Bội chi ngân sách 2010: Có thể thấp hơn 5,6% GDP?
Nhiều ý kiến tại Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đề nghị tiếp tục hạ thấp mức bội chi ngân sách Nhà nước năm 2010 xuống dưới 5,6% GDP, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết tại phiên họp sáng 18/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mặc dù mức bội chi 5,6% GDP (109.460 tỷ đồng) đã giảm 10.240 tỷ đồng (giảm 0,6% GDP) so với dự toán và giảm 3.640 tỷ đồng (0,2% GDP) so với yêu cầu của Quốc hội.
Có thể dưới 5,5% GDP
Tại kỳ họp Quốc hội thứ tám cuối năm 2010, Chính phủ đã báo cáo số ước thực hiện thu cân đối ngân sách cả năm đạt 528.100 tỷ đồng, tăng 12,7% (58.600 tỷ đồng) so với dự toán.
Chính phủ dự kiến sẽ sử dụng khoảng 10.000 tỷ đồng để tăng chi trả nợ, nhằm giảm số nợ Chính phủ, và dành 3.600 tỷ đồng để giảm bội chi xuống mức 5,95% GDP.
Và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội chấp thuận sử dụng một phần số vượt thu ngân sách Trung ương để giảm bội chi xuống mức 5,8% GDP, góp phần bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong những năm tới vững chắc hơn.
Đến nay, theo báo cáo của Chính phủ tính đến 31/12/2010, tổng thu cân đối đạt 559.170 tỷ đồng, vượt 21,2% (97.670 tỷ đồng) so dự toán, tăng thêm 31.070 tỷ đồng so với số đã báo cáo Quốc hội.
Thu ngân sách Nhà nước vượt lớn, ngân sách Trung ương vượt 48.584 tỷ đồng, vì vậy nhiều ý kiến của Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách đề nghị hạ mức bội chi thấp hơn nữa, hướng tới thực hiện mục tiêu như Nghị quyết Đại hội Đảng XI là đến 2015 giảm bội chi ngân sách Nhà nước còn 4,5% GDP.
Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện an ninh tài chính chưa thực sự đảm bảo vững chắc, mức dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức cao, đầu tư từ ngân sách Nhà nước tăng nhưng hiệu quả thấp, ICOR tăng cao, chuyển nguồn sang năm sau lớn, đề nghị Chính phủ tính toán để giảm bội chi năm 2010 xuống dưới mức 5,5% GDP.
Vượt quá lớn cũng cần xem xét
Tại báo cáo thẩm tra sơ bộ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2010, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng thu vượt dự toán từ 5% - 10% thì có thể chấp nhận được do dự báo có sai số.
Nhưng vượt dự toán quá lớn (21,2%) là vấn đề cần được xem xét, phân tích kỹ hơn. Nhất là do chất lượng công tác lập dự toán chưa cao, chưa thật sự tích cực, công tác dự báo thu ngân sách Nhà nước chưa sát thực tế.
Đây cũng là tồn tại diễn ra trong nhiều năm nhưng chậm được khắc phục ở nhiều bộ, địa phương, cơ quan thẩm tra đánh giá.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban cũng cho rằng, năm 2011 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách địa phương (2011-2015), các địa phương đã ước thu ngân sách năm 2010 thấp, lập dự toán thu ngân sách năm sau không tích cực để giảm số điều tiết về ngân sách Trung ương hoặc tăng số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương.
Thực tế là năm 2011 đã có 55/63 tỉnh, thành phố giao kế hoạch thu cao hơn mức được Trung ương giao, báo cáo nêu rõ.
Thường trực cơ quan thẩm tra cũng đánh giá, số liệu kiểm toán hàng năm cho thấy vẫn còn có sự thất thu cao ở các địa phương có nguồn thu lớn (Hà Nội, Tp.HCM...). Còn có tình trạng thất thu ở khu vực ngoài quốc doanh và các hoạt động chuyển nhượng đất đai, bất động sản...
Năm 2011, mặc dù Chính phủ đề nghị bội chi ngân sách Nhà nước là 5,5% GDP, song 5,3% GDP mới là con số được "chốt" tại nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm 2010.
Cũng theo nghị quyết, tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 595.000 tỷ đồng, tương đương 26,2% tổng sản phẩm trong nước. Tính cả 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2010 sang năm 2011, thì tổng số thu cân đối ngân sách Nhà nước là 605.000 tỷ đồng. Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước là 725.600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, tại cuộc họp chiều 17/2/2011, Chính phủ đã giao nhiệm vụ phải giảm bội chi ngân sách năm 2011 xuống dưới 5% và tăng thu ngân sách nhà nước trên 7%.
Nguyên Hà
TBKTVN
|