Cuộc chơi chứng khoán
Thị trường chứng khoán không bao giờ đứng yên, được mất chỉ là con số tương đối. Sau khi xuống thấp hết cỡ, sẽ bắt đầu một chu kỳ mới cao hơn. Với thị trường chứng khoán, sự giảm thấp liên tục trong bốn năm qua đã thực sự rơi xuống đáy hay chưa vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.
Bạn tôi, sau một phần tư thế kỷ lăn lộn xứ trời Tây, có khoản tiền kha khá, muốn về nước đầu tư. Gặp nhau hắn hỏi: Theo ông, giờ nên đầu tư vào đâu?
Đây không phải lần đầu tiên tôi nghe câu hỏi này. Đầu tư vào đâu vẫn là vấn đề thu hút sự quan tâm của những ai có tiền nhàn rỗi. Khoan hãy sốt ruột. Chuyện đổ tiền vào đâu không chỉ nói dăm câu ba điều, nếu không muốn sa lầy vào hiệu ứng đám đông. Hãy bình tĩnh suy ngẫm một chút để có cái nhìn tổng thể thị trường Việt Nam.
Chuyện bỏ tiền vào đâu nếu chỉ "lướt sóng","đánh quả", khỏi bàn nhiều. Nếu có ý định nghiêm túc để đồng tiền sinh lợi một cách bền vững ta hãy lướt qua một số kênh thông dụng đã và đang được coi là nóng ở các nước đang phát triển. Với Việt Nam cũng không là ngoại lệ.
Ra đời vào ngày 20/7/2000, với việc chính thức khai trương Trung tâm GDCK TP.HCM và thực hiện phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 28/7/2000, có thể nói, với Việt Nam, chứng khoán vẫn là thị trường non trẻ. Hơn 10 năm qua, dẫu có lúc thăng trầm khác nhau nhưng chứng khoán luôn luôn là một kênh đầu tư thu hút sự quan tâm của nhiều người.
Cuối năm 2006, đầu 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam thăng hoa. Vn-Index tăng liên tục, liên tục như diều gặp gió, đạt 1.170 điểm (ngày 12/3/2007). Các công ty chứng khoán tha hồ hốt bạc. Mộng mơ như người viết bài này, la cà ở mấy công ty cổ phần, mua bán OTC, cũng kiếm bộn tiền, đủ tậu bốn bánh, lượn lờ ra vẻ đại gia.
Có sàn chứng khoán là có cơ hội để bốc. Phong trào thành lập công ty chứng khoán nhờ đó mà bùng lên như cháy rừng. Không chỉ các đại gia, tiểu gia cũng đôn đáo làm hồ sơ, gửi lên Ủy ban Chứng khoán quốc gia xin thành lập công ty. Thời kỳ này thật khó quên, bởi lúc đó tôi ngồi nhà viết sách chứng khoán, rồi được một số trung tâm mời giảng dạy về món này, cũng kiếm được một số món kha khá.
Một trong những câu chuyện tốn không ít giấy mực báo chí, cũng là chuyện mà tôi thường kể lúc lên lớp là chuyện của Thiên Việt.
Thiên Việt được thành lập theo Giấy phép công ty chứng khoán số 36/UBCK-GPHĐKD Ủy ban CK cấp 25/12/2006. Vốn điều lệ 43 tỷ. Thời chứng khoán được giá, cứ tăng vốn điều lệ, bán cổ phiếu ra ngoài, được năm sáu chấm, một lãi bốn năm lần, ngon ơ.
Đặc biệt, nếu như công ty nào có bắt chân bắt tay với mấy đối tác nước ngoài, Nhật Bản chẳng hạn, Mỹ, Anh càng tốt, thì cổ phiếu cứ thế tăng ào ào. Vậy nên, Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt mới nghĩ ra trò ký kết với đối tác nước ngoài. Lần này ông ta chọn Goldman Sachs. Công ty này được coi là trùm sò tài chính ở phố Wall ở bên kia bán cầu.
Tin được Thiên Việt hé lộ chỉ là: Goldman Sachs và Thiên Việt đã thoả thuận trong bản hợp tác và đã được ký bởi lãnh đạo của hai công ty. Goldman Sachs và Thiên Việt có hợp đồng ký làm việc hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Rằng, "Goldman Sachs đã tin tưởng vào năng lực của Công ty CP Chứng khoán Thiên Việt và chọn Thiên Việt làm đối tác nội địa để thực hiện các dự án cụ thể tại Việt Nam"...
Từ đó, Thiên Việt cứ vô tư xin tăng vốn điều lệ. Đợt 1, tăng từ 43 tỷ đồng lên 86 tỷ đồng, theo Quyết định số 67/UBCK-GP ngày 24/8/2007. Cũng năm đó, chỉ bốn tháng sau, ngày 5/12, công ty này lại được Ủy ban Chứng khoán đồng ý cho tăng vốn điều lệ lên 430 tỷ đồng.
Có giấy phép, có đăng ký kinh doanh, những ai sở hữu cổ phiếu phổ thông công ty này cứ thế bán ra thị trường tự do. Có người mua đến 12 chấm. Tức tăng gấp 12 lần mệnh giá. Nghe mà vãi cả linh hồn.
Thử hình dung, bạn có 100 tỷ đồng CP phổ thông, bán ra, lãi gấp 10 lần, vị chi được ngàn tỷ. Trên thế giới, không có nơi nào, kinh doanh lãi đến như vậy. Vì thế, nhà nhà xin thành lập Cty chứng khoán, người người xin thành lập công ty chứng khoán. Trên bàn của Ủy ban Chứng kóoán lúc nào cũng có dăm bảy bộ hồ sơ xin thành lập. Mỗi công ty chứng khoán ra đời phải chi phí mất một số tỷ tiền tư vấn và lobby. Có người chỉ nhờ việc tư vấn thành lập công ty chứng khoán mà giàu lên như bắt được vàng.
Cứ có giấy phép, khắc có người bỏ vốn cho anh kinh doanh. Thiên hạ hồi đó sao hào phóng thế không biết. Rồi nhà nước siết chặt việc thành lập công ty chứng khoán. Hàng chục bộ hồ sơ đang nằm ở Ủy ban Chứng khoán trở thành mớ giấy lộn. Bạn tôi, chủ tịch một tập đoàn cũng nộp hồ sơ, cũng chịu chung số phận đó buông một câu đầy tiếc rẻ: Thế là lỡ mất một cơ hội.
Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện của năm 2007. Còn hôm nay, câu chuyện lại quay ngoắt 180 độ. Khác với phong trào chạy đua xin giấy phép, hơn năm qua, các công ty chứng khoán chật vật để tồn tại. Năm 2010 có 20 công ty chứng khoán công bố lỗ. Thậm chí có công ty thâm thủng nặng, có nguy cơ phá sản.
Công ty CK Kim Long là một trong số những doanh nhiệp như thế. Trong báo cáo kết quả kinh doanh 2010 trình ĐHCĐ vào ngày 19/3, HĐQT Công ty này khẳng định trong khi phí giao dịch có xu hướng ngày càng giảm thì chi phí hoạt động của công ty có xu hướng tăng do phải tăng chi phí về mặt bằng, mở rộng mạng lưới, nghiên cứu và phát triển dịch vụ, đầu tư, vận hành và phát triển hệ thống công nghệ thông tin, nhân lực...
Trong đó, chi phí cho hoạt động môi giới chiếm tỷ trọng lớn cho công ty thua lỗ trong năm 2010.
Điều này cũng được minh chứng qua báo cáo tài chính năm 2010 của các công ty chứng khoán, trong khi lợi nhuận từ môi giới của đa phần các công ty đều giảm mạnh so với 2009 thì chi phí phục vụ cho các hoạt động lại tăng mạnh. Thêm vào đó, thị trường không mấy sáng sủa khiến cho lợi nhuận thu được từ tự doanh là không đáng kể. Chính những nguyên nhân trên khiến cho nhiều công ty chứng khoán khép lại năm cũ với lợi nhuận âm.
Sang năm 2011, với một số phiên tăng điểm đầu năm, chứng khoán những tưởng đã vượt qua thử thách, nhưng những thông tin vĩ mô đã khiến cho sự lạc quan của nhà đầu tư về thị trường bị dập tắt. Tỷ giá, lạm phát, lãi suất, giá điện, xăng tăng, thông tin siết tín dụng vào chứng khoán đã đẩy chỉ số chứng khoán về sát mốc 450 điểm, mốc thấp nhất kể từ ngày 1/12/2010. Đồng thời giá trị giao dịch trên sàn TP.HCM có lúc chỉ còn khoảng 500 tỷ đồng, bằng một nửa so với các phiên bình thường trong năm 2010.
Sáng sớm, lướt qua một vòng các sàn giao dịch ở Hà Nội, thấy vắng như chùa Bà Đanh. Dẫu nhiều công ty chứng khoán đã đóng cửa bớt phòng giao dịch, thậm chí cả chi nhánh ở các tỉnh lẻ. Các cổ đông nắm giữ cổ phiếu của các công ty thi nhau chào bán qua sàn OTC. Giá rớt thê thảm. Thậm chí có cổ phiếu giá chỉ bằng 0,5 mệnh giá. Với giá đó, nếu không có gì thay đổi, chuyện phá sản chỉ còn là vấn đề thời gian.
Hoạt động của các công ty chứng khoán được coi là bức tranh sinh động nhất phản ánh thực trạng của những người chơi chứng khoán. Như đã nói ở trên, vào thời kỳ cao điểm của năm 2007, chỉ số VN- Index đạt 1.170 điểm (ngày 12/3) thì kết thúc phiên giao dịch ngày 18/03/2011, chỉ số này là 461 điểm, mất 709 điểm. Sự mất điểm đó đã diễn ra gần như liên tục trong bốn năm qua. Tuy nhiên, trước đó mấy năm, thị trường này đã có những bước tăng ngoạn mục để leo lên đỉnh ngày 12/3/2007.
Thị trường không bao giờ đứng yên, được mất chỉ là con số tương đối. Sau khi xuống thấp hết cỡ, sẽ bắt đầu một chu kỳ mới cao hơn. Với thị trường chứng khoán, sự giảm thấp liên tục trong bốn năm qua đã thực sự rơi xuống đáy hay chưa vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ. Chúng ta sẽ bàn đến trong những phần sau.
Phan Thế Hải
Diễn đàn kinh tế Việt Nam
|