Gia hạn văn bản quy phạm pháp luật: Mất tính uy nghiêm
Thời gian qua, do việc dự liệu của các ngành kém nên nhiều văn bản quy phạm pháp luật ra đời có ấn định rõ thời gian có hiệu lực thực hiện lại liên tục bị… gia hạn. Việc gia hạn tưởng chừng đáp ứng yêu cầu thực tế, thể hiện sự chăm lo cho người dân và doanh nghiệp, nhưng thật ra nó làm mất đi tính uy nghiêm của pháp luật.
Còn nhớ trước đây, quy định dán tem quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (CR) đối với 6 mặt hàng điện, điện tử (dụng cụ điện đun nước nóng tức thời, dụng cụ điện đun nóng và chứa nước nóng, máy sấy tóc và các dụng cụ làm tóc khác, ấm đun nước điện, nồi cơm điện và quạt điện, đồ chơi trẻ em…) được ấn định thời gian có hiệu lực từ tháng 9-2009 nhưng do việc dự liệu không chính xác, các doanh nghiệp không đủ thời gian chuẩn bị nên thời gian có hiệu lực của văn bản lại được gia hạn đến 1-6-2010. Tưởng việc gia hạn này đã cho thấy tầm nhìn hạn chế của cơ quan ban hành văn bản pháp luật, nào ngờ, đến hạn đã gia nhưng các doanh nghiệp vẫn… chưa chuẩn bị kịp nên quy định được tiếp tục gia hạn đến 15-9-2010, tức quy định được ra đời qua nhiều lần gia hạn với tổng thời gian gia hạn đến gần 1 năm mới chính thức có hiệu lực.
Gần đây, quy định giao quyền tự in (đặt in) hóa đơn cho doanh nghiệp theo Nghị định 51/CP có hiệu lực từ 1-1-2011 cũng thế. Mặc dù nghị định ra đời và ấn định thời gian có hiệu lực sau gần 1 năm, nhưng cuối cùng đến thời điểm Nghị định có hiệu lực thì “bài cũ” không chuẩn bị kịp xuất hiện, khiến bộ ngành lại gia hạn thời điểm có hiệu lực của văn bản cấp trên. Để rồi, nghị định của chính phủ lại bị cấp dưới gia hạn thêm 3 tháng với những lý do hết sức ngớ ngẩn là nhà in quá tải, không in kịp hóa đơn cho doanh nghiệp đúng theo quy định. Điều này các ngành chức năng có thể dự đoán và khuyến cáo từ trước nhưng lại không làm, đợi nước đến chân mới nhảy rồi bảo không kịp.
Nhưng trên thực tế việc gia hạn chỉ là trì hoãn chứ không giải quyết được vấn đề. Nhớ trước đây, luật quy định doanh nghiệp nộp báo cáo thuế không trễ quá 10 ngày kể từ khi kết thúc tháng. Nhưng rồi, cứ đến ngày cuối cùng vẫn không giải quyết hết, vẫn đông nghẹt người. Cơ quan chức năng giải quyết vấn đề bằng cách kéo dài thời gian nộp báo cáo thuế từ 10 ngày lên 20 ngày. Thế nhưng, nghẽn vẫn hoàn nghẽn, do tâm lý của người dân và doanh nghiệp là cứ đợi đến ngày cuối cùng của thời hạn mới thực hiện, do vậy lượng hồ sơ cứ dồn vào ngày cuối không thể xử lý xuể. Lại quá tải!
Để đảm bảo tính uy nghiêm của pháp luật, đến lúc phải ban hành các văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung quy định đảm bảo thực hiện luật đúng hạn, thậm chí cần có quy định xử lý đơn vị tham mưu dự báo sai dẫn đến phải gia hạn các văn bản quy phạm pháp luật. Và khi luật có hiệu lực, cũng cần có quy định giao quyền quản lý, xử lý vi phạm cho ngành nào cụ thể, để khi công tác “hậu kiểm”, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm không triệt để, để vi phạm tràn lan thì xử lý đơn vị có chức năng nhưng không hoàn thành nhiệm vụ.
Cần phải chấm dứt tình trạng “cha chung không ai khóc”, chế tài xử lý vi phạm đã có nhưng vi phạm cứ ngang nhiên, không cơ quan nào xử lý, không cơ quan nào chịu trách nhiệm trước Chính phủ và nhân dân.
Chế Hân
Sài Gòn giải phóng
|