Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế
Để tạo xung lực cho nền kinh tế trong năm 2011, cần chuyển mô hình tăng trưởng theo chiều rộng như lâu nay sang chiều sâu, coi trọng chất lượng và bớt tham vọng đạt tốc độ tăng trưởng cao bằng mọi giá
Đến nay, VN cùng với các nước ASEAN đã ký kết 6 hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc và New Zealand, mở ra cơ hội khai thác thị trường mới rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) nước ta.
Các DN và nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất cần công nghiệp và dịch vụ phụ trợ của các DN VN. Rõ ràng, năm 2011 là năm có những cơ hội mới song cũng có thách thức rất lớn đối với kinh tế VN đến từ trong cũng như ngoài nước.
Biến động khó lường
Kinh tế thế giới năm 2011 dù vẫn tiếp tục hồi phục song tốc độ tăng trưởng có thể sẽ thấp hơn so với dự báo. Mặt khác, cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu nhiều khả năng tiếp tục diễn biến khó lường, đồng euro có thể mất giá, kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm trong khi thất nghiệp vẫn trên 9%, kinh tế Nhật Bản phải đối mặt với nợ công rất cao... Tất cả những yếu tố đó sẽ ảnh hưởng bất lợi tới kinh tế nước ta, nhất là khả năng tiếp cận tín dụng cũng như thị trường xuất khẩu.
Kinh tế VN năm 2010 đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao (6,78%) trong khi lạm phát tăng 11,75%, cao hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế, mất cân đối kinh tế vĩ mô như bội chi ngân sách, nhập siêu, thâm hụt cán cân tài khoản vãng lai, nợ nước ngoài tăng nhanh và tín nhiệm tín dụng đã bị hạ thấp.
Điều đó để lại gánh nặng cho năm 2011 như lạm phát cao kéo theo lãi suất ngân hàng tăng vọt. Biến động tỉ giá cũng rất mạnh, tình trạng hai tỉ giá làm tăng chi phí cho DN, không khuyến khích DN kiếm thêm ngoại tệ.
Chính phủ đã cam kết giữ ổn định tỉ giá, giá điện và xăng dầu cho tới Tết Nguyên đán, vậy sau đó có giữ ổn định được nữa hay không? Giá điện, xăng dầu sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng khác, từ tư liệu sản xuất cho tới mớ rau, quả trứng.
Không chỉ DN mà đời sống người dân đều sẽ bị ảnh hưởng và khó khăn hơn. Việc hàng loạt tổ chức tín dụng quốc tế giảm mức tín nhiệm với VN trong năm 2011 cũng sẽ khiến DN chúng ta gặp khó khi huy động vốn trên thị trường thế giới vì phải chịu lãi suất cao hơn.
Tiếp tục cải cách, đánh thức tiềm lực
Điều hành nhất quán
Cần tiến hành các biện pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, điều chỉnh thị trường vàng, tỉ giá một cách nhất quán để người dân và DN có thể tin tưởng và làm theo chứ không phải đối phó chính sách. Nếu tỉ giá cứ biến động mạnh như cuối năm 2010, người dân sẽ chỉ dồn tiền vào bất động sản, vàng hay chứng khoán và tình hình sẽ không diễn biến theo định hướng mong muốn. |
Vì thế, ưu tiên hàng đầu và là điều quan trọng nhất đối với năm 2011 là phải đẩy mạnh cải cách, tái cơ cấu kinh tế với nỗ lực cao nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, tạo niềm tin cho DN và người dân, đánh thức những tiềm lực mà nền kinh tế đã tích tụ được.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới, từ năm 1993 tới nay, VN đã nhập 1.000 tấn vàng, tương đương 45 tỉ USD; hay chỉ riêng trong năm 1999, cán cân thanh toán quốc tế của VN đã “lỗi và sai sót” 9,4 tỉ USD, tức là tiền đã chảy vào dân mà không quay lại ngân hàng.
Điều đó có nghĩa là đang có một lượng tiền rất lớn trong dân cư nhưng chưa được huy động vào đầu tư, sản xuất mà có thể đã chảy vào vàng, bất động sản.
Tiết kiệm, tối ưu hóa đầu tư
Từ thực tế trên, cần giảm bớt tham vọng tăng trưởng với tốc độ cao bằng bất kỳ giá nào. Nhà nước cần đi đầu và gương mẫu trong tiết kiệm, cắt giảm mạnh mẽ bội chi ngân sách, giảm chi tiêu lãng phí, phô trương, hình thức, giảm đầu tư kém hiệu quả.
Tất nhiên, mục tiêu tăng trưởng 7% - 7,5% trong năm 2011 mà Chính phủ kỳ vọng vẫn có thể đạt được nếu có những cải cách đủ mạnh mẽ và được thực hiện có hiệu lực.
Cải cách hành chính phải làm giảm được chi phí về thời gian, tiền bạc cho người dân và DN. Làm được như vậy sẽ vừa giảm bội chi ngân sách vì không phải huy động quá nhiều trái phiếu Chính phủ trên thị trường. Tổng vốn trên thị trường có hạn nên nếu huy động nhiều trái phiếu Chính phủ sẽ dẫn tới hạn chế nguồn vốn cho DN nhỏ và vừa.
Tái cơ cấu nền kinh tế là đòi hỏi then chốt cho tăng trưởng bền vững. Cần chuyển mô hình tăng trưởng về chiều rộng như lâu nay, vốn coi trọng số lượng, dựa quá nhiều vào đầu tư vốn, khai thác tài nguyên, nhân công rẻ... sang tăng trưởng coi trọng chất lượng với các mặt hàng giá trị gia tăng cao, giàu hàm lượng chất xám, nguồn nhân lực có chất lượng...
Tức là phải thay đổi cả một hệ thống động lực để không diễn ra tình trạng cơ quan, địa phương, DN Nhà nước nào cũng thích đầu tư bởi cứ có đầu tư là có tỉ lệ chia chác nhất định. Cần lưu ý rằng hiện nay, nhiều nơi đầu tư chỉ còn lại 40% - 50% trong giá trị tài sản cố định, phần còn lại là “biến mất”. “Biến mất” như vậy chính là cơ hội cho tham nhũng, lợi ích nhóm.
TS Lê Đăng Doanh
người lao động
|