Giám đốc ADB: Việt Nam cần tạo đà cho bước nhảy tiếp theo
Trong cuộc trao đổi với ĐTCK nhân dịp đầu Xuân Tân Mão, ông Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù năm qua Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng rất đáng khích lệ, nhưng sự thận trọng là rất cần thiết và Chính phủ cần đưa ra những dự định chính sách rõ ràng, kiên quyết.
Hơn 4 năm ở Việt Nam, ông thích những câu châm ngôn nào vào dịp đầu Xuân?
Tôi có thể kể ra đây rất nhiều câu nói hay châm ngôn vào dịp đầu năm như “Thời gian là tiền bạc” - một nguyên tắc mà mỗi người không được phép quên.
Cũng cần nhớ rằng, “Chúng ta không thể nhảy khi đôi chân đã duỗi”. Để nhảy được, điều đầu tiên cần làm là phải khom gối tạo đà và có thể đây là điều nền kinh tế Việt Nam cần làm lúc này để tiến hành bước nhảy tiếp theo.
“Kẻ nào săn cùng một lúc hai con thỏ ắt sẽ trở về tay không” là một mối nguy hiểm nếu Việt Nam muốn cùng lúc đạt được cả mục tiêu tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định vĩ mô. Nhưng có lẽ câu mà tôi thích nhất sau gần 5 năm làm việc ở Việt Nam là câu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”. Tôi tin tưởng rằng, cuối cùng phát triển kinh tế - xã hội nhanh cũng là cho dân, của dân và vì dân.
Trách nhiệm mà ADB giao cho ông khi tới Việt Nam là gì?
Trách nhiệm chính của tôi là giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đó cũng chính là mục đích mà ADB theo đuổi để trở thành một đối tác phát triển tin cậy của Chính phủ và nhân dân Việt Nam.
Tôi được phân công làm đại diện ADB tại Việt Nam nhưng thực chất, điều tôi muốn là làm sao đại diện cho Việt Nam ở ADB, từ đó Việt Nam có thể được hưởng lợi nhiều nhất từ những hỗ trợ từ phía ADB.
Mặc dù đã hoàn thành được khoảng 70% những gì mà ADB muốn thực hiện tại Việt Nam, nhưng tôi vẫn cảm thấy có thể làm được nhiều hơn nữa. Đặc biệt, tôi muốn được làm việc gần gũi hơn với các tỉnh, doanh nghiệp, cộng đồng và những người dân thường Việt Nam.
Sức ép công việc của ông tại Việt Nam có lớn hơn so với khi làm việc ở nước khác?
Tôi không thực sự nghĩ như vậy, nhưng quả thật là có quá nhiều thứ tôi có thể làm, tôi nên làm và tôi muốn làm. Tuy nhiên, rất khó để đạt được mọi thứ trong một ngày hay trong một tuần và điều đó tạo ra các áp lực.
Một điều cũng thực tế là đâu đó có nhiều thứ bực dọc, nhưng sau đó, tôi biết rằng đó là bởi các tiềm năng là quá lớn và có nhiều thứ có thể làm và nên làm cho tương lai của đất nước này nên các lực cản trong tiến trình ấy khiến ta cảm thấy áp lực. Vì thế tôi cố gắng coi các thách thức ấy như là những điều tích cực.
Với vị trí vừa là người đứng trong, vừa là người đứng ngoài trong sự phát triển của Việt Nam, ông có thể chia sẻ quan điểm về sự phát triển này ở cả hai vị trí?
Tôi đến Việt Nam năm 2006 và vào thời kỳ đó tại Hà Nội, tôi không thấy có nhiều máy ATM trên đường phố, hay không có nhiều cửa hàng, cửa hiệu, chi nhánh ngân hàng, thậm chí cũng không có nhiều xe cộ trên đường phố nữa. Nhưng trong 5 năm qua, tôi thấy đã có rất nhiều thứ thay đổi.
Mặc dù cuộc sống đã khá hơn trước, nhưng tôi rất mong muốn người Việt Nam giữ được truyền thống của mình là quan tâm đến hàng xóm, trong đó có những người nghèo. Đồng thời, tôi cũng e ngại những thay đổi môi trường bên ngoài có lẽ chưa được người Việt Nam hiểu và nhận thức đầy đủ.
Việc trở thành nước thu nhập trung bình và quá trình toàn cầu hóa đang rất nhanh đã làm thay đổi bối cảnh các chính sách kinh tế - xã hội Việt Nam và các bạn không thể tiếp tục cứ “đều đều” như trước nữa.
Tôi hy vọng, mọi người sẽ nhận ra việc chuyển đổi từ một nước thu nhập thấp sang một nước thu nhập trung bình không đơn thuần chỉ là sự thay đổi về lượng, mà còn hàm ý cả sự thay đổi về chất trong rất nhiều chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Nhận định của ông về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2011?
Với tôi, đó là sự “lạc quan trong thận trọng”. Nhìn chung, kinh tế Việt Nam đã vận hành rất tốt trong năm 2010 với tỷ lệ tăng trưởng 6,78%, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn rất mong manh. Tôi cũng đánh giá rất cao những cải thiện trong thương mại, hay sự gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối từ quý II/2010.
Khung điều tiết cho khu vực tài chính đã được cải thiện đáng kể với việc ra đời Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi và Luật Các tổ chức tín dụng, cùng với hàng loạt thông tư hướng dẫn... Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nhận thấy những nguy cơ từ vấn đề lạm phát, tình trạng “đô la hóa” trong nền kinh tế. Khi người dân có xu hướng chuyển đổi tài sản từ tiền đồng sang vàng hoặc USD sẽ tạo ra sức ép phá giá lên tiền đồng. Do đó, Chính phủ cần đưa ra những dự định chính sách rõ ràng, đồng thời kiên quyết theo đuổi chính phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.
Nhân dịp đầu năm, ông muốn gửi lời nhắn nhủ gì?
Nhân dịp năm mới Tân Mão, tôi muốn gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến Chính phủ và người dân Việt Nam, chúc tất cả sức khỏe, an khang và hạnh phúc. Cũng nhân dịp năm mới, tôi hy vọng đây là cơ hội để tất cả mọi người nhắc nhở về điều gì là quan trọng nhất cho nhân dân và đất nước này.
Hồng Dung thực hiện
Đầu tư chứng khoán
|