Chiến lược phát triển KT-XH Việt Nam và góc nhìn của đại diện Liên Hiệp Quốc
Không nên chỉ nghĩ xem mình làm được bao nhiêu tiền
Trưởng đại diện Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam John Hendra đưa ra góc nhìn cụ thể và rõ ràng về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội VN, đồng thời khuyến cáo Việt Nam không nên chạy theo những mục tiêu thành tích, mà nên căn cứ vào các chỉ số đo lường thực tế, cụ thể để tránh sự phát triển lệch lạc.
|
Ông John Hendra |
Người dân Việt Nam đang bước vào năm đầu tiên của quá trình thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2020. Với ông, ông hình dung thế nào về đời sống của một gia đình Việt Nam trung bình trong năm và 10 năm tới?
Theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2011-2015 (kế hoạch 5 năm) và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 (chiến lược 10 năm), tôi hi vọng trong năm và 10 năm tới một gia đình Việt Nam bình thường sẽ được hưởng dịch vụ y tế và giáo dục chất lượng tốt, dễ tiếp cận và bình đẳng, ít phải dùng tiền túi để tự chi trả như hiện nay.
Các bạn sẽ có nền kinh tế năng động, cho phép một gia đình trung bình có cơ hội nghề nghiệp chất lượng cao, tử tế, không chỉ thỏa mãn mục tiêu sự nghiệp mà tăng khả năng chủ động phát triển năng lực cá nhân. Môi trường làm việc giúp các bạn có những kỹ năng cần thiết nếu Việt Nam thoát khỏi sự phụ thuộc vào lao động rẻ và tài nguyên thiên nhiên.
Các gia đình sẽ sống mạnh khỏe hơn nhờ môi trường sống tốt hơn, an tâm về chất lượng không khí, nước và an toàn thực phẩm. Họ sẽ không còn phải bất bình về tham nhũng. Mọi người sẽ cảm thấy đồng tiền của mình thật sự được đầu tư vào những ưu tiên công quan trọng nhất và cho một nền kinh tế hiệu quả hơn.
Ông vừa mô tả một bức tranh đẹp. Nhưng Việt Nam chỉ có nguồn lực hạn chế và Chính phủ cần phải chọn ra các ưu tiên. Theo ông, cần cân bằng thế nào giữa ưu tiên phát triển kinh tế và ưu tiên chăm sóc sức khỏe, bảo trợ xã hội…?
Bức tranh tôi vừa nói không phải là hình ảnh chủ nghĩa xã hội không tưởng. Tôi không nói về chuyện Việt Nam nhảy từ thu nhập bình quân đầu người từ 1.100 USD lên 15.000 USD mà nói một cách thực tế sẽ vào khoảng 3.000 USD.
Có nhiều bằng chứng cho thấy khi các nước chỉ tập trung một chiều vào tăng trưởng kinh tế thì sẽ gặp phải các tác động tiêu cực từ môi trường, xã hội. Rõ ràng Việt Nam không có lợi gì khi lặp lại các sai lầm chính sách của những nước khác.
Để làm được điều đó, Việt Nam cần đặt ra các ưu tiên. Nói riêng về tăng trưởng kinh tế, thậm chí trong phạm vi kinh tế vĩ mô, cũng không nên tư duy một chiều chú trọng mỗi tăng trưởng mà cần xem xét cả ổn định kinh tế vĩ mô.
Mục tiêu lớn đến năm 2020 của Việt Nam là cơ bản trở thành một nước “công nghiệp hóa theo hướng hiện đại”. Ông hiểu điều này như thế nào?
Đây là câu hỏi rất quan trọng. Trong bài phát biểu ở phiên khai mạc Đại hội Đảng, Tổng bí thư đã đề cập điều này.
Tôi cho rằng Việt Nam cần tách khỏi những thuật ngữ về hiện đại hóa và hướng về cách đo lường những vấn đề then chốt để có chiến lược phát triển cân bằng, hiệu quả và thành công nhất. Giảm bớt các mục tiêu mang tính số lượng thần kỳ, chú ý các mục tiêu dẫn đến một xã hội tương lai chúng ta mong muốn. Hãy hỏi chính các gia đình Việt Nam xem họ mong muốn gì.
Cảnh những chiếc xe Rolls Royce’s hay Bentley trên đường và nhiều người đi từ chỗ chẳng có gì đến chỗ có mọi thứ. Theo ông, một xã hội nếu do đồng tiền dẫn dắt sẽ đi tới đâu?
Tôi nghĩ khi một nước đang phát triển và trở nên giàu có hơn, đó là điều bình thường. Những chiếc xe siêu sang đương nhiên là dấu hiệu của thu nhập gia tăng. Nhưng tôi tin chắc với nhiều người Việt Nam, nó cũng là dấu hiệu của bất bình đẳng.
Cải cách và phát triển sẽ chỉ thành công nếu người dân cảm thấy mình là một phần trong quá trình đó, có cơ hội tham gia và được hưởng lợi. Nếu một xã hội trở nên bất bình đẳng nhanh chóng sẽ thật sự rất nguy hiểm.
Tôi rất thú vị khi thấy Việt Nam là một đất nước năng động với nhiều cơ hội và dân số trẻ. Các bạn trẻ Việt Nam rất háo hức và lạc quan. Trong khảo sát về chỉ số hạnh phúc hằng năm, Việt Nam thường đứng ở nhóm 10 nước đứng đầu.
Tôi cảm nhận được quyết tâm cải thiện cuộc sống, xã hội và văn hóa, coi trọng giá trị gia đình, tạo điều kiện cho con cái học hành. Đây là những cam kết cộng đồng rất mạnh mẽ. Đất nước đang chuyển đổi nhanh chóng. Nhưng các bạn cũng thấy tình trạng tiêu dùng ồ ạt và mối nguy ở đó. Theo tôi, người ta không nên sống chỉ nghĩ xem mình làm được bao nhiêu tiền.
Tôi cho rằng giai đoạn 10 năm tới sẽ rất quan trọng cho đất nước các bạn để hướng tới một xã hội nơi cuộc sống người dân được cải thiện, không chỉ về mặt kinh tế mà cả về xã hội và tinh thần.
“Chiến lược 10 năm suy cho cùng chỉ là một văn kiện 30 trang và bất cứ khuôn khổ nào đều không thể có câu trả lời cho tất cả. Nhưng chiến lược đặt ra một số nguyên tắc quan trọng, bắt đầu bằng đánh giá thẳng thắn và tự phê bình về tình hình Việt Nam, xem xét một số vấn đề như sự tham gia của người dân (trong hoạch định chính sách - PV), phát triển con người, xã hội, biến đổi khí hậu, chính sách đối ngoại.
Tôi cho rằng chiến lược tập trung vào cân bằng, đưa bền vững làm trọng tâm là quan trọng và tích cực. Liên Hiệp Quốc luôn khuyến khích sự cân bằng và hi vọng kế hoạch hành động triển khai kế hoạch 5 năm cũng chú trọng sự cân bằng như vậy. Nên coi tăng trưởng kinh tế là cần nhưng chưa đủ” - ông John Hendra.
Hương Giang - Trần Lệ Thủy - Thu Phương thực hiện
tuổi trẻ
|