Thứ Ba, 01/03/2011 18:13

Giãn thuế cho doanh nghiệp mua máy phát điện

Một “tin vui” đối với nền kinh tế và sinh hoạt của người dân vừa được Bộ Công Thương phát đi là khả năng thiếu điện năm 2011 không “trầm trọng” như dự báo ban đầu.

Theo dự báo trước đây của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), tốc độ tăng trưởng phụ tải năm 2011 là 17,63%, đặc biệt nhu cầu điện trong mùa khô dự kiến tăng 18,3% nên lượng điện thiếu hụt so với nhu cầu trong năm nay sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2010 ước vào khoảng 3 - 4 tỉ kWh (năm 2010 cả nước thiếu 1 tỉ kWh).

Nguyên nhân thiếu điện, theo EVN là do tình hình khô cạn năm 2010 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tích nước các hồ thuỷ điện. Tại thời điểm 1.1.2011, mức nước tại hầu hết các hồ chứa thuỷ điện đều thấp hơn nhiều so với so với yêu cầu. Cụ thể, hồ Hoà Bình thấp hơn 16,11 mét so với yêu cầu tối thiểu; hồ Tuyên Quang thấp hơn 11,3 mét; hồ Ialy thấp  hơn 21,96 mét, hồ Trị An thấp hơn 7,98 mét với tổng lượng nước thiếu hụt vào khoảng 13 tỷ m3 tương đương với lượng điện thiếu hụt khoảng 3 tỷ kWh.

Nếu tính cả sự cố có thể xảy ra do một số nhà máy điện phải khai thác liên tục trong thời gian dài, thời hạn sửa chữa, bảo dưỡng đã vượt quá mức cho phép và một số nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào hoạt động năm 2010 chưa vận hành ổn định thì lượng điện thiếu hụt chắc chắn sẽ lớn hơn.

Tuy nhiên, hơn 2 tháng mùa khô năm 2011 đã trôi qua, tình hình thiếu điện chưa đến mức trầm trọng như dự báo và lo ngại của doanh nghiệp cũng như ngươi dân. Cụ thể, theo EVN, trong tháng 1 và tháng 2 vừa qua, EVN đã huy động tối đa mọi nguồn điện có thể có với tổng điện năng tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2010 nên đã đảm bảo ổn định việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng, việc ngành điện đảm bảo đủ nguồn điện trong 2 tháng đầu năm, một phần là do EVN tích cực chủ động khai thác các nguồn điện, phần khác là do tốc độ tăng trưởng phụ tải trong 2 tháng đầu năm chỉ đạt là 12,9% thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm trước và thấp hơn so với dự báo là 18%.

“Nếu tốc độ tăng trưởng nguồn điện tiếp tục được duy trì (tăng 15-16%) và tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp hơn dự báo ban đầu (tăng trưởng 18%) thì năm 2011 chỉ thiếu khoảng 1,7 tỷ kWh, thấp hơn mức dự báo là 3-4 tỷ kWh. Tình trạng thiếu điện trầm trọng trong 4 tháng mùa khô còn lại của năm 2011 (từ tháng 3 đến tháng 6) ít khả năng xảy ra”, ông Vượng tiên lượng.

Để thoát khỏi tình trạng cắt điện luân phiên như đã từng diễn ra trong nhiều năm trở lại đây, theo ông Vượng, ngoài 2 yếu tố là giảm phụ tải và duy trì được tốc độ tăng trưởng của ngành điện thì ngành điện phải đưa các nhà máy điện mới vào vận hành sớm hơn kế hoạch đồng thời với việc doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải thực hiện triệt để Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả vừa có hiệu lực kể từ đầu năm 2011 và tình hình hạn hán bớt nghiêm trọng hơn, nước về các hồ thuỷ điện sớm hơn mọi năm.

“Các nhà đầu tư chủ yếu vào ngành điện trong nước như Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản và EVN đang khẩn trương huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án phát triển điện với mục tiêu đặt ra là cố gắng đưa một số nhà máy vào vận hành ngay trong mùa khô này. Nguồn cung mới tăng lên, thời tiết bớt khắc nghiệt trong khi nhu cầu tăng không cao như dự kiến, hy vọng ngành điện đáp ứng được cơ bản nhu cầu điện năng của nền kinh tế cũng như sinh hoạt của người dân”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng hy vọng.

Đến thời điểm này, Bộ Công thương và EVN cũng chỉ hy vọng năm 2011 không thiếu điện trầm trọng và không lấy gì bảo đảm có cung ứng đủ nguồn điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân hay không. Vì vậy, lãnh đạo nhiều địa phương, đặc biệt là những tỉnh trọng điểm kinh tế khá lo ngại tình trạng thiếu điện sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách trên địa bàn…

“Là một trong số ít địa phương được ngành điện ưu tiên, nhưng nhu cầu điện của TP.HCM còn thiếu rất lớn (trong 6 tháng mùa khô dự báo thiếu khoảng 1 tỷ kWh) cho dù đã triệt để tiết kiệm điện. Nếu ngành điện không có giải pháp hữu hiệu thì năm 2011 này, khả năng thiếu điện ở mức căng thẳng tại TP.HCM rất lớn”, Chủ tịch UBND TP. HCM Lê Hoàng Quân lo ngại.

Cũng với nỗi lo thiếu điện, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi cho biết, với những dự báo về thực trạng sản xuất và tiêu thụ điện năm 2011, nhiều khả năng nhiều doanh nghiệp lớn trên địa bàn phải sản xuất cầm trừng, thậm chí ngừng sản xuất. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách của địa phương, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân do thiếu việc làm.

“Tôi đi mời gọi, xúc tiến đầu tư sợ nhất khi nhà đầu tư nước ngoài hỏi về việc bảo đảm nguồn điện. Dù mình có cố gắng lảng tránh thì người ta cũng nói thẳng rằng, Bình Dương không chỉ thiếu điện mà chất lượng điện cũng không tốt nên khó thu hút đầu tư vào những ngành công nghệ tiên tiến, hiện đại”, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Lê Thanh Cung kể.

Là tỉnh trọng điểm kinh tế của cả nước và “có ấn tượng” với nhà đầu tư nước ngoài (trừ việc thiếu điện) nên ông Cung đề xuất, trước thực trạng thiếu điện đang cận kề, Chính phủ nên ban hành ngay cơ chế khuyến khích doanh nghiệp lớn, có giá trị xuất khẩu cao bỏ vốn đầu tư máy phát điện để bảo đảm điện cho sản xuất.

“Bộ Tài chính nên sử dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu máy phát điện công suất lớn trong nước chưa sản xuất được; rút ngắn thời gian khấu hao đối với máy phát điện của doanh nghiệp xuống còn 2-3 năm thay vì 7-10 năm; giãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm để doanh nghiệp có nguồn đầu tư mua máy phát điện, chủ động nguồn điện cho sản xuất - kinh doanh”, ông Cung đề xuất và cho rằng, trong bối cảnh “nước sôi, lửa bỏng” như hiện nay, chỉ có thực hiện ngay các chính sách tài chính ưu đãi mới khắc phục được phần nào tình trạng thiếu điện.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND tình An Giang Lâm Minh Chiến lại đề xuất thêm phương án, để bảo đảm nguồn điện cho sản xuất và tiêu dùng, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy phát điện có công suất nhỏ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, rẻ tiền như trấu, than, rác thải…

“Khi mới đi vào vận hành, giá điện sử dụng nguyên liệu tái tạo thường cao hơn so với nguồn điện năng khác, vì vậy, để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện, ngoài cơ chế chính sách ưu đãi về vốn, thuế, mặt bằng… Chính phủ nên quy định giá bán điện đối với nhà máy sản xuất điệnt tái tạo, bảo đảm hấp dẫn đối với nhà đầu tư”, ông Chiến kiến nghị.

Mạnh Bôn

ĐẦU TƯ

Các tin tức khác

>   Xuất khẩu tại chỗ: Thực xuất mới hưởng thuế 0% (26/02/2011)

>   Bộ Xây dựng đề xuất ủy quyền chuyển nhượng BĐS không phải nộp thuế (24/02/2011)

>   Thuế TNDN 2011: Nhiều khoản chi phí được coi là hợp lý (23/02/2011)

>   Giảm thuế nhập khẩu dầu hỏa và mazút xuống 0% (23/02/2011)

>   Sửa đổi tiêu chuẩn kiểm toán viên, áp dụng từ 20/4/2011 (22/02/2011)

>   Ủy quyền mua bán đất đai không bị đánh thuế thu nhập (22/02/2011)

>   Thuế xuất khẩu phốt pho vàng là 5% (21/02/2011)

>   Chậm khai người phụ thuộc không được giảm trừ gia cảnh (21/02/2011)

>   Bội chi ngân sách 2010: Có thể thấp hơn 5,6% GDP? (18/02/2011)

>   Chuẩn bị quyết toán thuế thu nhập cá nhân (14/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật