Chủ Nhật, 02/01/2011 23:52

Tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ sáng dần

Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng hơn năm 2009 nhưng năm 2010, nền kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn khi áp lực lạm phát gia tăng gây bất ổn cho nền kinh tế; chất lượng tăng trưởng vẫn ở mức thấp.

Xung quanh những kết quả đạt được của nền kinh tế năm 2010 và những khó khăn có thể gặp phải trong năm 2011, chúng tôi có cuộc trao đổi với PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh (ảnh), Viện trưởng Viện Kinh tế và Văn hóa thế giới.

Thưa ông, một trong những hạn chế lớn nhất của năm 2010 là chúng ta chưa kiểm soát được lạm phát, ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế vĩ mô. Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này?

Như chúng ta đã biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2010 của ta khá cao và tất nhiên đã không kiềm chế được ở mức một con số như mong muốn (Tổng cục Thống kê vừa thông báo CPI năm 2010 là 11,75%). Với bản thân tôi, đây không phải là điều ngạc nhiên bởi tôi từng đưa ra dự đoán chỉ số CPI của chúng ta sẽ ở mức hai con số ngay từ thời điểm đầu năm 2010. Nhiều người từng cho là tôi võ đoán nhưng tôi đưa ra nhận định này trên cơ sở xem xét toàn bộ các yếu tố của nền kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, 2010 là năm đất nước có nhiều lễ hội, lễ kỷ niệm lớn. Trong đó, lớn nhất là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Nguyên nhân thứ hai chính là năm qua, chúng ta vẫn tiếp nối giai đoạn tiến trình hiệu quả đầu tư của nền kinh tế thấp. Lâu nay, chúng ta cứ tự hào với tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước và cho rằng so với mặt bằng chung của thế giới, con số này là cao. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng và so sánh với sự tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore..., đây thực sự là con số khiêm tốn. Tôi xin được so sánh thế này, nếu các nước đó là voi thì chúng ta là thỏ. Muốn cân bằng sự phát triển, thỏ phải chạy nhanh gấp mấy lần voi chứ không thể chỉ bằng phân nửa vận tốc của voi. Không chỉ tăng trưởng ở mức hai con số, các quốc gia ấy còn luôn duy trì ổn định sự tăng trưởng này trong nhiều năm. Trong khi đó, sự tăng trưởng của chúng ta rất bấp bênh, thiếu bền vững, có năm đạt mức 8%, có năm chỉ còn khoảng 4%. Đến thời điểm này, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế Việt Nam rất thấp, chúng ta bỏ ra 8 - 9 đồng để thu về 1 đồng.

Một nguyên nhân nữa không thể không nói đến là năm qua chúng ta phải gánh chịu quá nhiều hậu quả của thiên tai trên mọi miền đất nước. Nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề, sau thiên tai, nhu cầu hàng tiêu dùng và tâm lý tích trữ của người dân càng khiến chỉ số giá tiêu dùng tăng cao. Nhu cầu hàng hóa gia tăng, nguyên liệu trong nước vốn không đáp ứng đủ cho nhiều ngành sản xuất, sau lũ chúng ta càng phải nhập khẩu nhiều nên lạm phát càng tăng.

Chính sách điều hành tỷ giá và lãi suất ngân hàng của chúng ta cũng có vấn đề. Vì sự cứng nhắc, thiếu linh hoạt, không nhất quán của các chính sách này, nền kinh tế lại thêm một phen khốn đốn.

Ngoài nguyên nhân chủ quan, nguyên nhân từ sự biến động của nền kinh tế thế giới cũng tác động không nhỏ đến Việt Nam. Giá vàng và đô la Mỹ biến động không ngừng, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của người tiêu dùng trong nước. Tôi xin khẳng định, đến cả bó rau muống của chúng ta cũng phụ thuộc vào giá vàng, theo một cách gián tiếp và thông qua nhiều trung gian.

Về sự tăng trưởng GDP, chúng ta đã chốt ở mục tiêu 6,5% và lấy làm lạc quan nếu đạt được con số này. Tuy nhiên, bản thân tôi, đến thời điểm này xin khẳng định, không lạc quan với nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Lâu nay chúng ta vẫn là quốc gia phát triển chủ yếu nhờ bán đi cái mình có cho thế giới, trong khi những thứ đã có ấy chỉ được bán ở dạng thô, nghĩa là hiệu quả kinh tế rất thấp. Khi cạn kiệt những nguồn tài nguyên vốn có, chúng ta trông chờ vào cái gì?

Dù còn những hạn chế nhất định nhưng trên thực tế, năm qua chúng ta vẫn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Vậy so với mặt bằng chung của các nước trong khu vực và trên thế giới, bức tranh kinh tế của Việt Nam có thuộc gam màu sáng?

Vì những thành tựu đã đạt được nên Việt Nam luôn được thế giới coi là quốc gia đang lên, con hổ của khu vực, điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Tuy nhiên, nhìn xa hơn, tôi chỉ dám nói bức tranh kinh tế của chúng ta đang dần sáng lên từng ngày. Điều quan trọng và cần làm ngay là, chúng ta phải nâng cao hiệu quả đầu tư, không nên dùng tới 40 - 45% GDP để tái đầu tư mà phải giảm dần con số này xuống mức 25 - 30%. Chúng ta phải giảm dần tỷ lệ gia tăng trên mỗi đồng vốn đầu tư, thay vì 8 - 9 đồng để thu được 1 đồng, chúng ta phải giảm sao cho chỉ còn 3 - 4 đồng. Nếu không nhanh chóng chấm dứt tình trạng này, chúng ta sẽ suốt đời trong tình trạng “thắt lưng buộc bụng” để có tiền đầu tư.

Xin ông điểm qua một vài khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam có thể phải đón nhận trong năm 2011?

Năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình của thế giới đạt khoảng 4,5 - 4,6%. Trong đó, các nước phát triển tăng trưởng khoảng 2,5%; đáng kể nhất là Trung Quốc và ấn Độ có thể đạt tăng trưởng 9,5 - 10%. Đông Nam Á vẫn là một trong những khu vực có tốc độ tăng trưởng tốt nhất thế giới. Dù vậy, không có nghĩa là chúng ta chỉ toàn thuận lợi.

Năm 2011, chúng ta sẽ đối phó với nhiều khó khăn. Trước hết, các chương trình kích cầu, tài trợ, đầu tư sẽ rút dần. Nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái hẫng vì mất nhiều nguồn đầu tư quan trọng. Bên cạnh đó, một nền kinh tế tăng trưởng phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu đương nhiên sẽ đối mặt với tất cả những biến động, dù là nhỏ nhất, của thị trường thế giới. Năm 2010, tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam đạt 102 tỷ đô la Mỹ thì nguồn thu từ xuất khẩu chiếm tới 70% (71 tỷ đô la Mỹ). Dù muốn chúng ta cũng không thể chủ động xoay chuyển được tình thế khi thế giới có những tác động tiêu cực. Như vậy, sự tăng trưởng kinh tế năm 2011 chưa chắc cao hơn năm 2010 và con số tăng trưởng cụ thể phụ thuộc rất nhiều vào chính sách điều hành của Chính phủ.

Ông từng nói chúng ta đang bỏ ngỏ và rất lãng phí vì không quan tâm đúng mức đến khu vực nông thôn. Qua sự kiện cá tra bị Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) đưa vào danh sách đỏ, ông có thể rút ra một vài kinh nghiệm cho những người nông dân nói riêng, nền kinh tế Việt Nam nói chung khi tham gia vào thị trường quốc tế?

Việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là sự kiện chúng ta phải xem xét đa chiều và nhìn nhận theo nhiều góc độ. Lâu nay, Việt Nam đã đối mặt với không ít sự việc tương tự và cách xử lý của chúng ta vẫn theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Kinh nghiệm lớn nhất và cần được nghiêm túc chấp hành chính là chúng ta phải tập và tạo cho nông dân thói quen làm ăn có chữ Tín. Bên cạnh đó, Chính phủ phải coi nông nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, tăng cường đầu tư và làm chuyển biến khu vực này, luôn sát cánh cùng nông dân, doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ vốn, kỹ thuật, kiến thức, cần tăng cường hỗ trợ thông tin cho nông dân về cơ chế, cách thức làm ăn của những quốc gia mà chúng ta có quan hệ đối tác. Trong mục tiêu này, cán bộ cấp xã, thôn và lãnh đạo hợp tác xã các cấp là những đầu mối vô cùng quan trọng. Song song đó, phải phát huy hơn nữa vai trò của các hội, hiệp hội như Hội Nông dân, Hội Nghề cá, Hội Làm vườn Việt Nam...

Chúng ta không chỉ định hướng cho nông dân mà cho tất cả các ngành, nghề có tham gia làm ăn với bạn bè quốc tế phải sản xuất những sản phẩm chất lượng, đảm bảo uy tín. Với những sản phẩm nông sản xuất tinh, chúng ta có thu nhập cao hơn hẳn so với việc xuất thô. Sự kiện rắc rối với WWF vừa rồi, tất nhiên tổ chức này đã đánh giá sản phẩm của chúng ta trên những cơ sở không chính xác và chưa khách quan, nhưng đây cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc, nếu chúng ta làm ăn không cẩn thận, những sự việc không mong muốn như vừa rồi còn có thể tái diễn.

Xin cảm ơn ông!

Kịch bản kinh tế Việt Nam 2011

Trong báo cáo trình Thường trực Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dựng lên một kịch bản khá sáng sủa cho tăng trưởng năm 2011. Theo đó, mức tăng GDP từ 7-7,5%. Giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm, thủy sản dự kiến tăng 2,8-3%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,5-8,2%; khu vực dịch vụ tăng 8,2-8,5%.

Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2011 khoảng 612,1 nghìn tỷ đồng, tăng 16,7% so với ước thực hiện năm 2010 và bằng khoảng 26,7% GDP.

Tổng chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 735 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với thực hiện năm 2010.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011 khoảng 930 nghìn tỷ đồng, tăng 16,3%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài dự kiến tăng 15,5% trong năm 2011, tương đương 198,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 21,4% tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.

Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 74,25 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2010; kim ngạch nhập khẩu đạt khoảng 88,8 tỷ USD, tăng 9%. Nhập siêu năm 2011 dự kiến khoảng 14,5 tỷ USD, bằng 19,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Quỳnh Chi

Kinh tế nông thôn

Các tin tức khác

>   Cạnh Trung Quốc: Cơ hội hay thách thức tùy ở Việt Nam (02/01/2011)

>   Hải Phòng: Thu hút nhiều dự án đầu tư lớn (02/01/2011)

>   Hoạt động đầu tư ra nước ngoài tiếp tục sôi động (02/01/2011)

>   Kinh tế, đối nội và đối ngoại 2010 (02/01/2011)

>   Những cơn say nắng và khái niệm tăng trưởng âm (02/01/2011)

>   Niềm tin triển vọng tươi sáng kinh tế Việt Nam năm 2011 (02/01/2011)

>   Triển vọng kinh tế 2011: Năm của niềm tin (02/01/2011)

>   Chính phủ: “Năm 2011 không tăng trưởng bằng mọi giá” (02/01/2011)

>   Tổng cục Thống kê: “Lạm phát là biểu hiện của tiền ra” (02/01/2011)

>   Lạm phát 2010: Yếu tố tiền tệ không phải là chủ yếu? (02/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật