Thứ Sáu, 18/02/2011 06:10

Doanh nghiệp, người dân cùng chung tay vượt khó

Việc tăng giá các mặt hàng như điện hay xăng dầu là điều có thể đoán trước được và không thể tránh khỏi trong thời điểm này. Quan trọng là cùng với đó, các DN cần rà soát lại chi tiêu để nhằm giảm bớt chi phí sản xuất, tăng hiệu quả đầu tư công. Cũng chính lúc này, người dân cần giữ tâm lý ổn định và thấu hiểu sự tăng giá như là một quy luật của nền kinh tế thị trường.

Phát sốt vì những bí mật của "giá thị trường"

Đầu năm 2011, điện, than, xăng dầu đều chắc chắn tăng. Đây cũng là một lộ trình tất yêu sau một thời gian dài ghìm giá.

Lý do vĩ mô là Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế và phải thực hiện cơ chế thị trường. Lý do vi mô là giá các nguyên nhiên liệu đầu vào trên của sản xuất kinh tế ở Việt Nam đều bị thấp dưới giá thành, bị lỗ, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp.

Bởi thế, hầu như mọi người dân đều tạm chấp nhận một nghịch lý rằng, với các ngành hàng trên thì thị trường hóa nghĩa là tăng. Khi thiết lập cơ chế thị trường, có một lô-gíc nôm na rằng, giá đầu vào lên thì giá đầu ra sẽ lên, doanh nghiệp phát triển, cung cầu trên thị trường phong phú, dồi dào, tính cạnh tranh cao thì giá có thể sẽ giảm xuống. Nhưng với nền tảng như trên, kỳ vọng đó hãy còn là xa xôi.

3 năm qua, năm nào cũng vậy, cuối tháng 2, đầu tháng 3 là thời điểm "than, điện" có  "kế hoạch" giá mới cho cả năm. Vì thế, chuyện tăng giá này, đáng lẽ ra, không còn lạ lẫm gì với người dân.

Nhưng năm nay, lạ!

Cái lạ đầu tiên là khi chỉ còn cách thời điểm 1/3, mốc tăng giá hàng năm của điện hơn 10 ngày, các phương án giá điện vẫn tiếp tục được giữ bí mật. Trong khi đó, năm ngoái, các phương án đề xuất tăng giá điện đã tiết lộ ngay từ đầu tháng 2.

Bí mật lại gắn với chi tiêu sinh hoạt hàng ngày của mọi gia đình, gắn với cái túi chi phí của mọi doanh nghiệp. Bởi thế, hình như giá điện càng bị giữ kín thì càng dễ bị rò rỉ.

Tất cả báo chí và truyền hình VTV đều đã công bố, Bộ Công Thương đề nghị tăng tới 18%. Nhưng, sáng 17/2,  Cục trưởng Cục điều tiết điện lực không xác nhận phương án này mà chỉ nói với báo chí, "phương án tăng giá điện bao nhiêu phần trăm hiện Bộ Công Thương chưa được phép công bố".

Cái lạ thứ 2 là, tất cả các mức tăng được đề nghị đều là kỷ lục nhất kể từ khi Việt Nam theo kinh tế thị trường.

Ví dụ như giá điện, mọi năm chỉ tăng dưới 10%, có năm còn tăng dưới 7% như 2009 thì năm nay, các mức tăng được nhắc tới cao hơn nhiều: không chỉ là 18%, 26%, 30% mà thậm chí 48%.

Tương tự, giá xăng dầu cũng vậy. Đồng loạt các doanh nghiệp đều nói, sẽ phải tăng ít nhất là 3.000 đồng/lít. Trong khi cả 2 năm qua, mỗi lần tăng cũng chỉ vài 300-500 đồng/lít, hiếm có lúc tăng 1.000 đồng/lít.

Ngay cả các doanh nghiệp cũng chẳng biết giá của mình sẽ được tăng hay phải tăng ở mức nào? Một doanh nghiệp xăng dầu  than thở rằng: "Lỗ thì phải tăng, nhưng suốt từ ra Tết đến nay, chúng tôi chỉ dám nghe ngóng qua điện thoại với lãnh đạo bộ là chính".

Trước khi có chuyện tỷ giá tăng, theo vị này, chỉ có mỗi Sagon Petro gửi văn bản chính thức đề nghị tăng 1600- 2000 đồng/lít, còn "đại gia" Petrolimex thì kiến nghị bằng việc nêu gạch đầu dòng chuyện giá ở văn bản báo cáo tới Bộ.

Hôm 11/2, Bộ Tài chính có quyết định tăng xả quỹ bình ổn và tiếp tục giữ giá xăng.

Chưa được bao lâu, tin bên lề của các cuộc họp "kín" về chuyện giá xăng đều đồn đại, cuối tháng 2 và chậm nhất là đầu tháng 3, sẽ có... giá xăng mới. Lo ngại này càng được củng cố thêm khi ông Cục trưởng Cục quản lý giá phát biểu trên báo chí rằng, Quỹ bình ổn đã sạch trơn và đang tính chuyện điều chỉnh giá.

Người dân có quyền kỳ vọng rằng sự cẩn trọng và "bí mật" của các nhà hoạch định chính sách lần này là nhằm đưa ra một con số hợp lý, để DN không còn phải gồng mình chịu lỗ và người dân cũng không phải "gánh" một khoản chi phí quá lớn.

Sốc, hay là mưa dầm thấm lâu?

Và cái lạ thứ 3 là thời điểm tăng giá! Tất cả đều dồn ứ lại ở tuần cuối cùng của tháng 2, hay ngày 1/3 tới.

Sau cú tăng tỷ giá 9,3% của Ngân hàng Nhà nước, đông đảo dư luận và chuyên gia tài chính đều rất ủng hộ quyết sách này. Ai ai cũng kỳ vọng, sẽ xóa được tình trạng 2 tỷ giá, ngân hàng sẽ hút được ngoại tệ.

Thực tế, tỷ giá USD chợ đen đã lên 22.000 đồng/USD, cách biệt tới cả hơn 1.000 đồng so với giá USD niêm yết của ngân hàng thương mại. Các ngân hàng cho biết, vẫn chưa có tín hiệu chuyển biến gì về nguồn cung ngoại tệ.

Lại nói chuyện giá điện! Còn nhớ năm 2008, giá điện được một thứ trưởng bộ Công thương tiết lộ là sẽ tăng 25%. Tất cả các chuyên gia đều kêu, quá "sốc". Rốt cục, giá điện được tăng 8,92%. Năm nay, mức đề xuất xoay quanh 20%, không sốc mới là lạ?

Không còn cách nào khác, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải theo kinh tế thị trường, điện, than, xăng dầu cũng sẽ phải tăng cho đúng với thị trường, phản ánh được chi phí đầu vào.

Trên thực tế những năm qua, Chính phủ cũng rất chú trọng điều này với quan điểm, thị trường hóa một cách có lộ trình, không để gây sốc cho nền kinh tế. Các mức tăng phải tính toán sao cho phù hợp với sức chịu đựng của doanh nghiệp, người dân.

Các doanh nghiệp đều có lý khi nói rằng, vì họ bị ghìm giá quá lâu nên giờ, lỗ sâu và không thể chịu hơn được nữa. Để cho mọi giá đầu vào trở nên tức nước vỡ bỡ, còn do năm 2010, các doanh nghiệp bị ép phải nín nhịn để đạt mục tiêu tăng trưởng. Như một vị chuyên gia trong ngành xăng dầu nói, nếu để xăng dầu tăng giá quí 4 năm ngoái thì nay, đâu đến nỗi phải tính tăng tới 3.000 đồng/lít?

Trong quá trình thực hiện thị trường hóa có lộ trình trên, giá quan trọng như điện, than "được thị trường hóa" bằng kế hoạch theo năm. Công cụ ghìm giá bằng mệnh lệnh hành chính lại được các bộ áp dụng thông dụng nhất. Một lý do khách quan là giai đoạn qua, khủng khoảng kinh tế thế giới xảy ra, hết lạm phát rồi suy giảm, nên phải tránh mọi xáo trộn làm tổn thương nền kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Rốt cục, cơ chế thị trường hóa giá cả của Việt Nam luẩn quẩn kéo dài, cứ cuối năm lại bàn chuyện tăng giá cho năm sau và mức tăng thì không bao giờ là đủ với cái nghĩa thị trường.

Trong lúc này, cần có một cam kết minh bạch, sòng phẳng hơn từ Chính phủ về các tác động của việc tăng giá theo thị trường?

Hồi cuối năm, Phó Thủ tướng Nguyến Sinh Hùng đã khẳng định, thông điệp nhất quán của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Hôm 15/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhắc lại thông điệp này. Điều đó khiến cho nhân dân thật tin tưởng vào một nền kinh tế 2011 sẽ thanh bình hơn.

Sẽ không sóng gió như năm 2008, khi lạm phát hơn 20%, sẽ không lao đao suy giảm như năm 2009, khi một loạt doanh nghiệp phá sản, cũng sẽ không giật cục, sáng nắng, chiều mưa, thay đổi mục tiêu (đầu năm chạy theo tăng trưởng, cuối năm giữ mục tiêu ổn định) như năm 2010 vừa qua!

Việc tăng giá các mặt hàng như điện hay xăng dầu là điều có thể đoán trước được và không thể tránh khỏi trong thời điểm này. Quan trọng là cùng với tăng giá, các DN cần rà soát lại chi tiêu để nhằm giảm bớt chi phí sản xuất, giúp hạ giá thành. Nhìn ở tầm vĩ mô hơn, phải tăng hiệu quả đầu tư công và tăng năng suất của các tập đoàn, DNNN nhằm tránh tình trạng thất thoát đầu tư, tiến tới giảm lạm phát, giảm bớt gánh nặng cho cả nền kinh tế. Và cũng chính lúc này, người dân cần giữ tâm lý ổn định và thấu hiểu sự tăng giá như là một quy luật của nền kinh tế thị trường.

Phạm Huyền

DIỄN ĐÀN KINH TẾ VIỆT NAM

Các tin tức khác

>   Bảo lãnh chính phủ không quá 80% tổng mức đầu tư dự án (17/02/2011)

>   TS. Võ Trí Thành: “Cứ tăng tỷ giá danh nghĩa 1%, lạm phát tăng khoảng 0,1%” (17/02/2011)

>   Kinh tế 2010 và những “đánh giá lại” đầu 2011 (17/02/2011)

>   Bài toán 2011 cho lạm phát, lãi suất và tỷ giá (17/02/2011)

>   Mọi đề xuất phải từ thực tế (17/02/2011)

>   DN FDI: Đừng biến nhân công giá rẻ thành lợi thế cạnh tranh (17/02/2011)

>   Chống tăng giá, cách nào? (17/02/2011)

>   DuPont tìm kiếm cơ hội đầu tư mới tại Việt Nam (16/02/2011)

>   Quảng Nam thu hồi dự án đầu tư không hiệu quả (16/02/2011)

>   Ôtô có thể gánh thêm phí đường bộ 1,4 triệu đồng mỗi xe (16/02/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật