TS. Võ Trí Thành: “Cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1%, lạm phát tăng khoảng 0,1%”
TS. Võ Trí Thành (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, một số nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% thì làm tăng lạm phát khoảng 0,1%.
Nếu nhìn dưới góc độ vĩ mô thì thông thường, khi phá giá đồng nội tệ, một mặt sẽ có tác dụng thúc đẩy xuất khẩu; mặt khác, sẽ hạn chế nhập khẩu. Chính vì vậy mà thời gian vừa qua, người ta nói nhiều đến chiến tranh tiền tệ, tức là nước nào cũng muốn đồng tiền yếu đi để tăng xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu.
Tuy nhiên, tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến xuất nhập khẩu thế nào còn phải tùy thuộc vào cơ cấu kinh tế của mỗi nước. Hiện với cơ cấu của nền kinh tế đang phát triển cần nhập khẩu nhiều máy móc thiết bị cũng như nguyên vật liệu, thì tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đến việc giảm thâm hụt thương mại có thể là không lớn. Bên cạnh đó, cần lưu ý đến độ trễ do những hợp đồng đã ký kết trước đây. Vì lẽ đó, có thể trong ngắn hạn, việc điều chỉnh tỷ giá có thể còn làm tăng thâm hụt thương mại lên một chút, nhưng về lâu dài sẽ tốt lên...
Cũng chính bởi vậy, việc điều chỉnh tỷ giá lần này có thể giúp các giao dịch ngoại hối trở nên minh bạch hơn, hạn chế được tình trạng 2 tỷ giá trong các ngân hàng.
Tuy nhiên, việc giảm giá đồng tiền sẽ gây sức ép đến lạm phát. Một số công trình nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1% thì làm tăng lạm phát khoảng 0,1%. Tuy nhiên, theo tôi, tác động đến lạm phát của lần điều chỉnh này là không lớn do trên thực tế, thời gian qua, tất cả các giao dịch ngoại hối đều đã ở mức 21.000 đồng/USD hoặc hơn. Mặc dù vậy, trong ngắn hạn, việc điều chỉnh khá mạnh tới 9,3% sẽ có những tác động về mặt tâm lý cũng như vòng xoáy vàng, USD ở Việt Nam.
Trước những tác động trên, đòi hỏi: thứ nhất, thông điệp phải rõ ràng, nhất quán về ổn định kinh tế vĩ mô. Thứ hai, thực hiện kiên quyết việc thắt chặt tiền tệ cũng như chính sách tài khóa nhằm giảm thâm hụt ngân sách và tăng hiệu quả chi tiêu công. Thứ ba, có những phối hợp chính sách thật kịp thời, chặt chẽ trong điều kiện thế giới nhiều bất định, làm sao để kỳ vọng ổn định kinh tế vĩ mô dần trở lại, lạm phát phải kéo xuống. Ngoài ra, trung và dài hạn, cần dần đưa mức tăng cung tiền tệ hiện đang quá cao trên 20% xuống dần.
Liên quan đến TTCK, hiện rủi ro của kinh tế thế giới vẫn lớn, trong khi kinh tế vĩ mô của Việt Nam còn khá xấu ảnh hưởng nhiều đến kết quả hoạt động của DN niêm yết. Mặc dù vậy, những điều xấu nhất đã phản ánh trong biến động của thị trường thời gian trước, nên nếu không có cú sốc rất đặc biệt, thị trường rất khó có thể giảm mạnh. Dự báo, từ cuối quý III/2011 trở đi, TTCK sẽ khởi sắc hơn. Dòng vốn nước ngoài cũng sẽ vào mạnh khi NĐT nước ngoài tin vào khả năng ổn định cộng với tiềm năng trung dài hạn tốt của nền kinh tế Việt Nam.
Hồng Dung thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|