Sớm có giải pháp tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế
Ngày 15/2, dưới sự điều khiển của Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, Ủy ban Kinh tế tổ chức họp thường trực mở rộng.
Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao những nỗ lực của các Bộ, ngành và địa phương trong thời gian qua, đặc biệt là việc ổn định thị trường trong dịp Tết Nguyên đán. Chính phủ đã chủ động thực hiện sớm và khá nhanh các nhiệm vụ được Quốc hội đưa ra.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu nhấn mạnh, việc tăng tỷ giá USD/VNĐ và điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu trong năm 2011 sẽ tạo áp lực rất lớn lên kiềm chế lạm phát ở mức 7% - là chỉ tiêu do Quốc hội đưa ra. Do vậy, điều chỉnh giá cần thực hiện theo lộ trình để bảo đảm ổn định xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhận xét tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh; tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn so với năm 2009 và vượt kế hoạch đề ra.
Chính phủ xác định trong năm 2011 sẽ tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Triển khai quy hoạch, tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ. Bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng năm 2011 có áp lực tăng giá của một số sản phẩm cốt lõi. Giải quyết như thế nào cần được bàn kỹ lưỡng nhằm vừa đạt mục tiêu kinh tế, xã hội, sự can thiệp của Nhà nước như thế nào để không bùng nổ quá nhiều hệ lụy...
Đại biểu kiến nghị cần nghiên cứu để có cơ cấu hợp lý giữa đầu tư tập trung và dàn trải và nêu quan điểm giải quyết vấn đề này không thể chỉ bằng lý thuyết kinh tế mà cần để người dân thoải mái, điều này đòi hỏi phải chấn chính cơ cấu. Cơ cấu điều chỉnh làm sao để tăng vốn và tạo sức ảnh hưởng rộng lớn hơn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Viết Ngoạn đánh giá năm 2011, thách thức lớn nhất là tỷ giá và lạm phát. Đại biểu phân tích sức ép tỷ giá có từ năm 2010. Lạm phát do tổng cầu lớn so với khả năng thực tế. Việt Nam có điều kiện thuận lợi, nhưng năng lực thực hiện hạn chế nên không thể phát triển cao được. Theo kinh nghiệm nước nào kéo dài thâm hụt cán cân vãng lai thì sẽ mất cân đối vĩ mô.
Hơn nữa, cơ cấu lao động, hạ tầng cơ sở, năng lực quản lý đầu tư (quy hoạch, phân cấp, năng lực quản lý) còn hạn chế. Nếu tiếp tục tăng trưởng bằng vốn thì sẽ lạm phát, cán cân thâm hụt vãng lai lớn đè nặng lên vai của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy năm 2011 cần hài hòa giải quyết những vấn đề trước mắt và giai đoạn 5 năm tới.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đánh giá các ý kiến của các đại biểu đã nêu lên những vấn đề cơ bản và bức xúc hiện nay. Kinh tế-xã hội của năm 2010 đã được đánh giá kỹ, toàn diện và sâu về nhiều lĩnh vực, khía cạnh trong báo cáo trình trước Quốc hội.
Đặc điểm chung của năm 2010 là dù bối cảnh khó khăn nhưng vẫn đạt được những mục tiêu đặt ra. Chỉ đạo, điều hành, phản ứng chính sách trước biến động của kinh tế thế giới, trong nước đồng bộ, phù hợp và đã mang lại hiệu quả. Ngoài ra, những giải pháp, chính sách cụ thể để bảo đảm an sinh xã hội được thực hiện tốt.
Bên cạnh đó, những mặt hạn chế của kinh tế 2010 cần chú ý: còn nhiều tiềm ẩn gây bất ổn kinh tế vĩ mô (nhập siêu còn cao trong nhiều năm, bội chi Ngân sách Nhà nước lớn, nợ còn cao); quản lý thị trường giá cả, điều hòa lưu thông chưa tốt; một số vấn đề bức xúc của xã hội chưa được giải quyết. ...
Về triển khai nhiệm vụ năm 2011, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nêu rõ Chính phủ đã chủ động thực hiện sớm và khá nhanh so với các năm trước. Đặc biệt là triển khai cho nhân dân đón Tết vui tươi, an toàn.
Các ý kiến đều cho rằng năm 2011 sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ hoặc thực hiện các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị cần cương quyết thực hiện thị trường hàng hóa một số mặt hàng thiết yếu; cần có bước đi để bảo đảm ổn định xã hội, ổn định kinh tế.
Ông Hà Văn Hiền cho rằng phải kiềm chế tổng cầu của nền kinh tế; đặc biệt là kiểm soát các luồng vốn đầu tư, để đầu tư hiệu quả hơn. Trong nội dung đổi mới cơ cấu nền kinh tế, Báo cáo của Chính phủ cần đề cập thỏa đáng, cụ thể những giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2011.
Ủy ban Kinh tế đã đặt yêu cầu cơ cấu lại vốn đầu tư quan trọng nhất. Bởi cơ cấu lại vốn sẽ mang lại hiệu quả, tạo hiệu ứng tích cực đến lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Muốn cơ cấu vốn đầu tư thì phải đầu tư về quy hoạch, năng lực thực hiện quy hoạch.
Đây là một điểm nút quan trọng, chi phối đến thực hiện các mục tiêu khác. Chính phủ cần sớm có giải pháp tổng thể trong tái cơ cấu nền kinh tế - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh.
Theo Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế-xã hội năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội trong năm 2010 phát triển theo chiều hướng tích cực, nền kinh tế phục hồi khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng GDP cao hơn đáng kể so với năm 2009 và vượt kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp phục hồi và đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Thu ngân sách đạt khá và vượt kế hoạch đề ra, bảo đảm các nhu cầu chi; đầu tư phát triển được đẩy mạnh, huy động và giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt khá. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện; quốc phòng, anh ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.
Quỳnh Hoa
VIETNAM+
|