Giá cổ phiếu “vàng” trượt dốc
Thông tin về khả năng cấm kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do đã khiến giá cổ phiếu của các công ty kinh doanh vàng trượt dốc.
Trong 1 tháng qua, từ giữa tháng 2 đến giữa tháng 3, cổ phiếu PNJ của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã giảm trên 25%, từ mức 38.000 đồng/cổ phiếu xuống 29.000 đồng/cổ phiếu (đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/3).
Không chỉ các doanh nghiệp kinh doanh vàng trực tiếp, mà các doanh nghiệp gián tiếp kinh doanh và cũng bị ảnh hưởng bởi “cơn lốc” từ thị trường vàng. Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) chỉ là một ngân hàng có công ty con là Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - SBJ) hoạt động trong lĩnh vực kinh vàng, nhưng cổ phiếu STB cũng ít nhiều chịu tác động. Dù luôn giữ ở mặt bằng giá khoảng 16.000 đồng/cổ phiếu trong suốt tháng 2/2011, nhưng đến giữa tháng 3/2011, STB chỉ giao dịch quanh mức 13.500 - 14.000 đồng/cổ phiếu.
Thời gian qua, vàng được xem là kênh đầu tư, công cụ thanh toán và cũng là một khoản tiết kiệm truyền thống của đông đảo người dân. Thế nên, thói quen cất trữ vàng đã có từ nhiều đời nay. Việc cất giữ vàng được người dân ưa chuộng hơn so với cất trữ qua tài sản là bất động sản. Hơn nữa, thanh khoản của vàng cũng cao hơn bất động sản, khi cần là có thể bán để chuyển thành tiền mặt ngay. Chính vì thế giao dịch vàng miếng của người dân thường hết sức sôi động. Đặc biệt, khi kinh tế có biến động thì giao dịch vàng lại càng sôi động hơn. Đương nhiên, điều này đã mang lại một khoản doanh thu lớn cho các công ty kinh doanh và ngược lại, nếu hoạt động kinh doanh vàng miếng bị cấm, thì đó cũng là một thiệt hại không nhỏ cho các doanh nghiệp vàng.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Vũ Minh Châu, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Bảo Tín Minh Châu thừa nhận, nếu việc kinh doanh vàng miếng bị cấm, sẽ ảnh hưởng đến doanh thu của Bảo Tín Minh Châu, cũng như nhiều công ty kinh doanh vàng khác. Không những thế, theo ông Châu, có thể sẽ có một lực lượng lao động lớn bị “dôi” ra do công ty phải cắt giảm bộ phận kinh doanh. Theo tính toán của ông Châu, nếu bỏ kinh doanh vàng miếng, số lượng lao động bị “dôi” ra của công ty ông có thể lên tới 30% tổng số lao động hiện nay.
Mặc dù vậy, đại diện các công ty kinh doanh vàng cũng cho rằng, họ sẽ có những giải pháp khắc phục bằng việc tập trung vào mảng kinh doanh vàng trang sức. Theo dự báo của giới chuyên môn, nếu người dân không mua được vàng miếng từ các công ty kinh doanh vàng như trước đây, cũng có thể họ sẽ chuyển sang mua vàng trang sức nhiều hơn.
Bà Cao Ngọc Anh, một cá nhân từng đầu tư nhiều lĩnh vực chứng khoán, vàng, bất động sản cho biết, cho dù người dân không mua được vàng miếng, thì họ cũng vẫn có thể cất giữ vàng dưới dạng đồ trang sức.
Dưới góc độ các doanh nghiệp, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC cũng cho biết, đơn vị đang chuẩn bị sẵn sàng cho việc ngừng giao dịch vàng miếng khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng, đồng thời khẩn trương chuyển hướng mạnh sang sản xuất, chế tác, kinh doanh vàng nữ trang.
Đại diện SJC cho biết, việc tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do cần có lộ trình, bước đi phù hợp. Ngân hàng Nhà nước cần làm đầu mối để nhập khẩu vàng, đồng thời với việc thành lập một quỹ vàng của Nhà nước từ các nguồn, như nhập vàng trực tiếp, mua vàng miếng trong dân và nguồn vàng của các ngân hàng huy động vàng trong dân để sẵn sàng can thiệp vào thị trường vàng trong nước khi có biến động, hoặc linh hoạt trong điều hành xuất, nhập khẩu vàng.
Chí Tín
đầu tư
|