Thứ Bảy, 23/04/2011 11:21

Tiếng gọi của… dòng tiền!

Nhiều CTCK đã hết hạn mức vốn cung cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng

Nhiều CTCK đã hết hạn mức vốn cung cấp đòn bẩy tài chính nên dẫn đến xu hướng NĐT và cả broker chuyển sang các CTCK có các dịch vụ tốt và hạn mức vốn rộng rãi hơn.

Thị trường chứng khoán đã trầm lắng trong cả năm 2010 và sang năm nay vẫn tiếp tục ảm đạm, kéo theo hoạt động của khối CTCK ngày càng trở nên khó khăn hơn. Nhiều CTCK đã hết hạn mức vốn cung cấp đòn bẩy tài chính cho khách hàng. Từ đó xuất hiện xu hướng nhà đầu tư đóng tài khoản, chuyển sang các CTCK có các dịch vụ tốt và hạn mức vốn rộng rãi hơn. Tuy nhiên, không chỉ các nhà đầu tư muốn hướng đến dịch vụ mới mà các môi giới viên (broker) cũng có xu hướng chạy sang các CTCK đang còn vốn hỗ trợ nhà đầu tư.

Anh Nam, broker có nhiều kinh nghiệm, hiện đang làm trưởng phòng môi giới tại một CTCK lớn ở Hà Nội, cho biết, anh đang được một CTCK mới thành lập trực thuộc ngân hàng mời về làm giám đốc môi giới. Theo Nam, CTCK này đang có khoản tiền khoảng 200 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng với lãi suất rất hấp dẫn, trong khi CTCK anh đang làm thì không còn tiền hỗ trợ nhà đầu tư, nếu có thì cũng "áp" một mức lãi suất cao ngất ngưởng.

"Nhà đầu tư luôn muốn tìm đến những CTCK có dịch vụ hỗ trợ cho vay tối đa. Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc huy động vốn là rất khó, nhiều CTCK đang hỗ trợ cho vay với mức lãi suất lên đến 27%/năm thì việc một CTCK có sẵn tiền cho khách hàng vay với lãi suất chỉ quanh mức 21 - 23%/năm là một lợi thế rất lớn", anh Nam nói và cho biết thêm, bản thân các môi giới cũng không muốn "nhảy cóc" từ CTCK này sang CTCK khác vì đã quen với khách hàng. Nhưng nếu cứ trụ mãi tại CTCK đang dần suy yếu và không còn tiềm lực tài chính để hỗ trợ nhà đầu tư thì cũng đồng nghĩa với việc các broker sẽ dần phải chia tay với các khách hàng cũ. Hơn nữa, việc lôi kéo khách hàng mới lại càng khó vì yêu cầu "cửa miệng" của khách hàng vẫn là, "tôi sẽ được hưởng những dịch vụ ưu đãi gì khi mở tài khoản tại đây?".

Sở dĩ nhiều CTCK rơi vào tình trạng bế tắc tài chính là vì đã quá đà trong việc cho nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính trước đó. "Càng cho vay nhiều càng lỗ, càng công ty lớn càng chết", một broker chuyên nghiệp nói. Thế nên, nhiều môi giới đã có kinh nghiệm đang tính đến việc từ bỏ công việc tại CTCK lớn để chuyển sang làm việc cho các CTCK nhỏ hơn nhưng vẫn còn "đất" để "tung hoành". Nếu như trước đây, các broker thường lựa chọn các CTCK có thương hiệu làm việc để tạo uy tín và nhà đầu tư cũng yên tâm để "chọn mặt gửi vàng", thì nay vấn đề hiệu quả được các broker đặt lên hàng đầu. Bất kể thương hiệu ra sao, miễn CTCK này có nhiều công cụ hỗ trợ để lôi kéo được khách hàng mở tài khoản và giao dịch là các môi giới sẵn sàng chấp nhận.

Một broker hành nghề được 4 năm than thở, tình trạng phổ biến đối với giới broker hiện nay là suốt ngày nhìn bảng giá với khối lượng giao dịch lèo tèo, suốt giờ giao dịch chỉ ngồi ngáp… và ngáp, khách hàng giao dịch thì không có, triển vọng thị trường vẫn mù mịt, thu nhập thì giảm sút nghiêm trọng… Cũng không thể trách lãnh đạo các CTCK, bởi trên thực tế, việc của các môi giới hiện… "rất nhàn", trong khi công ty đang phải vật lộn để tồn tại thì giảm lương môi giới cũng là một cách cắt giảm chi phí hợp lý.

Trong bối cảnh khó khăn như vậy, nếu các broker không tự tìm cho mình hướng đi riêng thì sẽ rất khó để tồn tại. Mặc dù chưa diễn ra một cách phổ biến nhưng tại nhiều CTCK hiện nay, vẫn xảy ra tình trạng môi giới tại CTCK này nhưng lại dẫn khách cho CTCK khác. Lý do là các môi giới đã được CTCK (nơi mình không trực tiếp làm việc) thỏa thuận sẽ được hưởng một phần hoa hồng khá hời khi giới thiệu khách hàng. Cũng vì đồng tiền trước mắt, nhiều broker "lôi" chính các khách hàng mình đang quản lý để mời sang CTCK mới, bởi nếu không thì khách hàng cũng tự đóng tài khoản do không còn nhận được nhiều hỗ trợ.

Trong thời gian này, để đảm bảo duy trì hoạt động, các CTCK đã phải cắt giảm thu nhập của nhân viên, khoảng 20 - 30%, một số CTCK ngoài cắt giảm thu nhập còn phải giảm cả "đầu người" vì thừa người thiếu việc. Với các broker, điều này không còn xa lạ bởi bản chất công việc và thu nhập của họ luôn mang tính thời vụ, nóng - lạnh theo nhịp đập thị trường. Trong ngành chứng khoán, việc nhân sự tại các CTCK thường xuyên thay đổi, từ vị trí nhân viên đến các lãnh đạo công ty cũng là bình thường. Việc các broker có nghề chạy sang các CTCK còn dồi dào vốn xét cho cùng cùng là một cách "tự cứu mình" trong giai đoạn khó khăn.

Hoàng Anh

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   Cổ phiếu ngân hàng: Giá đã thấp nhưng chưa hấp dẫn (23/04/2011)

>   Ngày 22/04: Giao dịch khối ngoại “teo” dần (22/04/2011)

>   Lý do các tổ chức muốn giữ VN-Index? (22/04/2011)

>   Không dễ kiếm tiền trên TTCK (22/04/2011)

>   Thị trường ngày 22/04 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (21/04/2011)

>   UPCoM-Index giảm xuống mức 35,70 điểm (21/04/2011)

>   Ngày 21/04: Khối ngoại mua ròng, HNX-Index tiếp tục lùi sâu (21/04/2011)

>   “Gãy” đòn bẩy chứng khoán (21/04/2011)

>   Những nhà đầu tư đi ngược dòng (21/04/2011)

>   Quản lý lỏng lẻo, mất tiền tỉ chứng khoán (21/04/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật