Đồng bằng Sông Cửu Long xuất khẩu trên một triệu tấn gạo
Theo ngành thương mại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh trong vùng vừa xuất 150.000 tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu từ đầu năm đến nay trên 1 triệu tấn; tổng giá trị đạt trên 480 triệu USD. Từ nay đến cuối năm, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuất thêm 4,4 triệu tấn gạo.
Từ giữa năm 2010 trở lại đây, công tác thông tin, dự báo thị trường lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long nhanh, chính xác hơn. Các địa phương tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu, chế biến và bảo quản tốt hơn, chất lượng gạo được bảo đảm. Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo được chấn chỉnh nên tính chuyên nghiệp trong hoạt động được nâng lên, có trách nhiệm với khâu sản xuất của người nông dân hơn.
Hiện tượng bán phá giá, gây thiệt hại đến quyền lợi của người sản xuất, của doanh nghiệp đã được hạn chế. Số lượng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh bảo đảm sản xuất đáp ứng yêu cầu chất lượng và xây dựng thương hiệu hàng hóa tăng thêm. Hệ thống thương lái và xay xát bước đầu được tổ chức lại theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và mua lúa gạo theo giá thị trường, bảo đảm cho người trồng lúa có lãi từ 30% trở lên.
Năm nay, vụ lúa Đông Xuân tại Đồng bằng sông Cửu Long trúng mùa nhờ các địa phương mở rộng diện tích cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã, tạo thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế được dịch bệnh và thực hiện quy trình cơ giới hóa đồng bộ. Nhờ đó, lúa hàng hóa đã được tiêu thụ hết với giá tốt, tạo đà cho sản xuất lúa và xuất khẩu gạo năm tới thuận lợi.
Đồng bằng sông Cửu Long đang khuyến khích các doanh nghiệp chuyển dần từ phương thức kinh doanh truyền thống (theo kiểu thu mua, chế biến, phân loại rồi xuất khẩu) sang hình thức đầu tư kinh doanh xuất khẩu; phối hợp với địa phương và nông dân để sản xuất lúa chất lượng cao, chủ động đầu ra và bán với giá cao hơn, trong đó phải làm tốt hai khâu là chất lượng và thương hiệu.
Được biết, nhiều doanh nghiệp chuyên doanh gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện bị hạn chế về vốn, khả năng bảo quản yếu, thời gian bảo quản ngắn đã gây sức ép lên các doanh nghiệp trong việc trữ gạo chờ giá lên. Đa số các doanh nghiệp chưa tự tổ chức được vùng nguyên liệu, còn dựa vào cung cầu thị trường. Nhiều doanh nghiệp thiếu liên kết với người sản xuất, nhà khoa học và các doanh nghiệp khác để nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng sức cạnh tranh./.
Thế Đạt
Vietnam+
|