Lối thoát cho xuất khẩu cà phê
Tuần trước, TBKTSG đã đăng bài “Tranh mua cà phê và những nỗi lo” phản ánh việc các doanh nghiệp trong nước có nguy cơ bị “bức tử” bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tranh mua cà phê. Tuần này, chúng tôi giới thiệu bài viết của ông Nguyễn Đình Bích về những bất cập của ngành cà phê Việt Nam và đề xuất một số giải pháp.
Giá cà phê xuất khẩu quá thấp!
Từ các số liệu thống kê quốc tế và của Việt Nam, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, chúng ta đã xuất khẩu một lượng lớn cà phê với giá quá thấp. Cụ thể, tính chung trong 10 năm gần đây, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 51,5% giá bình quân của thế giới.Trong khi đó, nếu như “người khổng lồ” Brazil chủ yếu với cà phê arabica rất được ưa chuộng trên thị trường thế giới cho nên giá xuất khẩu bằng 95,3% giá bình quân của thế giới, còn giá cà phê arabica có lẽ là hảo hạng của Colombia cao ngất ngưởng tới 124%, thì Indonesia cũng với cà phê robusta gần giống như Việt Nam nhưng vẫn đạt 72,4%.
Từ những thực tế đó, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng, giá xuất khẩu quá thấp chính là bất cập lớn nhất của ngành cà phê nước ta từ nhiều thập kỷ qua. Trong đó, nếu như các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam luôn luôn phải mua cà phê của nông dân với giá thấp hơn giá xuất khẩu để có lãi, thì thực tế này đồng nghĩa với việc nông dân trồng cà phê quá thiệt thòi và lợi ích của quốc gia cũng không được bảo đảm.
Ai được lợi?
Trong khi đó, các số liệu thống kê của thế giới về hoạt động xuất, nhập khẩu cà phê cũng cho phép suy đoán rằng, các bạn hàng nhập khẩu cà phê của Việt Nam đã thu lợi không nhỏ. CHLB Đức, bạn hàng nhập khẩu cà phê số một của Việt Nam, từ nhiều năm nay có lẽ là thí dụ điển hình nhất.
Tuy tỷ trọng dân số của quốc gia này so với thế giới trong thập kỷ vừa qua đã từ 1,36% “co lại” chỉ còn 1,21%, nhưng tỷ trọng khối lượng cà phê nhập khẩu vẫn tăng từ 15,5% lên 16,3%, trở thành cường quốc nhập khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, chỉ đứng sau Hoa Kỳ, quốc gia có dân số lớn gấp bốn lần. Hiển nhiên Đức nhập khẩu nhiều như vậy không phải vì nhu cầu uống cà phê của người Đức, mà phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến loại đồ uống này của họ, đã vươn lên vị trí dẫn đầu thế giới, và xuất khẩu với quy mô rất lớn.
Chẳng hạn, về công nghiệp chế biến cà phê hòa tan, sức cạnh tranh của ngành công nghiệp chế biến cà phê đặc thù đã giúp CHLB Đức giành ngôi đầu trong cuộc đua đường trường cho tới ngày nay. Ngoài ra, tuy chỉ chiếm 12,1% về lượng cà phê hòa tan xuất khẩu trên thị trường thế giới, (tương đương 12% của Brazil), nhưng tính theo kim ngạch xuất khẩu thì tỷ trọng của CHLB Đức đứng ở mức cao ngất ngưởng 18,7%, trong khi kim ngạch của Brazil vẫn chỉ ở mức 12%. Điều đó có nghĩa là giá của Đức cao gấp 1,55 lần giá bình quân của thế giới và Brazil.
|
Bên cạnh đó, cho dù không có một cây cà phê nào, nhưng với 466.000 tấn cà phê (nhân) xuất khẩu năm 2009, CHLB Đức đã lần đầu tiên vượt qua Colombia để giành vị trí cường quốc thứ tư thế giới, chỉ sau Brazil, Việt Nam và Indonesia. Trong đó, tính bình quân trong 10 năm gần đây, gần một phần tư khối lượng cà phê nhập khẩu của CHLB Đức là để dành cho xuất khẩu và những thị trường chủ yếu là các nước phương Tây giàu có. Chắc chắn, đó cũng là lý do các thương nhân Đức đã xuất khẩu cà phê với giá rất cao so với giá bình quân của thế giới.
Trong đó, Việt Nam chính là một yếu tố có lẽ quan trọng bậc nhất giúp các thương nhân Đức đạt được những thành công có một không hai cả trên thị trường xuất khẩu cà phê (nhân) lẫn cà phê hòa tan của thế giới. Lượng cà phê Đức nhập khẩu từ Việt Nam hầu như liên tục tăng và đạt 22,9% năm 2007, còn giá thì thấp hơn 30,6%.
Như vậy, nếu so sánh giữa giá cà phê nhập khẩu từ Việt Nam với giá xuất khẩu ra các thị trường thế giới, thì khoảng cách mà các thương nhân Đức tạo ra còn “mênh mông” hơn nhiều. Do vậy, nếu tổ chức thu mua cà phê trực tiếp từ tay nông dân Việt Nam, tức là “ăn từ gốc đến ngọn”, chắc chắn những khoản “đút túi” của thương nhân Đức sẽ còn lớn hơn nữa.
Tất cả những điều nói trên cho thấy rằng, việc mua cà phê của nông dân với giá thấp và xuất khẩu ra thị trường thế giới với giá quá thấp của các doanh nghiệp trong nước trong những năm qua không khác gì “gậy ông đập lưng ông”. Bởi lẽ, đây chính là mảnh đất quá “màu mỡ” đối với các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê có vốn đầu tư nước ngoài và với những lợi thế quá lớn, khả năng họ giành được phần thắng trong cuộc cạnh tranh này gần như là chắc chắn.
Lối thoát nào cho xuất khẩu cà phê?
Rõ ràng doanh nghiệp trong nước đang ở vị trí canh trạnh quá bất lợi so với thương nhân có vốn đầu tư nước ngoài khi thu mua cà phê.
Hơn thế, lãi suất huy động đô la lại thấp “một trời một vực” so với đồng Việt Nam và việc điều chỉnh tăng rất mạnh tỷ giá đô la Mỹ/đồng Việt Nam vừa qua đã tạo thêm lợi thế cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực này.
Trong khi đó, việc cấm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tham gia lĩnh vực này hoàn toàn chỉ là biện pháp nhất thời “chữa cháy”, chứ không phải là “trị bệnh từ gốc”. Bởi lẽ, theo lộ trình thực hiện WTO, ngay như mặt hàng nông sản chiến lược gạo, Việt Nam cũng đã mở cửa cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vào kinh doanh xuất khẩu trong năm nay, cho nên chắc chắn cũng không thể cấm mãi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đầu tư vào kinh doanh xuất khẩu cà phê.
Ngoài ra, xuất khẩu cà phê với giá quá rẻ chính là “căn bệnh kinh niên” của các doanh nghiệp trong nước từ hàng chục năm nay, mà cấm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp mua cà phê để xuất khẩu chính là dung dưỡng cho căn bệnh này kéo dài thêm và cũng có thể nặng thêm. Điều này cũng có nghĩa là sẽ tiếp tục hy sinh không chỉ quyền lợi của quốc gia, mà cả quyền lợi của nông dân sản xuất cà phê hiện nay, những người có công đầu đưa cà phê Việt Nam lên ngôi “á hậu” làng xuất khẩu cà phê thế giới, nhưng lại là đối tượng thiệt thòi nhất trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, kinh doanh xuất khẩu và chế biến cà phê.
Trong khi đó, các số liệu thống kê của thế giới cho thấy, lợi ích thu được qua phát triển công nghiệp chế biến cà phê còn lớn hơn rất nhiều so với xuất khẩu cà phê nhân. Đó là, trong những năm sốt nóng giá cà phê thế giới như các năm 1988 và 2007, thì giá của nông sản thô này cũng chỉ bằng 36,3% và 35,7% giá cà phê hòa tan trên thị trường thế giới. Còn trong những năm hiếm hoi xảy ra tình trạng khủng hoảng cách đây đã hơn một phần tư thế kỷ (1984-1986) giá của nông sản thô này tăng đại nhảy vọt lên 40,7-48,9% giá cà phê hòa tan, thì trong những năm dài còn lại, giá cà phê nhân chỉ dao động xung quanh mức 25%, thậm chí dưới ngưỡng 20%, còn bình quân trong 10 năm gần đây cũng chỉ đạt 29%.
Rõ ràng, tích hợp cả hai điều kiện giá và sản lượng cà phê nhân, Việt Nam có điều kiện thuận lợi hơn bất cứ quốc gia nào trên thị trường thế giới trong việc phát triển công nghiệp chế biến cà phê, bởi nguồn nguyên liệu khổng lồ với giá rẻ hiếm có.
Do vậy, phải chăng khuyến khích gia tăng mạnh vốn đầu tư, kể cả vốn đầu tư nước ngoài vào phát triển công nghiệp chế biến cà phê mới là hướng đi chủ đạo của Việt Nam, bởi lợi ích mà nó đem lại chắc chắn là không hề nhỏ. Đó là, vừa “giải được bài toán” nhức nhối giá cà phê xuất khẩu quá “bèo bọt” hiện nay, vừa góp phần không nhỏ vào việc nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” trên thị trường thế giới, vừa góp phần khắc phục tình trạng nhập siêu vẫn còn rất nghiêm trọng hiện nay và vừa tạo công ăn việc làm cho một bộ phận trong lực lượng lao động hùng hậu của nước ta.
Hẳn nhiên đây là hướng đi không hề đơn giản, bởi chen chân được vào thị trường cà phê chế biến mà các tập đoàn đa quốc gia thống trị từ rất nhiều thập kỷ nay là điều không dễ. Nhưng có lẽ đó là hướng đi tối ưu, bởi vì Việt Nam đang có cả hai tiền đề quan trọng và thuận lợi bậc nhất trong phát triển công nghiệp chế biến: nguồn nguyên liệu dồi dào và giá cũng rất rẻ.
Nguyễn Đình Bích
tbktsg
|