Chống tăng giá, cách nào?
Tỉ giá đã được điều chỉnh và giá điện, giá xăng dầu trong xu hướng sẽ tăng, điều này chắc chắn sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân. Làm cách nào để kiềm chế lạm phát và giảm thiểu tác động xấu đến nền kinh tế? Tuổi Trẻ xin giới thiệu ý kiến các chuyên gia xung quanh vấn đề này.
TS Trần Du Lịch (đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia): Chấp nhận mặt bằng giá mới để ổn định kinh tế
Tình hình lạm phát của năm 2011 phức tạp hơn 2010 vì lạm phát năm 2010 chủ yếu tăng do tổng cầu của nền kinh tế, trong đó liên quan đến chi công, khối lượng tiền tệ và một phần do tác động chồng từ chính sách kích cầu năm 2009. Bên cạnh đó, giá lương thực, thực phẩm tăng chung với thế giới. Còn năm 2011 lạm phát chủ yếu do tăng chi phí của nền kinh tế. Tất cả các yếu tố đầu vào đều tăng, nếu như chúng ta đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế tăng 7-8% thì những chính sách tài khóa tiền tệ rất khó sử dụng vì tình cảnh hiện nay lãi suất cao dẫn đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng cao. Trong quý 1-2011, nếu không kéo được chỉ số giá tiêu dùng giảm 1%/tháng thì chúng ta không thể nghĩ đến việc kéo giảm lãi suất.
Việc tăng giá các mặt hàng quan trọng đối với nền kinh tế như giá xăng dầu, than và giá điện là không thể tránh khỏi. Vì vậy để giảm thiểu tác động xấu, chúng ta cần điều chỉnh tăng đồng thời chứ không làm lắt nhắt, tránh các hiệu ứng ăn theo, biến động giá. Theo tôi, không nên tiếp tục bao cấp, tất cả các vấn đề liên quan đến mặt bằng giá cần được giải quyết trong quý 1-2011.
Thị trường có thể bị xáo trộn một thời điểm nhưng chúng ta cần chấp nhận một mặt bằng giá mới có thể bắt đầu từ quý 2-2011 để thiết lập sự ổn định nền kinh tế trên mặt bằng mới đó. Khi đó, chỉ số giá sẽ được tính từ mặt bằng mới hình thành và là cơ sở để Nhà nước điều hành giảm lãi suất. Và để ổn định vĩ mô, Chính phủ cần tập trung tạo cho thị trường niềm tin trong những tháng còn lại của năm 2011.
Ông Hoàng Thọ Xuân (nguyên vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương): Kiểm soát hiện tượng “té nước theo mưa”
Tình hình giá cả mới trong bối cảnh tỉ giá thay đổi và giá điện, xăng dầu theo xu hướng phải tăng hiện nay, theo tôi, đúng là bài toán phải tìm lời giải để chống tăng giá theo phong trào. Có nên thực hiện tiếp việc hỗ trợ doanh nghiệp vốn với lãi suất bằng 0 để họ bình ổn giá không, theo tôi là không nên. Bởi hình thức này chỉ phù hợp trong bối cảnh nước rút, mang tính thời điểm, chứ thực hiện quanh năm thì phải xem lại. Bản thân chương trình này cũng nên sơ kết, đánh giá lại. Tất nhiên nó có tác dụng nhưng tác dụng đến đâu, những mặt trái, mặt chưa tốt nào đã xuất hiện cần được nhận biết để hạn chế.
Vậy giải pháp nào để chống tăng giá trong dịp đầu năm này? Trước mắt, theo tôi, khi một số mặt hàng buộc phải điều tiết để có giá mới không thể dừng lại thì phải tập trung hạn chế các yếu tố tác động theo kiểu “té nước theo mưa”. Phải có cơ chế kiểm soát, xử lý hiện tượng này. Bây giờ chúng ta đã làm nhưng phải nói thật là toàn hô hào, kiểm tra là chính, thực tế chưa xử lý được. Vấn đề không phải là biện pháp kỹ thuật nữa, mà là tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả. Giá nguyên liệu tăng đẩy chi phí tăng là đương nhiên. Nhưng cái không liên quan mà vẫn đẩy giá thì phải can thiệp một cách có tổ chức.
Ông Trịnh Huy Quách (phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội): Nâng hiệu quả đầu tư công
Lạm phát năm 2010 đã ở mức khá cao, tình hình năm 2011 theo tôi, nhiệm vụ quan trọng nhất phải xác định vẫn là làm sao ổn định được kinh tế vĩ mô, trong đó nổi bật là kéo lạm phát xuống. Đây cũng là nguyện vọng của người dân. Giải pháp kéo lạm phát cũng như bình ổn vĩ mô, theo tôi, điều các đại biểu Quốc hội đã nói nhiều, có thể thực hiện ngay và rất cần phải thực hiện là giảm bội chi, chi tiêu công.
VN là nước đang phát triển, nhu cầu đầu tư rất lớn. Tuy nhiên, trong những tình huống lạm phát cao như thế này, ta cần cân nhắc đến mức độ một cách thật nghiêm túc. Trong chi tiêu, đầu tư công, cái bị kêu nhiều và có ảnh hưởng quan trọng đến lạm phát là hiệu quả đầu tư công. Vì vậy, một trong những giải pháp trước mắt và lâu dài, theo tôi, phải đặc biệt quan tâm nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư của Nhà nước.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân (thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia): Chống tình trạng “đôla hóa”
Ngân hàng Nhà nước vừa điều chỉnh tỉ giá cuối tuần qua nhưng thực chất doanh nghiệp, người dân đã quan hệ mua bán với giá USD trên 21.000 đồng/USD từ lâu. Do vậy chỉ những mặt hàng thiết yếu được mua USD theo tỉ giá chính thức mới bị ảnh hưởng của đợt điều chỉnh tỉ giá này. Những mặt hàng này dù chiếm một tỉ trọng nhỏ trong rổ CPI nhưng tác động đến lạm phát kỳ vọng và lạm phát tâm lý rất lớn. Do vậy để tránh tình trạng “té nước theo mưa”, cơ quan quản lý phải kiểm tra, giám sát, đồng thời tuyên bố rõ ràng về lộ trình điều chỉnh tỉ giá nhằm xóa tâm lý kỳ vọng tỉ giá còn tăng.
Trong năm 2011 Chính phủ cần phải lập lại trật tự trong hoạt động của thị trường tài chính tiền tệ, cơ quan quản lý nhà nước cũng phải giám sát chấp hành pháp luật trong các tổ chức tài chính, ngân hàng, đặc biệt việc mua bán ngoại tệ vượt giá trần, kỷ luật nặng với lãnh đạo những ngân hàng vi phạm. Ngân hàng Nhà nước cũng nên nghiên cứu giảm dần lãi suất theo hướng bơm vốn cho các ngân hàng thương mại với giá mềm, khoảng 13%/năm để kéo lãi suất cho vay xuống 16%/năm với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trước mắt chưa nên giảm ngay lãi suất huy động vì ảnh hưởng đến huy động vốn VND... Tôi được biết Chính phủ đang có đề án về quản lý ngoại hối, trong đó sẽ có giải pháp mạnh nhằm tập trung ngoại tệ, chống tình trạng đôla hóa.
* Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong (Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội): Cần những chính sách an sinh xã hội
Tỉ giá vừa tăng và tới đây là giá điện tăng, nhiều mặt hàng thiết yếu khác cũng có khả năng tăng giá. Sự tăng giá này tất nhiên sẽ tác động đến đời sống nhưng mức độ, ảnh hưởng của từng nhóm sẽ khác nhau. Tỉ giá tăng ảnh hưởng trước mắt đến xuất nhập khẩu, hoạt động thanh toán đối ngoại. Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhất là giá cả các hàng hóa thiết yếu như điện, xăng, than... vì đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Theo tôi, để giảm bớt tác động của giá cả đến đời sống, Chính phủ cần có những chính sách an sinh xã hội, có những chương trình bình ổn giá lương thực thực phẩm...Chính phủ cũng nên nghiên cứu kỹ lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu nhằm tránh cú sốc về giá cả. Nhiều doanh nghiệp không thể cứ kêu lỗ đòi tăng giá mà phải có giải trình minh bạch dựa trên số liệu công khai, có kiểm toán.
* Bà Phạm Chi Lan (chuyên gia kinh tế): Thêm những giải pháp đồng bộ để ổn định vĩ mô
Để đời sống người dân đỡ vất vả hơn, theo tôi, nên quản lý chặt việc tăng giá của những doanh nghiệp thuộc các ngành Nhà nước quản lý như điện, than, xăng dầu... vì đây là những mặt hàng mà người tiêu dùng không có quyền chọn lựa cũng như mặc cả. Giá điện tới đây sẽ tăng 18% nhưng vẫn có dư luận cho rằng mức tăng chưa đủ bù lỗ, phải tăng nữa. Như vậy sẽ rất nguy hiểm vì mối đe dọa có những đợt tăng giá tiếp tục vẫn còn đó.
Đi liền với điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu, cơ quan quản lý cũng phải có tuyên bố rõ ràng tránh kỳ vọng tâm lý, kiểm soát chặt tăng giá đồng thời có những giải pháp đồng bộ khác để ổn định vĩ mô. Cơ quan quản lý cũng cần nghiên cứu đầy đủ, công bố rõ những tác động của các đợt điều chỉnh giá đến người dân.
Ông Nguyễn Anh Tuấn (cục phó Cục Quản lý giá Bộ Tài chính): Tăng kiểm tra đăng ký giá
Một trong những biện pháp quan trọng sắp tới mà phía Cục Quản lý giá sẽ vẫn tập trung làm để bình ổn giá cả là tăng cường kiểm tra việc đăng ký, kê khai giá. Theo tôi, đây vẫn là một trong những giải pháp quan trọng. Doanh nghiệp có quyền tự chủ trong kinh doanh. Cơ bản, các doanh nghiệp thời gian qua trong diện đăng ký, kê khai giá đã thực hiện nghiêm. Chúng tôi sẽ tăng cường kiểm tra. Ngoài ra, doanh nghiệp nào có phương án tăng giá không hợp lý, Cục Quản lý giá sẽ kiên quyết đề nghị đăng ký lại, đề nghị không tăng giá để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế tăng giá năm 2011.
C.V.Kình - A.Hồng - N.Bình ghi
Tuổi Trẻ
|