Thuế ăn vào bữa cơm: Điều chỉnh ngay nếu Quốc hội ra nghị quyết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Xuân Thảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng có thể điều chỉnh ngay những bất hợp lý của Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nếu Quốc hội ra nghị quyết.
Sửa Luật Thuế TNCN: Nâng mức khởi điểm, tránh lạm thu
Chưa nâng khởi điểm thuế thu nhập cá nhân lên 10 triệu đồng
Ông Thảo nói:
- Đối với thuế TNCN, thẩm quyền miễn, giảm thuộc Quốc hội, Chính phủ chỉ có thể tạm giãn thời hạn nộp thuế rồi sau đó xin Quốc hội ban hành nghị quyết để xử lý, cách làm này đã được áp dụng trong năm 2009. Theo tôi, Luật thuế TNCN đã đến lúc phải sửa, cách làm cụ thể như thế nào tùy đề xuất của Chính phủ và quyết định của Quốc hội, có thể ra nghị quyết hoặc áp dụng thủ tục rút gọn để sửa đổi đạo luật này trong một kỳ họp. Thực tế vừa qua cho thấy việc sửa đổi, bổ sung một số luật thuế có thể làm nhanh được vì chủ yếu là sửa biểu thuế.
* Theo ông, liệu có thể sửa đổi đạo luật này ngay trong năm 2011 được không?
- Nếu áp dụng việc Quốc hội ra nghị quyết thì có thể điều chỉnh ngay được, nhưng tôi nhấn mạnh là việc này phải do Quốc hội quyết định. Vấn đề quan trọng khác là về dài hạn cần sửa đổi cơ bản đạo luật này sao cho các quy định liên quan đến mức giảm trừ gia cảnh, thuế suất... có thể điều chỉnh linh hoạt khi có những thay đổi về tình hình kinh tế - xã hội. Ngay từ khi thảo luận để thông qua đạo luật này, trong Quốc hội đã có nhiều ý kiến nói cứ quy định “cứng” trong luật thì sợ rằng “tuổi thọ” của quy định đó sẽ không lâu bền.
Nhiều ý kiến đã đề cập quy định mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 4 triệu đồng/tháng sẽ nhanh lạc hậu với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng ở nước ta. Ví dụ nay nâng mức giảm trừ này lên 6 triệu đồng, thậm chí 10 triệu đồng thì 5-10 năm nữa có còn phù hợp? Không nên sửa đổi liên tục đối với một đạo luật, do vậy cần có những quy định phù hợp để Chính phủ điều hành linh hoạt tùy tình hình kinh tế - xã hội.
* Có thông tin việc sửa đổi tới đây sẽ lấy mức lương tối thiểu (của khu vực doanh nghiệp trong nước) làm cơ sở cho khởi điểm chịu thuế, theo đó mức khởi điểm chịu thuế sẽ tính từ 6-8 lần mức lương tối thiểu?
- Luật thuế TNCN có hiệu lực từ năm 2009, do vậy nếu có kế hoạch sửa đổi thì Bộ Tài chính nên đánh giá đầy đủ quá trình tổ chức thực thi, ví dụ về cấp mã số thuế, kê khai giảm trừ gia cảnh... để đánh giá cụ thể luật đã đi vào đời sống như thế nào, có tác dụng gì hơn so với pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao trước đây.
Từ đánh giá đó chúng ta mới bàn kỹ hơn nên sửa như thế nào. Lâu nay chúng ta đã qua nhiều lần điều chỉnh mức lương tối thiểu, do vậy việc áp dụng mức lương tối thiểu như nêu trên cũng là một đề xuất đáng chú ý, hằng năm nếu có điều chỉnh lương tối thiểu thì mức khởi điểm chịu thuế sẽ nâng lên tương ứng.
* Ông Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu kinh tế - xã hội Hà Nội): Không chỉ là giảm thuế cho dân
- Ngay từ khi Luật thuế TNCN được ban hành, chúng tôi đã nhận thấy dự luật dễ bị lạc hậu, đồng thời cơ chế cũng dễ lạm thu. Với mức khởi điểm chịu thuế 4 triệu đồng/tháng ngay từ năm 2009 dư luận đã nói là thấp, nên sau một thời gian, nhất là với mức lạm phát như mấy năm gần đây, đáng ra các cơ quan chức năng cần chủ động đề nghị sửa sớm hơn rồi. Tuy nhiên, đến nay điều kiện đã chín muồi để sửa và theo tôi, đã thấy thì cần sửa ngay, càng sớm càng tốt. Mục đích không chỉ là giảm thuế cho dân, chia sẻ khó khăn mà lớn hơn là nó còn mang tác dụng động viên tích cực trong bối cảnh hiện nay.
* Cách thu thuế hiện nay khiến người dân dễ bị lạm thu như thế nào, thưa ông?
- Hiện nay, những người nào có thu nhập không thường xuyên mức trên 500.000 đồng là bị khấu trừ ngay lập tức 10% tại nguồn chi trả. Về nguyên tắc thu thuế đó là bình thường vì quy định như thế. Nhưng khách quan thì chỉ có lợi, dễ cho ngành thuế. Chưa cần biết người ta có thu nhập cả năm đủ phải đóng thuế không, liệu có phải đóng đến 10% hay chỉ 5% là đủ, nhưng cứ có tiền là thu, sẽ dễ sinh lạm thu. Quy định là sau cả năm, tính lại nếu thu nhập không đến mức phải chịu thuế thì sẽ hoàn. Nhưng thực tế ai cũng biết thủ tục hoàn thuế không đơn giản, đi lại mệt mỏi nên nhiều người ngán.
* Mức giảm trừ gia cảnh, theo ông, nên ở mức nào hợp lý nhất?
- Những người có người phụ thuộc thường phải chia sẻ thu nhập của mình một cách tương đối. Vì vậy, ngoài mức khởi điểm tính thuế cần tính theo lương cơ bản, thay đổi nhanh nhạy theo biến động xã hội thì mức giảm trừ cho người phụ thuộc cần đủ đảm bảo để nuôi sống một con người. Theo tôi, ngành thuế nên đề nghị tăng mạnh mẽ mức giảm trừ cho đối tượng phụ thuộc. Bù lại, cần cấp mã số thuế, hay mã số quản lý cho từng người phụ thuộc để tránh một người phụ thuộc nhưng phải “đeo” vào nhiều người có thu nhập để trốn thuế.
Theo tôi, việc sửa Luật thuế TNCN lần này rất đúng chủ trương chỉ đạo mới nhất của Chính phủ nên cần được đồng thuận, thúc đẩy mạnh mẽ. Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã nêu rất rõ Bộ Tài chính cần xem xét, miễn giảm thuế, gia hạn thời gian nộp thuế nguyên liệu đầu vào nhập khẩu phục vụ sản xuất...
* Ông Đặng Văn Thanh (chủ tịch Hội Kế toán kiểm toán VN, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế ngân sách): Đừng để quá muộn so với kỳ vọng
Các mức đánh thuế, bậc thuế trong Luật thuế TNCN năm 2009 đã hết dư địa và tính thực tiễn cần thiết. Cả cơ sở thực tiễn lẫn lý luận về thuế đều đã chín muồi để sửa Luật thuế TNCN. Vì vậy, theo tôi, cần sửa luật thuế này. Bối cảnh hiện nay thì nên đưa Luật thuế TNCN ra sửa ngay năm 2011 vì nếu để 2012 thì cần tới cả năm nữa, quá muộn so với kỳ vọng của người dân. Theo tôi, Quốc hội khóa mới dù được bầu vào tháng 5 này và tháng 7 bắt đầu kỳ họp đầu tiên, sẽ phải chú trọng vấn đề nhân sự, bộ máy nhưng không vì thế mà không thể xem xét sửa Luật thuế TNCN. Vấn đề là các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính có chuẩn bị kịp không. Nếu đôn đốc, quyết tâm, theo tôi, việc sửa luật năm 2011 là khả thi.
V.V. Thành - Cẩm Văn Kinh
Tuổi trẻ
|