Kinh tế quý I khởi đầu suôn sẻ
Kinh tế Việt Nam đã có một tháng khởi đầu suôn sẻ. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ở tất cả các lĩnh vực, đều có sự tăng trưởng, thậm chí là tăng trưởng cao so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 22,1%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 18,1%; tổng kim ngạch nhập khẩu tăng 15,5% và khách quốc tế đến Việt Nam tăng 8,9%.
Đánh giá về các chỉ số này, các chuyên gia kinh tế đều đồng thuận quan điểm về xu hướng tiếp tục hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, mà sản xuất công nghiệp là những biểu hiện rõ nét nhất.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 1/2011 ước đạt trên 73,3 nghìn tỷ đồng, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2010. Đây là mức tăng trưởng rất đáng kể, cao hơn mức phấn đấu mà Bộ Công thương đề ra (14,8%) và đã tương đương mức tăng trưởng trước khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Đáng chú ý, các sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp, như điện, khí hóa lỏng, than, kính thủy tinh, xi măng..., đều có mức tăng trưởng đạt và cao hơn mức kế hoạch chung của toàn ngành.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt, lại được hỗ trợ bởi tăng trưởng xuất khẩu và tăng tiêu dùng nội địa khá cao cho thấy tăng trưởng sản xuất đã có yếu tố bền vững. Nhiều quan điểm cho rằng, trong thời gian tới, với lợi thế về thị trường và công nghệ, ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao.
Cũng ngay từ những ngày đầu năm, các doanh nghiệp đã “ra quân” đầy khí thế. Nhiều đơn hàng xuất khẩu tiếp tục được ký kết. Thậm chí, ngay cả với thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), mặc dù kết quả trong tháng 1 không được như kỳ vọng (182,3 triệu USD vốn đăng ký mới, 420 triệu USD vốn giải ngân), song nhiều dự báo cũng cho thấy, các kết quả khả quan đang nằm ở phía trước. Đây cũng là những cơ sở để các chuyên gia kinh tế dự báo rằng, kinh tế quý I năm nay tiếp tục đà tăng trưởng.
Khá lạc quan, trong một báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam có thể khai thác tốt thị trường, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường lớn và truyền thống như Mỹ, châu Âu... “Tăng trưởng của các nền kinh tế này đã có những tín hiệu lạc quan hơn. Việc niềm tin của các nhà đầu tư vào khu vực sử dụng đồng tiền chung tăng nhờ các nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng nợ công của khu vực này đã làm đồng euro tăng giá liên tục trong nhiều tuần qua và sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam”, một cán bộ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định và cho rằng, ngay cả việc lạm phát của Trung Quốc đang tăng cao cũng có thể tạo cơ hội cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Giá các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ trở nên đắt đỏ hơn và giảm tính cạnh tranh. Hơn nữa, sức cạnh tranh của hàng hóa nước này tại các thị trường lớn và truyền thống như Mỹ, EU... cũng sẽ giảm khi đồng nhân dân tệ nâng giá”, vị này phân tích và cho rằng, việc lương cơ bản ở Trung Quốc đang tăng mạnh cũng sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc chuyển hướng đầu tư sang các nước có nhiều ưu đãi hơn và có giá nhân công rẻ hơn, trong đó có Việt Nam. “Đây là cơ hội tốt để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, cũng như thu hút FDI vào Việt Nam”, vị này nhận định.
Ngoài ra, việc Việt Nam và Indonesia được nhiều tổ chức quốc tế xếp vào 6 nền kinh tế mới nổi (gồm Mexico, Australia, Việt Nam, Indonesia, Nigeria, Nam Phi - được gọi là MAVINS) cũng được cho là sẽ tăng thêm cơ hội cho Việt Nam thu hút FDI, phát huy các tiềm năng tăng trưởng kinh tế, có tiếng nói và vai trò lớn hơn trong các diễn đàn kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế.
Như vậy, xét trên mọi mặt, có thể thấy khá rõ những thuận lợi cơ bản của kinh tế Việt Nam trong năm 2011. Và những kết quả trong tháng đầu năm là cơ sở để khẳng định thêm cho nhận định này. Tuy vậy, cũng phải thấy rằng, khó khăn phía trước còn rất lớn. Và chỉ có sự nỗ lực mới có thể góp phần đưa nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng 7-7,5% như kế hoạch đề ra.
Nguyên Đức
đầu tư
|