Kinh tế 2010 và những “đánh giá lại” đầu 2011
Để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 9 sẽ diễn ra vào tháng Ba tới, các bước thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội đã và đang được Ủy ban Kinh tế chủ trì thực hiện.
Và, vào ngày 15/2, bản báo cáo bổ sung tình hình kinh tế xã hội năm 2010 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thành trước đó một ngày đã được gửi đến Ủy ban, có kèm theo phụ lục chi tiết đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu trong năm.
Trong đó, bên cạnh số liệu ước thực hiện 2010 (được xem xét tại kỳ họp Quốc hội thứ tám) là con số “đánh giá lại” của năm qua.
Với các chỉ tiêu hoàn thành, cột “đánh giá lại” đã thể hiện con số khá ấn tượng. Đó chính là tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu lên đến 26,4% (ước hoàn thành là 19,1%), tăng 26,4% so với năm 2009 và gấp 4 lần chỉ tiêu đã được Quốc hội thông qua.
Bản báo cáo cũng đưa ra nhiều con số “tăng” và “vượt” khác. Như thu ngân sách nhà nước đạt 570.288 tỷ đồng, vượt 23,6% so với dự toán năm và tăng 8% so với báo cáo Quốc hội (42.188 tỷ đồng).
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 803,3 nghìn tỷ đồng, tăng 17,1% so với năm 2009 và bằng 41,9% GDP (kế hoạch là 39,5% GDP).
Hay, so với tháng 12/2009, chỉ số giá vàng tăng 30%, chỉ số giá USD tăng 9,68%. Tính chung cả năm 2010 con số tương ứng là 36,72% và 7,63%....
Tổng hợp lại, trong tổng số 21 chỉ tiêu được Quốc hội thông qua, có 4 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Gồm, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI); tỷ lệ dân số đô thị được sử dụng nước sạch; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom; tuyển mới đại học cao đẳng và tỷ lệ che phủ rừng.
Phần đánh giá chung, bản báo cáo chỉ dành 3/17 dòng để chỉ ra hạn chế, còn lại là những nhận định khá lạc quan. Như “tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh trong điều kiện kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp…đời sống người dân ngày càng được cải thiện”.
Mặc dù vậy, tại cuộc họp Thường trực Ủy ban Kinh tế mở rộng vừa được tổ chức, những đánh giá “yếu, “yếu kém”, thậm chí là “cực kỳ yếu” vẫn được dành cho thực lực của nền kinh tế. Và những con số tăng cao nhiều khi lại được nhắc đến chưa hẳn với ý nghĩa tích cực.
Dưới góc nhìn của Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Lê Quốc Dung thì nền kinh tế đang lún sâu vào “hư hỏng”, cần phải nhìn nhanh, chữa nhanh.
“Nếu tập hợp 21 chỉ tiêu chỉ có 4 chỉ tiêu không đạt thì có vẻ vui, nhưng chỉ cần chỉ số CPI tăng lên đã phá hủy một loạt vấn đề”, ông Dung nói.
Theo Phó chủ nhiệm Dung thì lạm phát liên tục tăng cao trong những năm qua khiến cho người dân đang “nín thở”. “Lạm phát đang phá hủy tài sản của dân, khiến khiến nhiều người dân phải ẩn vốn vào vàng, đất đai, chung cư… và tác động xấu lên nhiều chính sách, còn chúng ta cứ vui vẻ với nhau là chỉ có 4 chỉ tiêu không đạt thì không thể được”, ông Dung nhấn mạnh.
Cùng quan ngại về lạm phát ảnh hưởng đến đời sống cùa dân, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc tâm đắc với ví von trong một chương trình hài kịch về giá cả. Đó là hình ảnh cầm cục nước đá đi chợ, ra đến nơi thì nó tan hết, chỉ còn lại một tí.
Cũng không khó hiểu khi lạm phát đã trở nên nổi bật trước hàng loạt những con số cũng được cho là khá ấn tượng của năm qua như tăng trưởng kinh tế đến 6,78% hay tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu gấp 4 lần kế hoạch…
Bởi, ngay từ cuộc họp vào đầu tháng 10 năm ngoái, trước khi kỳ họp Quốc hội thứ tám diễn ra, khi lạm phát mới đang được dự báo khoảng 7 - 8% thì một số vị ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gay gắt rằng “như vậy tăng trưởng còn có ý nghĩa gì”.
Còn nay, con số tăng CPI chính thức đã tới gần 12%. Nhiều năm qua VND cứ mất giá trong khi các đồng tiền khác đều lên giá, TS. Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế đã tỏ ra hết sức sốt ruột khi nêu thực tế này. Bởi ông cho rằng, đó là do thực lực “yếu kém” của nền kinh tế.
Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cũng đưa ra nhận xét rằng có những giai đoạn năm 2010 "kém yên ả" hơn so với 2009. Kinh tế vĩ mô có những lúc bất ổn do có những vấn đề gốc của nền kinh tế chưa được giải quyết, nhưng vẫn có tình trạng “bộ này đổ lỗi cho bộ kia”.
Điểm gặp nhau của nhiều ý kiến chính là ý nghĩa của tăng trưởng ít nhiều đang bị lạm phát “đe dọa”. Trong khi nhiều “căn bệnh” chưa được chữa trị hiệu quả, như đầu tư dàn trải, hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) cao, bội chi lớn, nhập siêu triền miên… Còn bước đi để tái cấu trúc nền kinh tế, - vấn đề đã trở nên cấp thiết - dường như vẫn chưa mấy rõ ràng.
Cũng bởi vậy, không nhiều dự báo lạc quan được đưa ra với năm 2011. Cho dù có tới hơn 10 trang tại bản báo cáo được dành để nói về các giải pháp lớn với các nội dung cụ thể cần triển khai trong năm 2011 của Chính phủ. Trong đó, được đặt lên hàng đầu là kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định thị trường, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và thận trọng, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường...
Ngay tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhận định, năm 2011 chắc chắn nền kinh tế còn rất nhiều khó khăn và khó khăn còn nhiều hơn năm trước và lớn nhất là áp lực tăng giá của những mặt hàng cốt lõi.
“Chưa khi nào chúng ta đứng trước áp lực lớn như vậy”, ông Dũng nói.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, kiểm soát được lạm phát như yêu cầu của Quốc hội trong năm 2011 là hết sức khó khăn. Vì vậy, cần có giải pháp hữu hiệu để giảm tổng cầu, đồng thời đẩy nhanh tái cấu trúc nền kinh tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư.
Minh Thúy
TBKTVN
|