Thuế xuất khẩu vàng cao, doanh nghiệp ngại đầu tư
Phó chủ tịch phụ trách Quan hệ đầu tư của Công ty Olympus Pacific Minerals Inc (OYM), ông JAMES HAMILTON cho rằng, việc Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu vàng từ 0% lên 10% kể từ ngày 1/1/2011 sẽ tác động trực tiếp tới doanh nghiệp khai thác, chế biến, kinh doanh vàng.
So với nhiều nước trên thế giới, thuế xuất khẩu vàng của Việt Nam ở mức độ nào?
Khung thuế xuất khẩu khoáng sản hiện hành của Việt Nam nói chung, thuế xuất khẩu vàng nói riêng có thể nói vào loại cao nhất thế giới. Nhà đầu tư trong lĩnh vực khai khoáng đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, như tình trạng cấp giấy phép đầu tư chậm chạp, cơ sở hạ tầng thấp kém, thiếu nguồn nhân lực được đào tạo bài bản và đặc biệt là tình trạng khai thác trái phép tràn lan. Bây giờ, lĩnh vực khai khoáng còn phải chịu thêm nhiều chi phí khi Bộ Tài chính tăng thuế xuất khẩu, thuế tài nguyên, thuế bảo vệ môi trường và các loại phí, lệ phí khác.
Quan điểm nâng các mức thuế suất và ban hành thêm một số sắc thuế liên quan đến khai thác tài nguyên của Bộ Tài chính nhằm hạn chế khai thác, để dành tài nguyên cho thế hệ mai sau?
Tôi không bình luận gì về quan điểm này, mà chỉ muốn nói rằng, giá tài nguyên khoáng sản trên thế giới đang ở mức cao nhất trong lịch sử và không có dấu hiệu giảm xuống, mà còn tăng lên. Đây là cơ hội để Việt Nam xây dựng nền công nghiệp khai khoáng hiện đại và bền vững.
Với mức thuế suất hợp lý trước đây, OYM đã đầu tư 80 triệu USD để khai thác 2 mỏ vàng tại miền Trung Việt Nam là Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu và Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, với công nghệ khai thác và tinh luyện vàng hiện đại bậc nhất Việt Nam. Cũng như nhiều doanh nghiệp khai khoáng khác, ngoài thuế thu nhập doanh nghiệp, phí môi trường, doanh nghiệp khai thác vàng đang phải nộp thuế tài nguyên tương đương 15% doanh thu, giờ sẽ gặp khó khăn khi phải chịu thêm 10% thuế xuất khẩu vàng.
Khi nâng thuế xuất khẩu với tài nguyên nói chung, vàng nói riêng, Bộ Tài chính còn hướng đến việc hạn chế xuất khẩu tài nguyên?
Từ năm 2008, trước những biến động bất thường của giá vàng thế giới, trong nhiều thời điểm, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới, Ngân hàng Nhà nước cho nhập khẩu vàng để chế tác, bảo đảm cân đối cung cầu trên thị trường. Ngược lại, khi thị trường trong nước thấp hơn thế giới, các doanh nghiệp đã kịp thời xuất khẩu vàng, đem lại nguồn ngoại tệ lớn.
Nếu cho rằng, tăng thuế xuất khẩu vàng chưa thành phẩm nhằm tăng nguồn cung cho thị trường là chưa thoả đáng, bởi trên thực tế, chính việc xuất khẩu khối lượng lớn vàng trang sức và vàng thành phẩm mới làm giảm lượng cung và đẩy nhu cầu vàng của thị trường nội địa lên cao. Tuy nhiên, Bộ Tài chính lại không áp thuế xuất khẩu 10% đối với vàng thành phẩm và vàng trang sức, nên không thể điều tiết được thị trường vàng và không giảm thiểu được tình trạng đầu cơ vàng tại Việt Nam.
Theo ông, mức thuế xuất khẩu 10% sẽ ảnh hưởng thế nào đến các doanh nghiệp khai thác và xuất khẩu vàng, cũng như nền công nghiệp khai thác vàng tại Việt Nam?
Mức thuế xuất khẩu quá cao chắc chắn sẽ tác động tới các doanh nghiệp khai thác cũng như xuất khẩu vàng. Với mức thuế này, doanh nghiệp sẽ không có nguồn để đầu tư công nghệ khai thác, chế biến vàng hiện đại. Khi ngành công nghiệp khai thác vàng không còn hấp dẫn nhà đầu tư, thì tình trạng khai thác vàng trái phép sẽ diễn ra, khiến môi trường thiên nhiên bị huỷ hoại.
Đối với OYM, tác động sẽ ra sao, thưa ông?
Mỗi năm, chúng tôi khai thác và xuất khẩu 1,5 tấn vàng. Với mức thuế xuất khẩu vàng quá cao, chúng tôi đang xem lại kế hoạch đầu tư của mình
Mạnh Bôn
đầu tư
|