Chính phủ: “Năm 2011 không tăng trưởng bằng mọi giá”
Thay vì chú trọng tăng trưởng, ưu tiên số một trong điều hành của Chính phủ trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.
Thông điệp được Phó thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đưa ra tại buổi họp báo Chính phủ cuối năm, tổ chức vào chiều tối 31/12. Đây cũng là dịp để các thành viên Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành tóm lược bức tranh kinh tế - xã hội trong năm qua cũng như những định hướng, mục tiêu trong năm 2011 trước báo giới.
“Tăng trưởng 6,78% là một kỳ tích”
Với thời lượng gần 2 giờ đồng hộ, thay mặt Chính phủ, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đã điểm lại diễn biến của nền kinh tế trong năm 2010, trong đó nhấn mạnh nỗ lực trong điều hành nền kinh tế của Chính phủ, các bộ ngành cũng như vai trò quan trọng của báo giới đối với những thành tựu của nền kinh tế và toàn xã hội.
Một trong những thành tựu đáng ghi nhận là tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đạt và vượt mục tiêu mà Quốc hội đề ra. Cùng với đó, nhiều thành tựu trong các cân đối lớn của nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, dịch vụ... đều đạt mục tiêu đề ra.
Hầu hết các nguồn vốn như ODA, FDI... trong năm qua đều tiếp tục tăng mạnh nhờ kết quả của năng lực cạnh tranh quốc gia được tăng cao, ổn định và thắng lợi về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đưa vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Kinh tế ngành, lĩnh vực cũng đạt được nhiều thành tựu khả quan, trong đó phải kể đến công nghiệp tăng trên 14%. Nhiều sản phẩm quan trọng có tác động lớn đến phát triển công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng cao như sản phẩm năng lượng điện, khí đốt, vật liệu xây dựng, sữa...
Theo Phó thủ tướng, dù vẫn chịu ảnh hưởng của suy giảm kinh tế, song nhiều tập đoàn kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực viễn thông đã có tốc độ tăng trưởng tốt với doanh thu trên 100 nghìn tỷ đồng; lĩnh vực du lịch , dịch vụ... cũng mang về cho đất nước hàng tỷ USD trong năm qua.
“Năm 2010 là năm mà chúng ta bắt tay vào phục hồi kinh tế sau suy giảm. Với nhiều nước trên thế giới, nền kinh tế vẫn còn rất khó khăn, các gói kích cầu vẫn liên tiếp được tung ra, trong khi chúng ta đã cắt ngay từ đầu năm. Do đó, những gì chúng ta đạt được trong bối cảnh như thế là một thành tựu không phải không có quyền tự hào. Nếu so với Nhật Bản, Mỹ... GDP chỉ tăng 1% - 2% trong năm qua, thì con số 6,78% là một kỳ tích rất lớn, chỉ xếp sau Trung Quốc”, Phó thủ tướng nói.
Thẳng thắn nhìn nhận yếu kém
Khi nói về bức tranh kinh tế trong năm qua, Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, báo chí không nên đơn thuần “khen” Chính phủ trong điều hành đất nước, nhưng cũng không nên chỉ “chê”, phê phán. Tuy nhiên, với tinh thần cầu thị, Chính phủ tự nhận thấy, trong năm 2010 nền kinh tế vẫn bộc lộ không ít những điểm yếu đã hạn chế phần nào nỗ lực của toàn xã hội.
Điểm yếu đầu tiên được ông Nguyễn Sinh Hùng đề cập đến là “kinh tế vĩ mô vẫn chưa thật ổn định”. Bằng chứng là giá cả vẫn tăng nhanh, cán cân thanh toán vẫn âm, lãi suất trên thị trường ở mức cao, thị trường tiền tệ, vàng có nhiều biến động...
Lý giải cho bất ổn trên, theo Phó thủ tướng là bao gồm cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.
Thứ nhất là do nền kinh tế hiện nay chưa thật sự bảo đảm cho kinh tế vĩ mô ổn định. Năng suất, chi phí, chất lượng của sản xuất còn có vấn đề. Cùng với đó là 90% nguyên vật liệu tiêu dùng cho sản xuất vẫn phải nhập khẩu... đã khiến Việt Nam luôn trong thế bị động và thực sự vẫn là một nền kinh tế gia công.
Bên cạnh đó là yếu kém về mặt thị trường mà minh chứng là việc các ngân hàng phải “chịu trận” mãi khi mà “cả hai đồng, ba đồng làm ăn của doanh nghiệp vẫn là từ ngân hàng mà ra. Nếu có một đồng và một đồng đi vay ngân hàng thì làm ăn sẽ tốt hơn nhiều”, Phó thủ tướng nhìn nhận.
Chính điều này đã dẫn đến yếu kém về cơ cấu thị trường tài chính, tiền tệ vì ngân hàng vẫn được xem là “một mình một chợ”. Cùng với đó là điều hành của Chính phủ và Thống đốc cũng chưa nhất quán.
Chủ quan nữa là do chúng ta tự đẩy giá lên để hỗ trợ nông dân, thậm chí còn xuất ngân sách đề mua lương thực cho nông dân. Đây là chủ trương của Chính phủ để giải quyết an sinh xã hội.
Còn về nguyên nhân khách quan, theo Phó thủ tướng, việc lạm phát tăng cao trong năm nay là có phần quan trọng do giá cả thế giới trong những tháng cuối năm tăng nhanh đã đẩy nhiều mặt hàng trong nước tăng nhanh.
Hơn nữa, nếu theo phương pháp tính giá của nhiều nước thì họ không đưa giá xăng dầu và lương thực vào khi tính CPI. Nếu Việt Nam cũng loại hai yếu tố này thì CPI chỉ tăng 7,5%, và CPI cơ bản chỉ khoảng 7,18%.
Ngoài điểm yếu lạm phát, Phó thủ tướng cũng nhìn nhận thẳng thắng là cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế vẫn còn bất cập. “Chúng ta vẫn phải dùng tiền ngân sách để giải nhiều vấn đề, trong đó có cả an sinh xã hội, đời sống cho vùng sâu, vùng xa”.
Phó thủ tướng cũng chỉ ra mối liên hệ và những hệ quả tất yếu của nền kinh tế gia công nên phải nhập khẩu nhiều, dẫn đến thiếu ngoại tệ, từ đó lại gây áp lực lên tỷ giá, lãi suất...
Cùng với đó là hiệu quả của nền kinh tế, lựa chọn cơ cấu đầu tư chưa tốt đã khiến cho cơ cấu kinh tế còn bất cập.
“Do đó, nếu nói rằng trong năm qua những mục tiêu trước mắt như giải quyết công ăn việc làm, tiền lương, lao động thì chúng ta đã đạt được, nhưng nếu để nói rằng giải quyết một nền kinh tế bền vững thì chưa được”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2011: Ổn định là số một
Khi nói về định hướng trong năm 2011, Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ nhìn nhận chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lớn như năm nay vì tiềm lực kinh tế là đã có (GDP đầu người đã đạt gần 1.200 USD), nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ quyết đổi mới nền kinh tế đã sẵn sàng...
Tuy nhiên, mục tiêu số một mà Chính phủ giao cho các bộ, ngành là phải tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế cho được lạm phát và kết quả phải tốt hơn năm 2010.
“Trong năm 2011, Chính phủ quyết tâm, phải đổi mới mô hình tăng trưởng, phải chuyển dịch một bước cơ cấu kinh tế, tạo ra phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Điều này cũng có nghĩa là Chính phủ xác định ổn định vĩ mô là mục tiêu số một và tuyệt đối không tăng trưởng bằng mọi giá. Đây là mục tiêu xuyên suốt, cố định không thay đổi”, Phó thủ tướng nói.
Từ Nguyên
TBKTVN
|