Tăng trưởng nhưng chưa thực sự phát triển
Bên cạnh những bận rộn, lo toan trong công việc hàng ngày, có những lúc, họ - các doanh nhân - cũng dừng lại, tịnh tâm, suy ngẫm về thời cuộc, về xã hội, về doanh nghiệp, khách hàng của mình. Đó chính là những lúc trải lòng - “phút nói thật” - của họ.
Năm mới, Giáo sư Phan Văn Trường đã chia sẻ góc nhìn riêng của một trí thức Việt kiều về những âu lo trước các vấn đề kinh tế, xã hội.
Kinh tế cần tăng trưởng để phát triển, đồng thời kinh doanh không chỉ để làm giàu cho cá nhân mà còn phải làm giàu cho xã hội. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- GS. Phan Văn Trường: Tôi có cảm tưởng chúng ta đang sống trong một thời kỳ tăng trưởng chứ chưa thực sự phát triển. Thậm chí, có một số cộng đồng còn suy thoái chứ không tiến lên. Khi nói vậy, tôi nghĩ đến nông thôn và nền kinh tế canh nông. Ngược lại, tăng trưởng đang đem lại sự giàu có cho một số nhóm lợi ích. Kết quả là ngày nay, bất cứ ai trong các nhóm lợi ích cũng có thể tiêu xài trong một phút những gì mà người thôn quê phải dành dụm hàng năm.
Điều này thực sự không hay. Tôi không nghĩ là mọi người phải nghèo như nhau, hay cùng giàu như nhau. Tôi rất muốn đất nước có thật nhiều người giàu. Nhưng sự cách biệt quá lớn sẽ gây ra những hiện tượng thiếu đoàn kết hoặc mất đoàn kết. Xã hội nào cũng phải là xã hội đoàn kết. Đoàn kết không có nghĩa phải chia đều, nhưng phải công bằng.
Từng đảm nhiệm nhiều vị trí tại những công ty lớn nhất thế giới trong suốt 40 năm qua, ông nhìn nhận thế nào về doanh nghiệp Việt Nam?
- Khi tôi hỏi doanh nghiệp phát triển rồi sẽ đi về đâu, không ít doanh nhân trả lời rằng công ty của họ tăng trưởng hàng năm là đủ hạnh phúc rồi! Rủi ro là một khái niệm khá chủ quan tại các công ty của Việt Nam; trong khi đó 99% công ty ở các nước phát triển đều chú trọng đến yếu tố đó một cách khoa học và khách quan. Phần lớn các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đều vin vào một nguồn quyền lực, cho rằng nhờ vậy cuộc sống doanh nghiệp sẽ được bảo đảm. Nhưng cũng vì vậy doanh nghiệp chỉ loay hoay chung quanh cái nguồn quyền lực đó mà không dang tay ra được.
Với một đất nước trù phú, dân thông minh chăm chỉ và khéo tay, phụ nữ vô cùng đảm đang tần tảo, tài nguyên phong phú… làm sao tìm ra lý do để giải thích sự chậm tiến?
Như vậy, đứng trước “cá sấu” quốc tế liệu họ có tay nghề để phản ứng đúng đắn?
- Xin nói thật nhé, cá sấu quốc tế đang đợi chúng ta yếu kém thêm tí nữa sẽ dàn trận khéo léo ra tay mua rẻ. Khi còn làm lãnh đạo một tập đoàn lớn của Pháp, tôi đã từng nuốt chửng nhiều công ty Tây Ban Nha, Bỉ, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan… nên tôi còn lạ gì nữa.
Vì vậy, theo tôi, chúng ta vẫn phải đưa Vinashin lên hàng đầu thế giới. Chỉ tiếc là tại Việt Nam không có nhân sự để lãnh đạo, dẫn dắt Vinashin trên con đường quốc tế hóa.
Tại sao phải đưa Vinashin lên hàng đầu thế giới, có phải vì lòng tự hào quốc gia?
- Không. Đó là chiến thuật công nghiệp, bao giờ cũng phải đưa công ty lên thứ nhất hay thứ nhì của thế giới, có thế chân mới đủ vững, có thế mới lấy được sự tin tưởng, tín nhiệm của khách hàng quốc tế, có thế mới không bị nuốt chửng, có thế mới chiếm lĩnh được thị trường. Nhưng muốn làm vậy chúng ta phải tìm được nhân sự hạng nhất thế giới (chứ không phải hạng nhất Việt Nam) kể từ chủ tịch đến kỹ sư nghiên cứu.
Chúng ta phải quản lý trong minh bạch, có tầm nhìn dài hạn cho công ty chứ không phải chỉ nhìn tăng trưởng mỗi năm là đủ vui. Chúng ta phải quản lý có mục tiêu, phải hết sức thận trọng và kỷ luật nhằm đạt mục tiêu, và mục tiêu phải có tầm nhìn dài hạn như: hai năm nữa sẽ đứng thứ 4, năm năm nữa sẽ đứng thứ 2 thế giới, cả về doanh số, lợi nhuận, lương bổng cho nhân viên, cả về minh bạch, quản lý rủi ro...
Làm việc ở nhiều quốc gia, tiếp xúc với nhiều nền kinh tế và văn hóa khác nhau, ông nghĩ gì về khoảng cách giữa các quốc gia ấy và Việt Nam?
- Tôi đi Singapore, bị hỏi tại sao Việt Nam của các ông giàu có thế mà vẫn xếp hạng thấp trên thế giới? Nước chúng tôi cách đây 60 năm còn là một làng thuyền chài, trong khi Việt Nam hồi đó đã hùng hậu.
Tôi đi Hàn Quốc được nghe: Vào những năm 1950, Việt Nam và Hàn Quốc ngang hàng, các ông còn giàu hơn chúng tôi về tài nguyên có đúng không?
Tôi gặp người Mã Lai, họ khiêm tốn nhìn nhận vào thời Thủ tướng Tengku Abdul Rahman, Mã Lai cứ mong sao sánh được với nước ta.
Làm sao giải nghĩa được những sự so sánh nói trên? Với một đất nước trù phú, dân thông minh chăm chỉ và khéo tay, phụ nữ vô cùng đảm đang tần tảo, tài nguyên phong phú… làm sao tìm ra lý do để giải thích sự chậm tiến?
Tôi đã trả lời họ, chúng tôi phải mất rất nhiều năm, tốn rất nhiều công sức và hy sinh trong chiến tranh để giành lại độc lập. Có vẻ như họ vẫn không hiểu thực sự tại sao, có lẽ tại tôi không đủ thuyết phục.
Quang Chung thực hiện
tbktsg
|