Bán cà phê qua sàn: Ngán thủ tục, ngại đường xa
Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột mới khai trương sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ngày 11.3.2011. Nhưng ngay cả với giao dịch giao ngay, đối với đa số nông dân ở Dăk Lăk vẫn quá xa lạ. Có thể nói, các nhà cung cấp dịch vụ chưa làm đủ các động tác cần thiết để thu hút nông dân.
Vườn càphê đang ra hoa, chị Nguyễn Thị Kim Hậu (xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, Dăk Lăk) định năm nay sẽ tiếp tục mang càphê lên trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) gửi vào kho để bán qua sàn.
Đã thấy lợi
Chị Hậu là một trong gần 50 nông dân mạnh dạn thử cách thức mua bán cà phê qua sàn. Năm 2009, chị gửi gần 5 tấn vào kho BCEC lúc giá có 25.000 đồng/kg, khi bán được giá 30.000 đồng/kg.
Nếu bán càphê cho đại lý hay thương lái chỉ bán xô theo giá bình quân trên thị trường. Cái lợi chị Hậu thấy rõ nhất khi gửi trong kho BCEC là cà phê được phân thành ba loại tuỳ theo cỡ hạt. Cà phê loại một được thưởng cộng thêm trọng lượng, tính ra giá cao hơn giá bình quân thị trường trên 1.000 đồng/kg.
Anh Ngô Văn Toán ở xã Hoà Đông, huyện Krông Pak cũng là thành viên đăng ký bán giao dịch cà phê giao ngay đã hai mùa thu hoạch. Anh mới bán được hơn 4 tấn qua sàn. Khi để cà phê ở nhà, đại lý vô coi mua nói giá 45.000 đồng/kg. Anh chở lên BCEC, vừa nhập kho đã có người trả được 45.300 đồng/kg vì họ biết anh đã mang lên sàn thì chắc là càphê tốt.
Ông Võ Thanh Châu, phó giám đốc BCEC cho biết: BCEC đã thấy được sự ngần ngại của nông dân. BCEC đang xúc tiến thành lập nhóm đại diện của ngân hàng, đơn vị quản lý kho, đơn vị kiểm định chất lượng mang xe đến từng vùng trồng càphê để tiếp nhận hàng ngay tại chỗ cho hộ nông dân có ít càphê. Sau khi nông dân bán được hàng, BCEC sẽ trừ phí vận chuyển cho họ. |
Cái lợi khác nữa là khi chưa muốn bán, nông dân gửi càphê được vay vốn (70% giá trị hàng gửi).
Cần hỗ trợ thủ tục
Tỉnh Dăk Lăk có khoảng 50.000 hộ có diện tích trồng càphê từ một hécta trở lên, nhưng hơn hai năm mở sàn giao dịch cà phê giao ngay mới chỉ có gần 50 hộ tham gia thành viên đăng ký bán là quá ít.
Lý giải điều này, theo chị Hậu, nông dân ngại mang cà phê lên BCEC vì đường xa mà phải làm khá nhiều thủ tục giấy tờ. Đã giao dịch chị cho biết, nhân viên của sàn giao dịch hoặc nhân viên công ty Thái Hoà Buôn Ma Thuột phụ trách kho gửi cà phê hướng dẫn thủ tục tận tình, viết giùm những giấy tờ phức tạp, vậy mà cũng phải tới mấy chục chữ ký. Nông dân không quen quan hệ các chủ xe chở hàng vì từ trước đến giờ họ bán cho thương lái, đại lý, được lo vận chuyển hết nên họ nghĩ bán cho thương lái tiện hơn, khỏi bỏ công đi mất một ngày.
Các Ngọc
sài gòn tiếp thị
|