Chủ Nhật, 20/03/2011 23:00

Bán tháo cao su là “dính bẫy”

Cùng với Hiệp hội các Nước sản xuất cao su thiên nhiên, hôm qua (18.3), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG, chiếm tới 50% sản lượng cao su xuất khẩu của cả nước) kêu gọi không nên bán đổ bán tháo cao su với giá rẻ trong hoảng loạn.

Bởi những nhà nhập khẩu đang lợi dụng tình hình một số hãng xe Nhật tạm ngừng sản xuất để dìm giá xuống, trong khi thực tế Nhật chỉ chiếm 7% nhu cầu toàn thế giới về cao su thiên nhiên.

Nhà nhập khẩu tận dụng cơ hội để dìm giá

Không chỉ cổ phiếu ngành cao su bị “vạ lây”, trao đổi với PV hôm qua, ông Đinh Vạn Tiến (Trưởng ban XNK VRG) nói, nếu các DN tư nhân đang chiếm khoảng 50% lượng cao su xuất khẩu vẫn tiếp tục bán tháo trong hoảng loạn như mấy ngày qua, sẽ ảnh hưởng lớn đến giá cao su xuất khẩu chung của cả nước, thậm chí còn ảnh hưởng đến nhiều nước sản xuất cao su.

Theo ông Tiến, bởi thông tin do ảnh hưởng của thảm họa, nhiều nhà sản xuất xe Nhật Bản như Honda, Toyota... tạm ngừng hoạt động một số nhà máy dẫn tới ngành cung cấp phụ tùng (gồm cả cao su) cũng ngừng theo đã làm dấy lên quan ngại sụt giảm sức cầu cao su tự nhiên.

Cũng bởi tâm lý này, giá cao su kỳ hạn tại Tokyo (dùng làm giá tham khảo cho thị trường toàn cầu) đã sụt giảm mạnh.  “Nhân cơ hội này, nhiều nhà nhập khẩu “rủ nhau” làm “động tác” ngừng mua để nghe ngóng tình hình, dù được chào bán với bất kỳ giá nào làm sức cầu giảm đột ngột. Đó chính là chiêu dìm giá xuống của các nhà nhập khẩu!” - ông Tiến phân tích.

Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cao su cần bình tĩnh. 

Tuy nhiên có rất nhiều người đã “dính bẫy” khi ồ ạt chào bán với giá rất thấp, có lúc dưới 85 triệu đồng/tấn, trong khi cao su đang ở ngưỡng 120 triệu đồng/tấn. Ở thị trường trong nước, giá cao su xuất khẩu cũng liên tục lao dốc không phanh do khách hàng Trung Quốc (thị trường cao su lớn của Việt Nam) đang “xem xét” nhu cầu.

Việc tận dụng cơ hội để dìm giá của các nhà nhập khẩu bị “hé lộ” khi Chính phủ Thái Lan (chiếm tới 1/3 tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu và đứng đầu thế giới về xuất khẩu loại hàng hóa này) yêu cầu các nhà xuất khẩu của mình hạn chế bán ra nước ngoài nhằm tránh sự sụt giảm quá mạnh và tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp thêm nữa nhằm hỗ trợ giá trong nước.

Tương tự Indonesia và Malaysia cho biết sẽ tìm cách đẩy giá lên nữa. Cùng lúc các thương gia và các nhà phân tích cho rằng ảnh hưởng của thảm hoạ ở Nhật đối với kinh tế thế giới sẽ chỉ ở mức hạn chế. Điều đó khiến các thương gia lại vội vã mua hàng hoá vào. Lập tức giá cao su đang từ 85 triệu đồng/tấn, đến hôm qua, đã lên trên 103 triệu đồng/tấn.

VRG kêu gọi sự bình tĩnh

Tuy nhiên tâm lý “dư chấn” từ thảm họa động đất tại Nhật Bản vẫn còn đè nặng lên các DN tư nhân trong nước đang chiếm 50% lượng cao su xuất khẩu. Ngay cả các DN Thái Lan dù đã ngừng chào bán các hợp đồng mới, nhưng cũng rất lo ngại về giá do giá cao su thế giới giảm quá sâu.

Trong khi đó, theo khẳng định của Hiệp hội các Nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) thì Nhật Bản chỉ chiếm 7% nhu cầu toàn thế giới về cao su thiên nhiên.

Bridgestone Corporation đã thông báo rằng tất cả 5 nhà máy của họ tại phía đông bắc Nhật Bản đều không bị ảnh hưởng gì mặc dù sản xuất phải bị ngừng lại do các vấn đề về cung ứng điện và các lo ngại về an toàn. Các nhà máy có thể sẽ được mở trở lại khi khôi phục nguồn cung ứng điện và hoàn tất việc kiểm tra độ an toàn. Sản xuất đã được giải quyết một phần trong số 5 nhà máy đang đóng cửa.

Toyo Tire & Rubber Co. Ltd. xác nhận rằng không có bất kỳ nhà xưởng hoặc phương tiện sản xuất của nhà máy nào của họ trong khu vực bị hư hại mặc dù nhà máy đã bị tạm thời đóng cửa do không có điện. Không có báo cáo nào về các thiệt hại từ 3 Cty sản xuất lốp xe có nhà máy sản xuất tại Nhật Bản là Sumitomo Rubber Industries Ltd., Yokohama Rubber Co. Ltd. và Michelin.  

“Việc một số rất nhỏ nhà máy lốp xe ôtô phải đóng cửa trong vài ngày không thể có ảnh hưởng một cách đáng kể đến nhu cầu toàn cầu về mặt hàng cao su. Nếu có chút ảnh hưởng nào đó thì cũng chỉ là trong ngắn hạn. Thảm họa động đất dường như không có ảnh hưởng đáng kể nào đến kinh tế toàn cầu vì Nhật Bản không phải là quốc gia dẫn dắt sự hồi phục toàn cầu từ sự suy thoái kinh tế năm 2008” - Tổng thư ký ANRPC khẳng định.

Cũng chung nhận định này, theo ông Tiến, VRG (chiếm 50% lượng cao su xuất khẩu của cả nước) tuyên bố sẽ không chào bán với giá thấp. VRG cũng kêu gọi các nhà xuất khẩu ngoài tập đoàn hết sức bình tĩnh, không chào hàng và bán đổ bán tháo trong tâm lý hoảng loạn như vừa qua, vừa mất tiền “oan” lại ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu cao su của cả nước.  Được biết, dự kiến khối lượng xuất khẩu cao su năm 2011 của Việt Nam khoảng hơn 760.000 tấn với giá trị đạt gần 3 tỉ USD, cao hơn mức 2,4 tỉ USD của năm 2010.

Ngô Sơn

LAO ĐỘNG

Các tin tức khác

>   Tạm trữ lúa gạo: Cần Chính phủ vào cuộc (20/03/2011)

>   Tạm trữ gạo để chờ thời! (20/03/2011)

>   Đã xuất khẩu được hơn 1,3 triệu tấn gạo (18/03/2011)

>   Hiệp hội lương thực lại hạ giá sàn gạo xuất khẩu (17/03/2011)

>   Lối thoát cho xuất khẩu cà phê (17/03/2011)

>   Giá lúa gạo giảm mạnh (17/03/2011)

>   Thị trường cao su lao dốc không phanh (17/03/2011)

>   Philippines sẽ giảm nhập khẩu gạo trong năm 2011 (16/03/2011)

>   Doanh nghiệp hạn chế ký hợp đồng xuất khẩu cao su (16/03/2011)

>   Bán cà phê qua sàn: Ngán thủ tục, ngại đường xa (16/03/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật