Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nội địa: Lo thua trên sân nhà
Thừa nhận lợi thế trong hoạt động xuất khẩu gạo đang nghiêng về phía doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam lo về năng lực cạnh tranh.
Chỉ trong khoảng thời gian từ ngày 7/1 đến 21/3, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã 6 lần điều chỉnh giá hướng dẫn xuất khẩu gạo. Theo mức giá ban hành ngày 21/3, áp dụng từ ngày 24/3, giá sàn xuất khẩu FOB đóng gói 50 kg/bao đối với gạo 5% tấm là 490 USD/tấn, gạo 25% tấm là 470 USD/tấn. So với mức giá hướng dẫn ngày 7/1/2011, gạo 5% đã giảm 30 USD/tấn và gạo 25% giảm 28 USD/tấn.
Lý giải về động thái liên tục điều chỉnh giá xuất khẩu theo xu hướng giảm, VFA cho biết, hiện nay, vùng trọng điểm sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long bước vào vụ thu hoạch rộ lúa đông - xuân, với sản lượng ước đạt trên 10 triệu tấn, trong đó có đến 6 triệu tấn lúa hàng hóa (tương đương 3 triệu tấn gạo). Cộng với hơn 1 triệu tấn gạo tồn kho từ năm ngoái, áp lực tiêu thụ đang gia tăng. Trong khi đó, sức mua trên thị trường thế giới vẫn lình xình, buộc VFA phải điều chỉnh giá để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thành viên đẩy mạnh xuất khẩu.
Trong khi đó, theo cam kết gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), năm 2011, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài được phép chế biến, kinh doanh xuất khẩu gạo tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, sự kiện này sẽ kích thích mở rộng thị trường và nâng cao giá trị cho hạt gạo Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có lo ngại rằng, nếu doanh nghiệp trong nước chưa đủ mạnh, thì phần lớn gạo thương mại của Việt Nam sẽ bị thương gia nước ngoài thao túng và lợi nhuận từ hạt gạo sẽ chảy ra nước ngoài.
Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu nhận định, xuất khẩu gạo năm 2011 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa doanh nghiệp nội và doanh nghiệp ngoại, mà lợi thế đang nghiêng về doanh nghiệp nước ngoài. “Doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ngoài đã có mặt tại Việt Nam hơn chục năm qua, nên rất am hiểu tập quán canh tác, cơ cấu mùa vụ và cả thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Họ còn có lợi thế rất lớn về thị trường xuất khẩu, mạng lưới phân phối trên thế giới, am hiểu luật pháp quốc tế”, ông Trượng phân tích.
Mặt khác, theo ông Trượng, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ngoài còn tiếp cận được nguồn tín dụng ngoại tệ bên ngoài, với lãi suất khoảng 4-5%/năm, trong khi doanh nghiệp nội địa phải vay vốn với lãi suất 17-20%. Nếu xét về lực lượng, doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước ngoài chỉ yếu hơn doanh nghiệp trong nước ở điểm chưa có nhà máy chế biến và kho tàng dự trữ theo quy định. Tuy nhiên, để khắc phục điểm yếu này, họ chỉ cần liên doanh hoặc sang nhượng lại cơ sở vật chất của các doanh nghiệp trong nước.
Động thái cạnh tranh đầu tiên giữa doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước và nước ngoài đã xuất hiện khi Philippines (bạn hàng lớn của Việt Nam) công bố giao 40% hạn ngạch nhập khẩu cho thành phần tư nhân đảm trách. Sau khi được giao hạn ngạch nhập khẩu, thương nhân Philippines đã tiếp cận trực tiếp nguồn hàng và chờ thời cơ “bắt đáy” để mua được gạo với giá rẻ.
Ông Trần Thanh Vân, Phó giám đốc Công ty cổ phần Gentraco (một trong 6 doanh nghiệp được VFA giao làm đầu mối hướng dẫn thương nhân nước ngoài mua gạo tại Việt Nam) nhận định, động thái cử thương nhân đến mua hàng ngay tại nước xuất khẩu của Philippines là nhằm “mua tận gốc” giúp tiết kiệm ngân sách.
Theo ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch VFA, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nội địa phải tự chỉnh đốn, thay đổi hình thức quản trị, đổi mới công nghệ, chủ động liên kết với nông dân tạo vùng nguyên liệu ổn định và xúc tiến mở rộng thị trường. Trong thời gian ngắn, các công ty nước ngoài chưa thể đổ bộ ào ạt vào Việt Nam, vì vậy các doanh nghiệp trong nước có thể tranh thủ thời gian này để tái cơ cấu sao cho đủ mạnh khi bước vào cuộc cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài
Phú Khởi
đầu tư
|