Kinh tế, đối nội và đối ngoại 2010
Về phương diện kinh tế, năm 2010 khép lại với tốc độ tăng trưởng cao hơn một chút so với kỳ vọng, song với những cái giá phải trả rất đắt: lạm phát so với cùng kỳ năm trước lên tới 11,75%, lãi suất cho vay tăng vọt lên 15-18%, chênh lệch tỷ giá trong và ngoài ngân hàng lên tới trên 10%, nhập siêu (không kể vàng) xấp xỉ 15 tỉ đô la, dự trữ ngoại hối đã giảm xuống mức thấp, thâm hụt ngân sách vẫn nằm ngoài ngưỡng an toàn…
Rõ ràng là ổn định vĩ mô cho đến nay vẫn chỉ dừng lại ở ước muốn chứ chưa đi vào đời sống kinh tế. Nguyên nhân chính là do việc quá ham chạy theo tăng trưởng ngắn hạn trong một nền kinh tế kém hiệu quả, đặc biệt là ở khu vực doanh nghiệp nhà nước. Không những thế, chính sách tiền tệ và tài khóa thiếu phối hợp, thậm chí mâu thuẫn nhau, khiến cho môi trường vĩ mô vốn đã bất ổn càng trở nên bất định và ẩn chứa nhiều bất trắc.
Trong môi trường này, phản ứng phổ biến của doanh nghiệp là phòng thủ hay đánh quả, phản ứng phổ biến của người dân có tiền là tích trữ vàng, đô la, hay bất động sản - các hành vi không những không tạo ra giá trị gia tăng mà còn làm tăng thêm sự bất ổn của thị trường và của môi trường vĩ mô.
Về phương diện đối nội, một sự kiện nổi bật trong năm 2010 là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sự kiện này qua đi với những vui buồn lẫn lộn. Nhưng có lẽ buồn nhiều hơn vui. Gọi là “đại lễ” song người ta không cảm nhận được phần “lễ”, phần tinh thần của hào khí Thăng Long ngàn năm trước, mà chỉ vui vẻ trong chốc lát nhờ sự hoành tráng của phần “hội”.
Việc dời đô 1000 năm trước đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của dân tộc. Từ mảnh đất Hoa Lư nhỏ bé và hiểm trở, dễ thủ khó công tiến ra Thăng Long, một dải đồng bằng, hiên ngang đối diện với người láng giềng phương Bắc. Chỉ mấy chục năm sau, cũng từ kinh đô Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám ra đời, đánh dấu sự chủ động tiếp nhận Nho giáo như một học thuyết trị quốc.
Từ đó trở đi cho đến giữa thế kỷ 19, đất nước nhìn chung vắng bóng giặc ngoại xâm chiếm đóng lâu dài, vốn là một tiền đề quan trọng để phát triển. Vượt trên mọi thăng trầm thế sự, tinh thần độc lập, tự cường, và nhân văn xuyên suốt theo dòng lịch sử, từ “Sông núi nước Nam” của Lý Thường Kiệt đến “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, và “Tuyên ngôn độc lập” của Hồ Chí Minh khiến người dân đất Việt từ nay có thể khảng khái ngẩng cao đầu trong trời đất. Tinh thần ấy của một thủ đô tuy quy mô khiêm nhường nhưng tràn đầy hào khí khiến lân bang và quốc tế phải nể trọng.
Đó chính là điều những người có đôi chút ưu tư về thời thế chờ đợi ở “đại lễ” lần này, và có lẽ đó cũng là nguyên nhân chính khiến họ thất vọng. Hà Nội ngày hôm nay rộng và đông hơn Thăng Long hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Song về cốt cách và tinh thần, thủ đô ngày hôm nay còn phải học lại rất nhiều từ cha ông ta ngàn năm trước.
Về phương diện đối ngoại, năm 2010 thực sự là một thành công ngoài mong đợi. Có thể nói nền ngoại giao Việt Nam là điểm sáng nhất trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước trong năm 2010. Tự tin và đĩnh đạc, Việt Nam đã rất thành công trong vai trò Chủ tịch ASEAN và đã để lại dấu ấn quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực, tại hầu hết các diễn đàn ngoại giao khu vực và quốc tế. Việt Nam đã rất khéo léo trong việc vận dụng sức mạnh của ngoại giao đa phương để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia, từ đó đáp ứng nguyện vọng của người dân. Không những thế, với việc mở rộng đối tượng thành viên, đặc biệt là sự tham gia lần đầu của Nga và Mỹ, tại Hội nghị cấp cao Đông Á và Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng, Việt Nam đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế và tính liên kết của ASEAN, qua đó bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và tự do hàng hải trên biển Đông.
Ở một “mặt trận” khác, giao thoa giữa kinh tế và ngoại giao, Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao cũng đã rất chủ động trong các hoạt động đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Phạm vi của TPP rộng hơn nhiều so với Hiệp định Tự do thương mại ASEAN và thậm chí cả WTO. Chẳng hạn như TPP bao gồm cả các quy tắc liên quan đến đầu tư, mua sắm chính phủ, chống độc quyền, và di chuyển lao động.
Đồng thời, TPP cũng chú trọng đến việc bảo đảm quyền tiếp cận hiệp ước dễ dàng hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, điều đặc biệt quan trọng với Việt Nam vì trên 95% doanh nghiệp của nước ta thuộc loại này. Với sự chủ động của các bộ ngành liên quan, hy vọng rằng lần này các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp sẽ được chuẩn bị tốt hơn để khai thác cơ hội và hạn chế rủi ro đi kèm với TPP chứ không bị động như lần gia nhập WTO trước đây.
Hà Nội ngày hôm nay rộng và đông hơn Thăng Long hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Song về cốt cách và tinh thần, thủ đô ngày hôm nay còn phải học lại rất nhiều từ cha ông ta ngàn năm trước. |
Vũ Thành Tự Anh
tbktsg
|