Thứ Bảy, 23/04/2011 13:41

TTCK Việt Nam: Những bức xúc trong lòng thị trường

Không phủ nhận nguyên nhân quan trọng nhất khiến TTCK rơi vào tình cảnh ảm đạm là sự khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chịu khó lắng nghe sẽ thấy những bức xúc trong lòng thị trường không nằm ở những khó khăn chung này, mà chủ yếu đến từ sự im lặng của cơ quan quản lý trước những yêu cầu căn bản về quyền tự do giao dịch, tự do kinh doanh trên.

Xin nói ngay: chưa có thông tin gì mới cho đến chiều ngày 19/4/2011 khi ĐTCK liên hệ với ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính để tìm hiểu về vấn đề này. Dư luận hiểu rằng, thẩm quyền quyết định các văn bản pháp quy (dưới luật, dưới nghị định) là ở Bộ Tài chính, bởi ở cấp UBCK, những vấn đề thị trường chờ đợi như cho phép giao dịch một loại cổ phiếu cùng phiên, cho nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản hay giao dịch ký quỹ… chỉ có thể xử lý bằng việc đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch. Nhà đầu tư thì trông chờ UBCK, UBCK thì trông chờ Bộ Tài chính, cứ như vậy đã hơn 2 năm nay và vẫn chưa biết chờ đến bao giờ…

Bức tranh từ thực tế

Hai chức năng quan trọng nhất của TTCK là tạo kênh huy động vốn cho các DN và tạo tính thanh khoản cho chứng khoán. 10 năm qua, ngành chứng khoán Việt Nam đã thu hút được gần 800 DN vào thị trường giao dịch tập trung với hàng trăm định chế tài chính trung gian là các CTCK, công ty quản lý quỹ. Đó là một thành quả không thể phủ nhận, nhưng nhìn toàn cảnh TTCK hiện nay có thể thấy, thị trường thấp nhất, UPCoM đang gần như "chết" về thanh khoản, "chết" cả sự quan tâm của nhà đầu tư nếu tính trên chỉ số UPCoM-Index (hiện còn 35 điểm). Thị trường niêm yết tại sàn Hà Nội cũng chỉ còn 84 điểm, từ mốc 100 điểm khi mở cửa sàn (14/7/2005). Thị trường niêm yết tại sàn TP. HCM rơi vào tình cảnh thanh khoản thấp kỷ lục, chỉ trên dưới 500 tỷ đồng/phiên. Thị trường cổ phiếu tự do từng có một thời sôi động với chợ OTC Liễu Giai, OTC Đông Dương…, nhưng đã "mất dạng" từ lâu với quyết tâm "đóng cửa" của cơ quan quản lý.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về việc bao giờ TTCK có chính sách mới, ông Trần Xuân Hà cho biết, trong tuần sau sẽ ngồi bàn lại với UBCK về dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán. Ông Hà cho biết, dù UBCK đã trình vài lần dự thảo Thông tư này, nhưng tính pháp lý vẫn chưa thật chặt chẽ. Cũng theo ông Hà, ban hành một văn phải đảm bảo tính chặt chẽ về pháp lý, tính hiệu quả, tính định hướng phát triển TTCK và đặc biệt là phải được nhà đầu tư, các thành viên thị trường chấp nhận…

Một nguồn tin của Báo ĐTCK cho biết, ngày 7/4/2011, Văn phòng Chính phủ có thông báo yêu cầu Bộ Tài chính thực hiện sớm 3 việc. Thứ nhất, đẩy nhanh quá trình xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung; thứ hai, chuẩn bị đề án cho quá trình tái cấu trúc TTCK và thứ ba, có phương án cơ cấu lại hoạt động của khối công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Văn bản này đã được chuyển đến UBCK để chuẩn bị thực thi.

Về chức năng tạo kênh huy động vốn, tính từ đầu năm đến nay, số vốn mà các DN dự kiến huy động trên TTCK theo bản cáo bạch chưa đầy 6.000 tỷ đồng. Một con số quá nhỏ so với mức 126.000 tỷ đồng các DN niêm yết đã huy động được qua TTCK năm vừa qua.

Ngày 25/4/2011 là hạn cuối cùng các DN niêm yết phải công bố báo cáo tài chính quý I. Trong ngành dịch vụ chứng khoán, hầu hết các CTCK đều đang báo lỗ, kể cả CTCK đứng đầu như SSI cũng… lỗ. Một vài CTCK báo lãi chủ yếu từ tiền lãi gửi ngân hàng, hoạt động nghiệp vụ trên TTCK hầu như không tạo ra lợi nhuận. Thị trường quá khó khăn khiến các CTCK đang phải thắt chặt hầu bao, giảm lương, giảm nhân sự. Một số nhân viên tại CTCK chia sẻ, khác với niềm tự hào như mấy năm về trước, vị thế ngành chứng khoán bây giờ yếu quá, chỗ nào cũng thấy khó khăn và khó khăn…

Những bức xúc trong lòng thị trường

Không phủ nhận nguyên nhân quan trọng nhất khiến TTCK rơi vào tình cảnh ảm đạm là sự khó khăn chung của nền kinh tế vĩ mô tại Việt Nam và toàn cầu. Tuy nhiên, nếu chịu khó lắng nghe sẽ thấy những bức xúc trong lòng thị trường không nằm ở những khó khăn chung này, mà chủ yếu đến từ sự im lặng của cơ quan quản lý trước những yêu cầu căn bản về quyền tự do giao dịch, tự do kinh doanh trên TTCK của nhà đầu tư và các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tại Việt Nam.

Đương nhiên, vị trí nhà đầu tư hay DN là khác hẳn với vị trí của nhà quản lý, nhất là ở việc họ không có đủ thông tin tổng thể để tư duy như nhà làm chính sách. Nhưng nhà làm chính sách nghĩ gì khi đọc những phản ứng như: "Tại sao viết mãi, nói mãi mà những nhà quản lý và điều hành TTCK cứ làm ngơ như không biết gì vậy? Chúng tôi bán cũng phải T+4 mới có tiền, ngược lại, chúng tôi mua cũng T+4 mới có cổ phiếu. Nếu bán cổ phiếu rồi muốn có tiền ngay thì phải mất phí ứng trước tiền đã bán là sao? (nguyenducthang)"; "Hay là anh em đầu tư chúng ta góp tiền lại bỏ phong bì, đi cửa sau để nhà quản lý thông qua T+2 nhanh cho rồi! (khuong)"; "Tôi tha thiết đề nghị các nhà làm chính sách trên TTCK Việt Nam sang Lào du học, rồi về làm việc tiếp… (cat)"; "Nhờ các luật sư nghiên cứu các bộ luật để có thể kiện cơ quan quản lý TTCK về việc hạn chế quyền của người dân (nhà đầu tư) quyết định về tài sản của họ (cổ phiếu) (nani9798)"… "Tình hình có vẻ như các nhà đầu tư và nhà quản lý đang "thi gan" với nhau. Nhà đầu tư thì thi gan bằng cách bán tháo CP, rút khỏi TTCK để phản ứng. Nhà quản lý "thi gan" bằng cách im lặng. Cuối cùng cuộc "thi gan" chẳng có ai thắng. Chỉ có TTCK Việt Nam lãnh đủ! (namle)"…

Không phải vô cớ nhà đầu tư lại có những phản ứng như vậy. Và không chỉ có nhà đầu tư phản ứng như vậy, nhiều chủ thể trên TTCK cũng bày tỏ công khai những bức xúc của mình trước sự im lặng của cơ quan quản lý. Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho biết, VAFI từng có nhiều kiến nghị cải thiện tình trạng TTCK đến Bộ Tài chính, nhưng không được hồi âm. TTCK đang mất niềm tin nghiêm trọng, chẳng biết Bộ Tài chính có nóng ruột trước tình cảnh này hay không? Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán (VASB) cũng cho biết, Hiệp hội đã có nhiều công văn kiến nghị, gần đây nhất là kiến nghị rằng, nếu Bộ Tài chính không giải quyết được những vấn đề liên quan đến kỹ thuật giao dịch trên TTCK thì nên ủy quyền cho VASB và UBCK ký kết thỏa thuận và tự điều tiết hoạt động của các thành viên. Nhưng ý tưởng mới này của VASB cũng chưa nhận được hồi đáp nào từ Bộ Tài chính…

Cơ quan dự thảo chính sách là UBCK, nhưng cơ quan thẩm định và có quyền ký ban hành chính sách lại là Bộ Tài chính. Báo chí, trước những bức xúc từ thị trường, chỉ chạy quanh UBCK và tìm được những câu trả lời như "UBCK đang hoặc đã xây dựng xong dự thảo, đã trình, đã trình"…, rồi sau đó, báo chí cũng "tắc" thông tin ở cấp Bộ Tài chính khi không biết những tờ trình đó đang đi đến đâu, đang được xử lý như thế nào? Vẫn biết Bộ Tài chính lo trăm công, nghìn việc quan trọng cho đất nước, nhưng chẳng lẽ sự khắc khoải đến bức xúc của cả triệu nhà đầu tư, cả trăm CTCK về một cơ chế giao dịch thông thoáng (một cách bình thường) trên TTCK lại không đáng được cơ quan này quan tâm trả lời trong suốt 2 năm qua?

Thay cho lời kết, xin trích đăng ý kiến nhà đầu tư Kim Ngân, từ Buôn Mê Thuật: "Có hai loại trì trệ. Loại thứ nhất là trì trệ do ngu dốt, loại trì trệ này có thể sửa chữa được. Loại trì trệ thứ hai nguy hiểm gấp triệu triệu lần và không có cơ hội khắc phục là trì trệ được cố tình nôi dưỡng"… TTCK Việt Nam hy vọng không nằm trong các loại trì trệ nói trên và hy vọng các thành viên TTCK sẽ sớm được nghe một lời cam kết/giãi bày/giải thích từ Bộ Tài chính trước những bức xúc trong lòng thị trường đang ngày một lan rộng.

Tường Vi

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Tiếng gọi của… dòng tiền! (23/04/2011)

>   Cổ phiếu ngân hàng: Giá đã thấp nhưng chưa hấp dẫn (23/04/2011)

>   Ngày 22/04: Giao dịch khối ngoại “teo” dần (22/04/2011)

>   Lý do các tổ chức muốn giữ VN-Index? (22/04/2011)

>   Không dễ kiếm tiền trên TTCK (22/04/2011)

>   Thị trường ngày 22/04 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/04/2011)

>   UPCoM-Index giảm xuống mức 35,70 điểm (21/04/2011)

>   Ngày 21/04: Khối ngoại mua ròng, HNX-Index tiếp tục lùi sâu (21/04/2011)

>   “Gãy” đòn bẩy chứng khoán (21/04/2011)

>   Những nhà đầu tư đi ngược dòng (21/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật