Giá cao su trong nước lao dốc
Theo bộ Công thương, cùng với sự sụt giá trên thị trường thế giới, trong nước, giá cao su xuất khẩu liên tục lao dốc kể từ cuối tháng 2 đến nay (một số sản phẩm giảm từ 11 – 17%), do nhu cầu sụt giảm mạnh từ các khách hàng Trung Quốc, thị trường xuất khẩu cao su lớn nhất của Việt Nam.
Theo dự báo của một số chuyên gia thương mại, thời gian tới, giá cao su thế giới tiếp tục giảm do Nhật chưa thể sớm khắc phục được hậu quả động đất. Giá cao su trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi nhu cầu từ nước ngoài thấp theo bối cảnh chung của toàn cầu. Tuy nhiên, khoảng tháng 4, giá cao su sẽ hồi phục trở lại do nguồn cung cực kỳ eo hẹp trong thời điểm cây cao su thay lá. Giá dầu mỏ tăng cao cũng sẽ hỗ trợ cho nhu cầu cao su thiên nhiên trong vai trò thay thế cao su tổng hợp.
Được biết, xuất khẩu cao su tháng 2.2011 đạt 45.000 tấn với kim ngạch 200 triệu USD. Trong hai tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cao su đạt 121.000 tấn, trị giá 532 triệu USD, tăng 157% về khối lượng và 275% về giá trị so với cùng kỳ năm 2010.
Theo viện Nghiên cứu kinh tế thương mại, bộ Công thương, từ đầu tháng 2 đến nay, giá phân bón có biến động trái ngược. Giá phân urea, SA giảm nhẹ, giá DAP ổn định còn giá kaliclorua vẫn có xu hướng tăng. Phân bón trên thị trường đang được tiêu thụ khá chậm do miền Bắc đã hết vụ đông xuân, còn khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa chính thức vào vụ hè thu. Việc mua bán các loại phân bón tại TP.HCM cũng chậm, ngoại trừ kaliclorua được giao dịch khá do các nông trường cao su chuẩn bị vào vụ sản xuất.
Hà Nguyễn - Thu Hằng
sài gòn tiếp thị
|