Kiên định giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô
Ngày 11-2, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tăng 9,3% từ 18.932 VND/USD lên mức 20.693 VND/USD. Ngân hàng Nhà nước cũng thu hẹp biên độ giao dịch từ ± 3% xuống ± 1%.
Trước đó, ngày 9-1, Chính phủ đã có Nghị quyết số 02/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước điều hành thị trường ngoại hối và tỷ giá chủ động, linh hoạt, phù hợp với tình hình cung – cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và góp phần tăng dự trữ ngoại hối.
Ông Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng là nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, tạo điều kiện để điều hành tỷ giá chủ động, phù hợp với tình hình cung cầu ngoại tệ, bảo đảm tăng tính thanh khoản của thị trường, góp phần kiềm chế nhập siêu và hỗ trợ cho việc thực thi chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt hơn.
Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá USD với tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay khiến nhiều người vừa mừng vừa lo. Mừng vì việc này sẽ đưa tỷ giá sát với thực tế, mang lại những hy vọng về ổn định cho ngoại hối và lợi thế cho xuất khẩu. Lo vì nó cũng kéo theo thách thức lạm phát, nhập siêu, nợ quốc gia và khó khăn cho thị trường tiền tệ. Đây là mặt trái của quyết định không thể không tính đến.
Ngay sau khi quyết định ban hành, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng, với điều chỉnh này thì quyết định giữ giá hiện nay của Bộ Tài chính cũng khó mà tồn tại lâu vì không có một nguồn quỹ đủ bù đắp thua lỗ của xăng dầu. Giá gas mới được điều chỉnh giảm nhẹ trong tuần qua cũng ngay lập tức được tăng lên. Giá vàng trong nước có chiều hướng đi lên dù giá vàng thế giới trồi sụt... Những động thái này gây lo ngại về con số lạm phát: tháng 1-2011, lạm phát tăng 1,74%; tháng 2 chưa công bố nhưng Bộ Tài chính trước đó đã dự đoán khoảng 1,8% - 2% vì là tháng tết. Với việc tăng tỷ giá, lãi suất VND chưa có điều kiện giảm, nên hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ có nhiều khó khăn. Điều đó càng đòi Chính phủ phải đặt mục tiêu ổn định vĩ mô lên trên hết, cũng như cần một sự điều hành thông minh để hy vọng giữ được mục tiêu lạm phát cả năm 7% như đã đề ra.
Trên thực tế thì ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Mão tiếp tục chỉ đạo thực hiện toàn diện các giải pháp, nhiệm vụ đã đề ra. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu ưu tiên tập trung chỉ đạo ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp (dầu khí, than, điện, dệt may, xăng dầu…) tập trung đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành, đồng thời đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu, đi đôi với việc tăng cường kiểm soát nhập siêu ngay từ đầu năm, phấn đấu để tỷ lệ nhập siêu năm 2011 ở mức dưới 18%.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính ngoài việc đôn đốc các cơ quan, địa phương đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án đầu tư bằng ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, phải nghiên cứu đề xuất với Thủ tướng rà soát, cắt giảm những dự án, công trình chưa thật sự cấp bách hoặc chưa có khả năng tiếp tục bố trí vốn trong các năm tới để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đề ra.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao bám sát diễn biến thị trường tiền tệ trong và ngoài nước, chủ động thực hiện các giải pháp điều hành từng bước giảm lãi suất tín dụng ở mức hợp lý; đồng thời nghiên cứu, sớm báo cáo Thủ tướng về điều hành chính sách tiền tệ cho phù hợp với tình hình và mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô năm 2011. Không thể không triển khai thực hiện lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng: điện, than, xăng dầu theo cơ chế thị trường, nhưng Chính phủ cam kết sẽ đồng thời thực hiện chính sách hỗ trợ đối với các đối tượng nghèo, khó khăn...
Rõ ràng, những động thái này cho thấy, hơn bao giờ hết mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô được đặt ra một cách cấp bách. Các chuyên gia kinh tế cũng đã nhận định, nếu không ổn định được vĩ mô, sẽ khó đạt được sự tăng trưởng đúng nghĩa.
Phan Thảo
SÀI GÒN GIẢI PHÓNG
|