Quản lý lỏng lẻo, mất tiền tỉ chứng khoán
Cho nhà đầu tư đặt lệnh không có chữ ký, không lưu file ghi âm. 5,8 tỉ đồng không cánh mà bay.
* Tòa sắp xử vụ tranh chấp tại CTCK VIS
Đó là việc các công ty chứng khoán (CTCK) đã tùy tiện sử dụng tài khoản của khách hàng để mua bán chứng khoán làm thua lỗ dẫn đến tình trạng tranh chấp thưa kiện lẫn nhau. Những tranh chấp này cho thấy tình trạng lỏng lẻo trong quy trình nghiệp vụ kinh doanh của một số CTCK.
5,8 tỉ đồng không cánh mà bay
Trình bày với Pháp Luật TP.HCM, ông Phan Đức Chiến cho biết ông mở tài khoản giao dịch tại CTCK quốc tế Việt Nam Chi nhánh TP.HCM (xin gọi tắt là Công ty VIS). Trong gần ba tháng, từ tháng 9-2009 đến tháng 12-2009, công ty này sử dụng tài khoản của ông để mua bán chứng khoán khiến ông mất trắng 4,8 tỉ đồng.
Ông Chiến cho biết ông ký hợp đồng giao dịch chứng khoán với Công ty VIS ngày 16-9-2009. 11 lần chuyển tiền vào tài khoản với số tiền 4,8 tỉ đồng và mỗi lần đều có phiếu nộp tiền mặt với chữ ký nhận đầy đủ. Sau đó, ông phát hiện Công ty VIS sử dụng tài khoản và tiền của ông để tự ý đặt lệnh mua bán chứng khoán, tự ý kinh doanh và rút tiền trên tài khoản.
“Tôi đã nhiều lần có đơn gửi ban giám đốc Công ty VIS yêu cầu không được sử dụng tiền và tài khoản của tôi một cách bất hợp pháp và yêu cầu giải quyết vụ việc nhưng đến ngày 22-12-2009, VIS đã thông báo số dư tài khoản của tôi bằng không, làm mất hết số tiền 4,8 tỉ đồng” - ông Chiến nói.
Vụ việc kéo dài từ đó đến nay, mới đây TAND quận 1, TP.HCM thụ lý và sau nhiều lần hòa giải bất thành tòa chuẩn bị đưa ra xử sơ thẩm.
Giải thích các vấn đề tranh chấp với ông Chiến tại biên bản đối chất do TAND quận 1, TP.HCM lập ngày 11-3, phía Công ty VIS thừa nhận ông Chiến có nộp 4,8 tỉ đồng vào tài khoản và phía công ty có đặt lệnh bán chứng khoán trong tài khoản của ông. Nhưng Công ty VIS cho biết việc đặt lệnh bán chứng khoán nêu trên là để thu hồi tiền trả chậm.
Tình ngay lý gian?
Trong biên bản đối chất tại tòa, đại diện phía Công ty VIS cho biết tất cả giao dịch mua bán trên tài khoản ông Chiến đều do ông Chiến và người được ông ủy quyền thực hiện. Hằng ngày sau khi khớp lệnh, công ty đều có tin nhắn qua tổng đài cho ông Chiến biết mọi phát sinh liên quan đến tài khoản.
Tuy nhiên, những vấn đề nêu trên phía Công ty VIS không có những bằng chứng lưu lại theo quy trình nghiệp vụ kinh doanh được quy định của Luật Chứng khoán. Theo đó, việc mua bán chứng khoán diễn ra theo trình tự khách hàng ra lệnh mua bán tại sàn hoặc ra lệnh bằng điện thoại, Internet, fax chuyển đến nhân viên môi giới nhập lệnh, sau đó trưởng phòng dịch vụ hoặc giám đốc chi nhánh duyệt cho lệnh lên sàn. Sau khi khớp lệnh, ba ngày sau (T+3) thì chứng khoán hoặc tiền về tài khoản khách hàng, chi nhánh yêu cầu khách hàng ký xác nhận lệnh mà trước đó khách hàng đã ra lệnh, chi nhánh lưu phiếu lệnh có chữ ký này.
Về vấn đề này trong văn bản đề nghị không khởi tố vụ án hình sự của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM gửi Viện Kiểm sát TP, phía cơ quan công an có nêu việc Chi nhánh VIS lưu 29 phiếu lệnh của khách hàng nhưng cả 29 phiếu này đều không có chữ ký khách hàng. Đối với các lệnh thực hiện qua điện thoại, phía VIS cũng không có file ghi âm và sau khi thực hiện lệnh không yêu cầu khách hàng ký xác nhận lệnh.
Trao đổi với phóng viên ngày 18-4, ông Phạm Linh, Tổng Giám đốc VIS, cho biết có vụ việc như nêu trên xảy ra ở Công ty VIS và tranh chấp này đang được tòa thụ lý. Trả lời báo chí, ông Linh cũng nói rằng tất cả giao dịch tại tài khoản của ông Chiến đều do ông và người được ông ủy quyền thực hiện. Nhân viên Công ty VIS có sai sót trong quy trình nghiệp vụ.
Vụ việc này tòa đang thụ lý chưa biết ai đúng ai sai nhưng qua những tình tiết tranh chấp ít nhiều cho thấy quy trình nghiệp vụ kinh doanh hiện nay của nhiều CTCK có lỗ hổng.
Lỗ hổng đó là việc mua khống, bán khống chứng khoán, ứng trước tiền cho khách hàng, nói cách khác là cho khách hàng vay rồi thu phí ứng trước. Bên cạnh đó, các nhân viên môi giới và ngay cả trưởng các bộ phận liên quan ở các CTCK không tuân thủ quy trình (giao dịch chứng khoán không có chữ ký của khách hàng trên phiếu lệnh, không có file ghi âm về nội dung đặt lệnh…).
Tổng giám đốc một CTCK có trụ sở ở TP.HCM cho biết vụ việc này đang được các CTCK theo dõi gắt gao. Vì nếu Công ty VIS thua kiện thì sẽ có hàng loạt tranh chấp khác nổ ra. Do thực tế có nhiều CTCK thực hiện giao dịch cho khách hàng rất thoáng. Vì nếu làm theo quy trình chặt chẽ sẽ không hút được nhà đầu tư tham gia giao dịch.
Ngày 16-9-2009, anh Phan Đức Chiến đã thực hiện mở tài khoản giao dịch chứng khoán số 020C102779 tại VIS và anh Chiến có ủy quyền cho chị Tiên giao dịch trên tài khoản này. Hình thức giao dịch có thể trực tiếp hoặc gián tiếp (qua Internet, điện thoại, fax) nhưng chủ yếu anh Chiến và chị Tiên thực hiện trực tiếp và qua điện thoại. Anh Chiến, chị Tiên gọi điện thoại đến tổ môi giới yêu cầu đặt lệnh. những cuộc điện thoại này hệ thống của công ty có thu âm nhưng các file ghi âm tạm thời bị mất, công ty sẽ chứng minh bằng chứng cứ logic khác.
Ông Võ Thiên Chương, Giám đốc Chi nhánh Công ty VIS (trình bày trong biên bản đối chất tại TAND quận 1)
Tôi đề nghị Công ty VIS chứng minh việc tôi và cô Tiên đã tiến hành đặt lệnh mua và bán chứng khoán như thế nào, cụ thể ký nhận ra sao để dẫn đến việc mất toàn bộ số tiền trong tài khoản. Nếu công ty đưa ra được các bằng chứng đó đúng quy định pháp luật thì tôi sẽ chấp nhận.
Ông Phan Đức Chiến, chủ tài khoản |
Bùi Nhơn
PHÁP LUẬT TPHCM
|