Thứ Ba, 08/02/2011 09:35

Chuyện chưa kể về Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam

Năm 2010, lần đầu tiên, Việt Nam công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia, đồng thời cũng là quốc gia thứ hai ở Đông Nam Á sau Singapore công bố báo cáo này.

Ngoài hai điểm đặc biệt này, còn khá nhiều chuyện "hậu trường" thú vị trong quá trình nghiên cứu Báo cáo chưa được chia sẻ rộng rãi. Dịp đầu xuân, ĐTCK may mắn được TS. Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu "tiết lộ" những câu chuyện từ lúc "thai nghén" đến khi "sinh thành" Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 được "thai nghén" từ bao giờ, thưa ông?

Năm 2006, ông Phan Văn Khải, lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đi thăm Mỹ và có đến Trường Kinh doanh Harvard. Biết GS Michael Porter là chuyên gia nổi tiếng thế giới nghiên cứu về lý thuyết cạnh tranh, nên Thủ tướng đề nghị Giáo sư hỗ trợ Việt Nam xây dựng báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia.

Năm 2008, chúng ta mời GS Michael Porter sang Việt Nam và lúc đó ông có chia sẻ ý tưởng về nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho các nhà hoạch định chính sách. Ngay sau đó, trong buổi tiếp Giáo sư, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức đề nghị Giáo sư hỗ trợ Việt Nam xây dựng báo cáo năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều thú vị là đề nghị này của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh Viện Cạnh tranh của Trường Kinh doanh Harrard đang có tham vọng mở rộng tầm ảnh hưởng tại châu Á bằng kế hoạch thành lập Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á thuộc Trường chính sách công Lý Quang Diệu (Singapore), nên Giáo sư cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam.

Thấy thời cơ chín muồi, Chính phủ rốt ráo chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai ý tưởng này, nên lãnh đạo Bộ đã giao cho CIEM trực tiếp hợp tác với Học viện Năng lực cạnh tranh châu Á dưới sự chỉ đạo chuyên môn của GS Michael Porter, để nghiên cứu xây dựng Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010.

Có ý kiến e ngại việc công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam dễ "vạch áo cho người xem lưng". Quan điểm này có khiến nhóm nghiên cứu phải đối mặt với những "vùng cấm" trong quá trình nghiên cứu?

Nhóm nghiên cứu hoàn toàn độc lập, khách quan trong quá trình nghiên cứu và nhận được sự quan tâm sát sao của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, cũng như nhiều bộ, ngành, đặc biệt là Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… nên kết quả nghiên cứu thu được đã phản ánh chuẩn xác tình hình thực tế năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Mặt khác, để đạt được kết quả này, nhóm nghiên cứu đã tham vấn ý kiến từ nhiều phía: các bộ, ngành, các nhà tài trợ và đặc biệt là của Hội đồng cố vấn gồm 10 người là các chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước như: TS. Cao Sỹ Kiêm, TS. Lê Đăng Doanh, TS. Đinh Văn Ân, TS. Manuel Albaladejo, ông Trần Xuân Giá, ông Trương Đình Tuyển…

Thưa ông, Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 có gì đặc sắc so với nhiều nghiên cứu có chủ đề tương tự đã công bố?

Điểm khác biệt đầu tiên là sản phẩm này được hình thành từ đơn đặt hàng của Chính phủ, nên có tính bao quát tầm quốc gia. Thứ hai, Báo cáo cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các bên quan tâm những đánh giá dựa trên số liệu khách quan về năng lực cạnh tranh Việt Nam, sử dụng phương pháp luận của GS Michael Porter, "cha đẻ" lý thuyết trạnh canh hiện đại đã được kiểm chứng trên thế giới. Đặc biệt, Báo cáo đề xuất một bộ khuyến nghị chính sách dựa trên các luận cứ và số liệu khoa học, rõ ràng; kết nối những người ra quyết định trong các lĩnh vực và cơ quan khác nhau tham gia đối thoại chính sách, để nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Có điều gì nhóm nghiên cứu còn trăn trở khi đặt bút viết dòng cuối cùng của Báo cáo?

Tuy báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị rất cụ thể như Việt Nam nên triển khai các cụm ngành như thế nào trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế…, nhưng chưa chỉ ra được ai làm, khi nào làm, ngoại trừ kiến nghị thành lập Hội đồng năng lực cạnh tranh Quốc gia, một cơ quan cần mạnh về thực quyền, lẫn chuyên môn để đủ tầm điều phối các bộ, ngành, giám sát quá trình triển khai chính sách sao cho hiệu quả.

Nghiên cứu chỉ là nghiên cứu. Một kết quả nghiên cứu dù khoa học, công phu, có tính khả thi cao đến mấy, mà không được triển khai ứng dụng trên thực tế, thì kết quả nghiên cứu đó khó có thể nói là thành công. Bởi vậy, cá nhân tôi cũng như các thành viên trong nhóm nghiên cứu chỉ thực sự cảm thấy mình đóng góp được một chút gì đó cho nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, khi những kết quả nghiên cứu được "chuyển hoá" vào các chính sách điều hành kinh tế cụ thể trong thời gian tới, như yêu cầu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi công bố Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 11/2010.

Hữu Hòe thực hiện

Đầu tư chứng khoán

Các tin tức khác

>   Thể chế minh bạch, khả thi (08/02/2011)

>   Ổn định kinh tế cần khởi đầu bằng thông điệp rõ ràng (08/02/2011)

>   Phú Quốc: Kỷ lục thu hút đầu tư (08/02/2011)

>   Doanh nghiệp Nhật “nhắm” 2 dự án lớn ở VN (08/02/2011)

>   Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Nỗ lực phát triển kinh tế chiều sâu (07/02/2011)

>   Sao không mời Trung Quốc sản xuất tại Việt Nam? (07/02/2011)

>   Cục Quản lý giá dự báo CPI tháng 2 có thể tăng 1,8-2% (06/02/2011)

>   Bộ trưởng Tài chính: 2011 sẽ 'thả' giá theo thị trường (06/02/2011)

>   Thu hút FDI theo hướng chọn lọc (05/02/2011)

>   Đầu tư khai thác dầu khí: Bỏ “trứng” vào nhiều giỏ (05/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật