.
Vậy BĐS có phải là thị trường hứa hẹn? Điều này xem ra có vẻ là sự lựa chọn tối ưu. Nếu theo dõi quá trình dài, sẽ thấy ngoại trừ những đợt sốt theo kiểu bị làm giá như đối với đất Ba Vì, Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) và hiện nay là một số điểm ở Đà Nẵng, TPHCM... thì sẽ thấy giá trị của BĐS thông thường cả ở phân khúc căn hộ cũng như đất đai đều không hoặc ít bị sụt giá - nếu không nói là vẫn có những nơi tăng cao.
Mới đây, một vài thông tin cho rằng BĐS tại Việt Nam đang có dấu hiệu bong bóng, thế nhưng theo TS Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch UB Giám sát tài chính quốc gia - thì BĐS tại Việt Nam chưa hội tụ đủ các điều kiện để có thể xảy ra hiện tượng “nổ bong bóng”; thậm chí nếu có thì phải cả chục năm nữa. Tuy nhiên khác với vàng và TTCK, BĐS cần nguồn tài chính lớn, đầu tư dài hạn.
Tiền mặt lên ngôi
Dù ở bất kỳ kênh đầu tư nào thì cho đến nay, số đông NĐT đã khá oải vì sự hạn chế của dòng tiền - nhất là tiền mặt. Đối với các kênh đầu tư như TTCK, BĐS thì việc thắt chặt tín dụng, thắt chặt tiền tệ, hạn chế cho vay, hạn chế đòn bẩy tài chính, cho vay lãi suất rất cao... khiến cho các NĐT đều khó có thể tiếp cận được tiền mặt để gia tăng đầu tư. Trong khi đó, nếu như coi TTCK đang ở điểm đáy thì dù có muốn, các NĐT cũng lực bất tòng tâm vì không thể có được lượng tiền mặt, đòn bẩy tài chính như trước đây để mua vào.
Tương tự đối với thị trường BĐS, dù giá mua hiện nay được cho ở mức thấp, số đông chủ đầu tư cần huy động tiền nên sẵn sàng giảm giá bán, bán với nhiều ưu đãi...; thế nhưng câu hỏi “tiền đâu” vẫn là bài toán khó trả lời. Riêng đối với thị trường vàng, việc giao dịch sụt giảm mạnh cũng khiến cho thị trường này không còn mấy hấp dẫn. Chính vì thế dòng tiền ở thị trường này hiện nay cũng rất hạn chế.
Theo số đông các chuyên gia và NĐT thì đây đang là thời điểm khó khăn trong làm ăn, khó khăn trong việc huy động vốn nên việc ai nắm giữ nhiều tiền mặt thì thực sự lên ngôi khi có thể lựa chọn cơ hội đầu tư tốt vào những mã CP cũng như các dự án BĐS đang được cho là có nhiều kỳ vọng. Mặc dù vậy, cũng có ý kiến khác cho rằng hiện nay lượng tiền trong dân vẫn còn khá nhiều, vấn đề chính là khi các NH đẩy lãi suất tiết kiệm lên cao, các kênh đầu tư dần có sự thắt chặt nên rất nhiều người coi kênh “gửi tiết kiệm” là một hình thức đầu tư và giữ tiền có hiệu quả trong bối cảnh khó khăn và tiềm ẩn rủi ro.
Bằng chứng cho thấy là cả lượng tiền VND cũng như USD đang có dấu hiệu gia tăng tại các ngân hàng khi nhiều cá nhân gửi và bán. Bên cạnh đó, hiện nay đang khá phổ biến việc cho vay tín dụng thỏa thuận giữa các cá nhân với cá nhân. Chính vì thế, các chuyên gia cho rằng việc thắt chặt tín dụng và tiền tệ là cần thiết, nhưng vấn đề chính là hướng dòng tiền vào đâu, như thế nào để dòng tiền trở thành nguồn lực tài chính phát huy hiệu quả, mang lại lợi nhuận kinh tế. Đây mới thực sự là mấu chốt vấn đề, chứ không phải đơn thuần là hạn chế lưu thông dòng tiền.
Đức Long – Phạm Anh
Lao động
|