Tạm trữ gạo để chờ thời!
Nếu doanh nghiệp chịu khó “gồng mình” trữ gạo vài tháng, sẽ có cơ hội lời to. DN phải triển khai tốt việc mua tạm trữ để chờ cơ hội. Chắc chắn nhu cầu thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.
Trước tình hình thị trường gạo thế giới ảm đạm ảnh hưởng đến giá thu mua trong nước, cơ quan quản lý, chuyên gia và doanh nghiệp (DN) đều thống nhất phải đẩy mạnh thu mua tạm trữ, chờ thị trường gạo sôi động mới bán ra.
Thị trường ảm đạm
Một tuần qua, giá lúa gạo ở các tỉnh ĐBSCL liên tục giảm. Hiện lúa khô có giá 5.300-5.400 đồng/kg; gạo lứt giá 7.300-7.400 đồng/kg.
ông Huỳnh Công Thành, Giám đốc Công ty Lương thực TP.HCM (Foodcosa), cho hay mức giá trên được coi là giảm nếu so với thời điểm trước tết. Nếu tính tổng thể thì giá lúa như hiện nay vẫn ở mức cao, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi.
Theo ông Thành, giá gạo giảm là tình hình chung của thế giới, chứ không riêng gì VN. Ngay cả Thái Lan, nước xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới cũng phải giảm giá bán để giữ và tìm kiếm khách hàng mới.
Trên thực tế, DN gạo rất khó khăn trong việc tìm đầu ra. Trái lại, các nhà nhập khẩu đang tìm cách ép giá gạo xuống nữa. Ngày 17-3, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) lại giảm giá xuất khẩu gạo 5% từ 500 USD/tấn xuống 480 USD; gạo 25% từ 480 USD/tấn xuống 460 USD/tấn.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Pháp Luật TP.HCM, giá xuất khẩu gạo trên thực tế thấp hơn nhiều so với giá sàn. Gạo 5% tấm được nhiều DN chào bán trên thị trường ở mức 435-440 USD/tấn; gạo 25% tấm chào bán 385-390 USD/tấn.
Ở một góc độ khác, GS-TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cho hay giá gạo giảm nằm trong chủ trương điều tiết của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO). Theo đó, FAO mong muốn giảm giá gạo xuống dưới 300 USD/tấn vì lo ngại khủng hoảng lương thực. Ngoài ra, thời điểm này nhiều nước (gồm có VN, Thái Lan, Myanmar, Philippines…) bước vào vụ thu hoạch nên nguồn cung tung ra thị trường khá nhiều, trong khi nhu cầu mua chưa tăng cao.
Kiên trì tạm trữ
Một số DN cho hay với giá xuất khẩu thấp như hiện nay, họ sẽ bị lỗ nếu thực hiện những hợp đồng thương mại “mua ngay bán liền”. Cho nên trong lúc này chủ trương đẩy mạnh mua tạm trữ là hợp lý. Đẩy nhanh mua vào vừa không làm giá trong nước giảm tiếp, đồng thời DN cố gắng “gồng mình” dăm ba tháng, chờ khi nào thị trường sôi động trở lại mới bán ra. Nếu làm tốt khâu tạm trữ thì khi thị trường lúa gạo ấm lên, DN vẫn sẽ có lãi.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần, trước tình hình giá gạo giảm, Bộ đã có cuộc họp và đi tới thống nhất biện pháp phải đẩy mạnh thu mua tạm trữ không để lúa gạo trong nước tiếp tục rớt giá.
“Vấn đề là DN phải triển khai tốt mua tạm trữ để chờ cơ hội. Chắc chắn nhu cầu thế giới sẽ tăng mạnh trong thời gian tới” - Thứ trưởng Tần khẳng định.
Lo ngại kho chứa
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, giá gạo xuất khẩu sẽ “lình xình” từ đây cho đến tháng 6. Sau thời gian đó, thị trường gạo sẽ sôi động dần lên và đặc biệt có thể tăng cao vào dịp cuối năm. Cho nên biện pháp tăng cường mua tạm trữ được coi là giải pháp hữu ích nhất trong lúc này.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà ông Bửu lo ngại là liệu hệ thống kho chứa của DN có đáp ứng được việc mua tạm trữ hay không? “Theo đúng dự kiến thì phải đến tháng 6 này, DN gạo mới hoàn thành hệ thống kho chứa công suất 4 triệu tấn. Hiện tại, DN chỉ có hệ thống kho công suất 1 triệu tấn, cùng với 1 triệu tấn chứa trong dân. Con số này vẫn quá ít để đáp ứng yêu cầu cho một chiến dịch tạm trữ dài hạn với số lượng lớn” - ông Bửu phân tích.
Một khó khăn nữa là hiện nay nhiều kho chỉ dự trữ trong vòng hai tháng. Quá thời gian này, nếu gạo không bán được rất dễ bị ẩm mốc, hư hỏng. Trong khi đó để chờ giá gạo lên phải cần một quãng thời gian tương đối dài.
Ông Huỳnh Công Thành cho hay trong đợt này Foodcosa giao mua tạm trữ 20.000 tấn. Hiện công ty đã mua được 6.000 tấn. Tuy vậy, khó khăn mà nhiều DN mua tạm trữ gặp phải là thiếu nguồn cung ứng. Lý do người nông dân hiện nắm rõ thông tin về thị trường nên chưa bán để chờ giá tăng. Với nguồn gạo từ nhà máy, thương lái thì giá lại quá cao, DN mua vào sẽ không có lãi.
Ông Thành nói: “Ngay như Foodcosa có khả năng mua 500-600 tấn/ngày nhưng cố gắng lắm cũng chỉ mua được khoảng 200 tấn/ngày, chỉ bằng 1/3 so với khả năng”.
Tạm trữ 2 triệu tấn mới giữ được giá
Vụ đông xuân cung ứng khoảng 6 triệu tấn lúa hàng hóa. Do chi phí đầu vào như phân bón, giống… nên giá thành sản xuất lúa vụ này cũng tăng 10% so với trước.
Muốn giữ được giá lúa, DN phải mua tạm trữ với số lượng 2 triệu tấn gạo. Hiện tại lúa đã bước vào thu hoạch, do không có chỗ chứa và cần tiền nên nhiều nông dân phải vội bán ra.
TS Lê Văn Bảnh
Philippines không còn là ẩn số
Trong các cuộc họp điều hành xuất khẩu gạo gần đây, Chủ tịch VFA Trương Thanh Phong vẫn coi Philippines là “ẩn số” đối với xuất khẩu gạo của VN. Những năm trước, Philippines nhập khoảng 1,5-2 triệu tấn gạo của VN nhưng năm nay vẫn chưa có động thái nhập khẩu gạo.
Mới đây, Philippines công bố kế hoạch mua 1,3 triệu tấn. Trong số đó, chính phủ sẽ giao thương nhân mua 660.000 tấn, số còn lại sẽ là hợp đồng cấp chính phủ. Tuy nhiên, theo một số DN VN, hiện vẫn chưa có thương nhân nào của Philippines liên hệ với đối tác VN. Đổi lại chỉ có DN nước ngoài mua gạo của VN để bán sang Philippines. |
Trung Hiếu
pháp luật tphcm
|