Chủ Nhật, 02/01/2011 08:45

Triển vọng kinh tế 2011: Năm của niềm tin

TS Trần Du Lịch

Tạo niềm tin cho thị trường, các nhà đầu tư, doanh nghiệp từ sự ổn định, nhất quán trong chính sách vĩ mô sẽ tạo động lực phát triển cho nền kinh tế năm 2011 - TS Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM - nhận định như vậy.

Ưu tiên kiềm chế lạm phát

Từ diễn biến của nền kinh tế nước ta trong năm 2010, theo ông, những ưu tiên nào về mặt vĩ mô cần được thực hiện trong năm 2011?

Năm 2011 cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát để tạo cơ sở kéo giảm lãi suất, lành mạnh hóa thị trường tài chính hơn là theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP cao.

Mặc dù kinh tế thế giới được dự báo khá lạc quan, nhưng chưa phải là thời kỳ hồi phục mạnh mẽ. Dư chấn của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn tác động đến các nền kinh tế lớn như Nhật Bản, EU, Bắc Mỹ... Tuy khu vực châu Á vẫn dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng nhưng những thị trường xuất khẩu chính của ta lại nằm ở các thị trường phục hồi chậm nêu trên. Bên cạnh đó, nền kinh tế nước ta đang đối đầu với những khó khăn ngắn hạn như áp lực lạm phát thể hiện tăng chỉ số giá cả (CPI) trong những tháng cuối năm; sự biến động của tỷ giá, lãi suất (LS) tín dụng cao, doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn về vốn… Do đó, năm 2011 cần ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là kiềm chế lạm phát để tạo cơ sở kéo giảm LS, lành mạnh hóa thị trường tài chính hơn là theo đuổi mục tiêu tăng trưởng GDP cao.

Vừa giải quyết nhiệm vụ trước mắt vừa đóng góp cho mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng. Đó là phải từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng để khắc phục những tồn tại từ cơ cấu kinh tế thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô. Các chính sách kinh tế cần hướng đến mục tiêu dài hạn, tạo niềm tin cho thị trường. Không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2011, nhưng nếu chính sách kinh tế tạo được niềm tin cho thị trường thì tốc độ tăng trưởng khoảng 7% không quá khó khăn.

Liệu những nút thắt của kinh tế Việt Nam trong năm 2010 (như tỷ giá, LS…) sẽ được tháo gỡ trong năm 2011? Ông dự báo những vấn đề gì sẽ là cản ngại lớn của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay?

Khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế 2011

Để đạt các chỉ tiêu năm 2011 không dễ dàng, nhất là việc kéo CPI từ 11,75% năm 2010 xuống 7% năm 2011, trong khi đó phải tăng GDP từ 6,7% (2010) lên 7 - 7,5% (2011), tức là phải xử lý 2 mục tiêu mâu thuẫn như tình hình của đầu năm 2010 vừa qua. Nhưng nếu chính sách kinh tế tạo được niềm tin của thị trường, thì các chỉ tiêu trên không phải là bất khả thi.

TS Trần Du Lịch

LS cao, biến động tỷ giá trong những tháng gần đây là những vấn đề liên quan đến thị trường tiền tệ, nhưng nó có quan hệ nhân quả sâu sắc với các vấn đề khác như chỉ số CPI, nhập siêu, bội chi ngân sách, thâm hụt thanh toán quốc tế tổng thể… Vì vậy, những "nút thắt" trên cần đặt trong mối quan hệ tổng thể nhiều chính sách và giải pháp, chứ không thể đơn thuần giải bằng công cụ chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, tôi cho rằng vấn đề kinh tế khó khăn nhất trong năm 2011 là phải hạ nhiệt chỉ số CPI ngay trong quý 1/2011, trong điều kiện dự báo là chi phí sản xuất có xu hướng tăng cao, với một mặt bằng giá mới. Trong khi đó cũng phải duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hợp lý để không làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, nên đang là bài toán khó cần có sự đồng bộ trong việc thực thi các chính sách kinh tế - tài chính.

Cơ cấu lại nền kinh tế

2011 được xem là năm bản lề quan trọng của thập kỷ tới. Nền kinh tế nên chuyển đổi thế nào ở thời điểm như vậy, thưa ông?

Đầu xuôi đuôi lọt

Năm 2010 qua đi kết thúc 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010, nền kinh tế Việt Nam đã thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển để gia nhập vào hàng ngũ những nước có thu nhập trung bình (dù ở ngưỡng thấp); GDP đã vượt 100 tỉ USD, GDP/người đạt mốc 1.200 USD; chỉ số phát triển con người (HDI) xếp hạng trung bình khá của thế giới... thực sự đánh dấu bước phát triển rất có ý nghĩa trong quá trình công nghiệp hóa đất nước.

Bước sang năm 2011, năm khởi đầu của chiến lược 10 năm đưa nền kinh tế Việt Nam tiếp tục thẳng tiến trên con đường công nghiệp hóa, chuyển nền kinh tế từ sự tăng trưởng nặng về lượng sang ưu tiên về chất, bảo đảm sự phát triển bền vững trong mối quan hệ hữu cơ giữa tăng trưởng kinh tế; tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường, thì những thách thức cần phải vượt qua chính ở nội tại cơ cấu kinh tế. Chúng ta không chỉ phải tập trung giải quyết những khó khăn trước mắt như tình trạng lạm phát cao, biến động lãi suất, tỷ giá... mà điều khó khăn hơn là nền kinh tế phải vượt qua những hạn chế của chính mình, để hướng tới mục tiêu lớn hơn là chuyển nền kinh tế từ mang nặng tính chất gia công sang sản xuất; nâng cao năng lực cạnh tranh; cân bằng ngoại thương và ngân sách... tạo điều kiện kinh tế để ổn định vĩ mô. Tục ngữ có câu “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Hy vọng năm 2011 vài áng mây mờ trong những tháng cuối năm 2010 sẽ tan nhanh để bầu trời trong sáng mở ra một thời kỳ phát triển mới.

TS Trần Du Lịch

Ngay trong năm 2011, Chính phủ cần sớm thực thi những chính sách thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, từng bước giải quyết vấn đề chuyển nền kinh tế từ mang nặng tính chất gia công sang sản xuất, giảm nhập siêu và bội chi ngân sách do đầu tư công kém hiệu quả. Nếu vấn đề cốt tử này chậm giải quyết chừng nào thì các biện pháp ứng phó sẽ mất dần tác dụng.

Thật vậy, một nền kinh tế hướng vào xuất khẩu, nhưng sau 20 năm vẫn trong tình trạng nhập siêu ngày càng nặng; sản phẩm công nghiệp chủ yếu dựa vào nhập khẩu, gia công công đoạn cuối cùng để tiêu dùng trong nước. Nếu căn cứ vào cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa và bảng cân đối tài khoản vãng lai, có thể nhận ra rằng, nền kinh tế nước ta thực chất là nền kinh tế tiêu thụ bán thành phẩm và thành phẩm của nước ngoài. Để bù đắp cho cân đối cán cân thanh toán tổng thể của nền kinh tế, mang nặng tính chất tiêu thụ như trên, chúng ta dựa vào các nguồn ngoại tệ khá bấp bênh như FDI, ODA, kiều hối, xuất khẩu lao động… Chính các nguồn này trong những năm qua làm cho chúng ta có cảm tưởng "rủng rỉnh" ngoại tệ, nên ít quan tâm đến tình trạng nhập siêu do cơ cấu kinh tế gây ra.

Theo ông, vấn đề nào thực sự cần thiết nhằm hỗ trợ các DN trong năm 2011?

Chính phủ cần sớm ban hành một hệ thống các chính sách như "một thông điệp" định hướng thị trường, thể hiện sự nhất quán trong điều hành các chính sách kinh tế vĩ mô. Cụ thể là dựa trên các chính sách công cụ: chính sách tài khóa - chính sách tiền tệ - chính sách tiêu dùng - chính sách kinh tế đối ngoại gắn với 4 mục tiêu: tăng GDP - CPI - việc làm và xuất khẩu ròng thể hiện tính hệ thống và mối quan hệ giữa mục tiêu và công cụ chính sách nhằm tạo niềm tin cho DN. Niềm tin của DN về sự ổn định kinh tế vĩ mô, tính "dài hơi của chính sách" kinh tế - tài chính của nhà nước là cách tiếp sức tốt nhất cho DN trong bối cảnh năm 2011.

Ổn định đồng tiền

TS Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Chính sách tiền tệ sẽ trôi chảy hơn

Về kinh tế vĩ mô, theo tôi, năm 2011 là lạc quan. Trong năm 2011, chính sách tiền tệ sẽ trôi chảy hơn, không gặp phải những cú sốc như năm 2010, đặc biệt là chính sách tín dụng. Đối với khủng hoảng cán cân thanh toán trong năm 2011 là không đáng lo ngại. Năm 2010, thâm hụt cán cân thanh toán khoảng 2 tỉ - 2,5 tỉ USD nhưng sang năm 2011 có thể cán cân thanh toán sẽ dưới 1 tỉ USD.

Mặt bằng LS hiện nay đang ở mức cao nên theo tôi khả năng sẽ giảm và LS sẽ được điều chỉnh theo hướng thực dương; LS huy động quý 1/2011 ở khoảng 12%/năm, quý 3 xuống khoảng 10%. Với mặt bằng LS này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các DN. Áp lực lớn nhất trong năm 2011 đó là vấn đề tỷ giá hối đoái. Chúng ta sẽ vừa điều chỉnh vừa can thiệp để ổn định thị trường hối đoái. Trong quý 1 sẽ dùng LS tiền đồng, ngoại tệ để điều chỉnh tỷ giá.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham), ông Kang Choong Shik: Cẩn trọng trước các bất ổn

Trước đây, lĩnh vực mà các DN Hàn Quốc quan tâm đầu tư vào Việt Nam là những ngành công nghiệp nhẹ nhưng hiện đang chuyển hướng sang những ngành công nghiệp nặng như gang thép… Tuy nhiên, do nền kinh tế Việt Nam còn chứa đựng một số bất ổn nên có thể khiến các nhà đầu tư Hàn Quốc tiềm năng cân nhắc chuyển đầu tư từ Việt Nam sang một số nước có đặc điểm tương đồng, nhưng môi trường ổn định hơn.

Để khắc phục vấn đề này, tôi cho rằng, Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc cải thiện các quy định tiến dần đến các tiêu chuẩn chung của thế giới. Như thế, các nhà đầu tư sẽ được bảo vệ tốt hơn. Dù vậy, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi cũng đặt kỳ vọng lớn vào nền kinh tế Việt Nam trong 2011. Về toàn cục, Việt Nam sẽ tăng trưởng tốt năm nay.

Ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Sài Gòn: DN cần tận dụng lợi thế

Một trong những tồn tại của năm qua là vấn đề tỷ giá, do vậy, nếu Ngân hàng Nhà nước không kịp thời tháo gỡ hạn chế đó trong 2011 thì DN cả trong và ngoài nước sẽ còn tiếp tục khó khăn. Do đó, chúng ta cần tính toán lại tỷ giá và ổn định đồng tiền sao cho hợp lý để khuyến khích mạnh hơn nữa đầu tư trực tiếp và gián tiếp vào Việt Nam. Tôi cho rằng, năm 2011 kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển... Các chính sách thuế về tài nguyên môi trường nếu điều chỉnh hợp lý cũng đem lại nguồn thu lớn. Và cần có những chính sách tiền tệ ổn định để đem lại niềm tin cho nhà đầu tư. Theo tôi, tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2011 sẽ vượt qua mức 5,3% của 2009 nhưng có cao hơn năm 2010 hay không vẫn là ẩn số.

Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank): Thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc

Tôi cho rằng, từ năm 2011 trở đi, thị trường chứng khoán sẽ khởi sắc khi các DN ý thức rõ việc tham gia vào thị trường vốn sẽ giúp họ có thêm kênh huy động vốn và tạo thanh khoản để nâng cao năng lực cạnh tranh. Các DN Việt Nam cũng sẽ tiếp cận được thị trường vốn thế giới.

N.T.Tâm - T.Xuân (ghi)

Lòng tin sẽ thúc đẩy nền kinh tế thế giới

Viễn cảnh thương mại toàn cầu năm 2011 có không ít điểm sáng nhờ vào sự hồi phục lòng tin trong giới tiêu dùng và kinh doanh.

2010 hóa ra lại là năm có những chuyển biến lạc quan hết sức bất ngờ đối với nền kinh tế thế giới. Tổng sản lượng toàn cầu tăng gần 5%, cao và nhanh hơn nhiều so với dự đoán cách đây 12 tháng, theo báo Economist. Hầu hết những mối nguy hiểm có thể đe dọa các thị trường tài chính đã không xảy ra.

Với tình trạng nhiều nền kinh tế tại các quốc gia phát triển theo đuổi chính sách tiết kiệm trong năm 2011, trong khi những nền kinh tế trỗi dậy có sức tăng trưởng mạnh lại đối mặt với nguy cơ phát triển quá nóng, nền kinh tế toàn cầu cần phải chống chọi được trước 2 lực đẩy trái chiều trên để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng như kỳ vọng.

Câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu năm 2011 sẽ theo đuổi cùng một mô hình như năm 2010 hay không. Theo báo Economist, nhiều người tỏ ra lạc quan về năm mới. Niềm tin người tiêu dùng và của giới kinh doanh đang gia tăng ở hầu hết các nơi trên thế giới; sản lượng toàn cầu cũng liên tục tăng nhanh hơn và các thị trường tài chính trở nên sôi nổi hẳn trong những ngày cuối năm.

OECD: Việt Nam sẽ tăng trưởng trung bình 7,1% trong 5 năm tới

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ tăng khoảng 4,2% trong năm nay, giảm chút ít so với năm 2010 nhưng vẫn cao hơn so với cách đây 2 năm. Các nền kinh tế đang lên vẫn đóng vai trò đầu tàu. IMF dự đoán tỷ lệ tăng trưởng của khu vực các nền kinh tế đang trỗi dậy vào khoảng 7,1% và 6,4% trong năm 2010 và 2011, gần gấp 3 tỷ lệ tăng trưởng của các nước phát triển. Riêng về khu vực ASEAN, Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD) đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ tận hưởng tốc độ phát triển cao nhất khối trong 5 năm tới, với tỷ lệ trung bình 7,1%.

Bất chấp những khó khăn hiện tại, khu vực đồng euro sẽ vẫn tăng trưởng vào năm 2011, theo phân tích của giới chuyên gia trên Reuters. Trong khi đó, đồng USD sẽ khôi phục lại sức mạnh vốn có. Các chuyên gia tự tin rằng nền kinh tế Mỹ sẽ có nền tảng chắc chắn nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu cách đây 3 năm.

Những nhà tiêu dùng mới đang xuất hiện khắp nơi tại châu Á. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm trầm trọng hơn tình trạng lạm phát giá tiêu dùng tại đây, như chuyên gia Duncan Wooldridge của UBS nhận xét: “Viễn cảnh lạm phát đang rất nghiêm trọng trong thời điểm hiện nay”. Theo AP, chuyên gia này dự đoán tỷ lệ lạm phát tiêu dùng tại châu Á, trừ Nhật Bản, vào khoảng 5%.

Thuỵ Miên

N.Trần Tâm (thực hiện)

THANH NIÊN

Các tin tức khác

>   Chính phủ: “Năm 2011 không tăng trưởng bằng mọi giá” (02/01/2011)

>   Tổng cục Thống kê: “Lạm phát là biểu hiện của tiền ra” (02/01/2011)

>   Lạm phát 2010: Yếu tố tiền tệ không phải là chủ yếu? (02/01/2011)

>   Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế (01/01/2011)

>   Ổn định vĩ mô và sự “bảo thủ” cần thiết trong điều hành (01/01/2011)

>   Yếu tố tiền tệ góp hơn 4,6% vào tỷ lệ lạm phát (31/12/2010)

>   Năm 2010: GDP bình quân đạt 1.168 USD (31/12/2010)

>   Thực hiện đồng bộ biện pháp kiểm soát lạm phát, lãi suất, giá cả (31/12/2010)

>   Dự án 100 triệu USD có nguy cơ bị rút giấy phép (31/12/2010)

>   Lạm phát 2010: “Có chuyện lòng tin vào đồng tiền có vấn đề” (31/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật