Chủ Nhật, 02/01/2011 08:58

Những cơn say nắng và khái niệm tăng trưởng âm

Sau nhiều năm tiến hành đô thị hoá, hiện đại hoá, thành phố chúng ta có nhiều biến chuyển tích cực, phát triển nhanh về chiều rộng (quy mô, số lượng) nhưng như thế vẫn chưa đủ. Đã đến lúc chúng ta cần dành sự quan tâm đặc biệt hơn đến phát triển chiều sâu trong chất lượng sống để làm sao cùng lúc vừa đảm bảo được tăng trưởng kinh tế (cũng không nhất thiết phải là tăng trưởng hai con số) và vừa đảm bảo phát triển một xã hội hài hoà giữa tất cả các mặt kinh tế – văn hoá – xã hội. Sự phát triển thiên lệch, dù về phía nào, đều là bất lợi cho Chính phủ và người dân.

Giảm bớt những nỗi lo

Trong một nghiên cứu gần đây trên 1.000 hộ gia đình và 1.000 cá nhân, PGS. Trần Hữu Quang, viện nghiên cứu Nam bộ bền vững đã thu được kết quả cho thấy chỉ có 64% trong số người được hỏi cho biết là họ cảm nhận được sự thoải mái khi sống ở thành phố; còn lại, có nhiều điều khiến người dân thành phố không hài lòng (xem bảng dưới).

Sự thực thì bất kỳ thành phố nào, ở bất kỳ giai đoạn nào cũng có những vấn nạn nảy sinh là điều không tránh khỏi, nhưng vấn đề là ở chỗ đừng để cho chúng trở nên quá trầm trọng và kéo dài quá lâu làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Cứ sau mỗi năm chính quyền các thành phố lại đưa ra con số thống kê và báo cáo thường niên về những thành quả đạt được. Người bên ngoài khi cần tìm hiểu về chất lượng sống của một thành phố có thể dựa trên các số liệu thống kê công bố hàng năm này. Ở các bảng thống kê đó, người đọc thường tìm được những con số rất ấn tượng, các biểu đồ hoành tráng. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như vì bệnh thành tích, những con số đó đôi khi chỉ là con số ảo về một bức tranh phát triển màu hồng mà làm thiếu đi tính phản ánh chân thực về chất lượng sống của người dân. Hiện tượng này phổ biến ở khá nhiều nơi trên thế giới.

Chất lượng sống được hiểu là sự mong đợi của người dân và sự đáp ứng từ thực tế cho cuộc sống của gia đình, cá nhân nơi đô thị. Nó được biểu thị ra thành một hệ thống các chỉ báo và có thể đo lường được bao gồm năm lĩnh vực chính yếu nhất của đời sống:

1. Điều kiện sống cơ bản: thu nhập, nhà ở, mức dinh dưỡng, nước sạch, giao thông, việc làm... 2. Thiết chế và tổ chức xã hội: mức độ dân chủ, năng lực quản lý, tiếp cận hành chính công… 3. Môi trường sống tự nhiên: cây xanh, mặt nước, nguồn nước, không gian công cộng, không gian cộng đồng, chất lượng không khí, xử lý rác thải,... 4. Môi trường xã hội: an ninh, an toàn, mức độ bình đẳng, khả năng tiếp cận các thiết chế công... 5. Văn hoá – y tế – giáo dục: phổ cập giáo dục, tiếp cận dịch vụ y tế, số bác sĩ, luật sư, giáo viên trên 1.000 dân, chi phí cho tiêu dùng văn hoá – giáo dục (học phí, mua sách, thưởng thức nghệ thuật, du lịch...).

Nhưng, ngay cả khi các số liệu thống kê được coi là chính xác thì thật ra chúng cũng không nói được gì nhiều về những điều mà không báo cáo nào thể hiện hết được, đó là những bất bình đẳng trong thu nhập, phân phối, giới và thụ hưởng văn hoá... trong cuộc sống đời thường mỗi ngày ngoài xã hội. Thêm vào nữa là những sức ép tâm lý trong giáo dục, mâu thuẫn xã hội, bất an trong đời sống, bấp bênh việc làm và những nỗi lo lắng chìm sâu trong giấc ngủ hàng đêm…

Vì vậy, khi nghiên cứu về chất lượng sống, các nhà nghiên cứu thực thụ không khi nào đến các trung tâm thương mại, các toà cao ốc chọc trời hay các khu ở cao cấp. Họ thường tìm đến những “góc khuất” của đô thị để phát hiện ra những khía cạnh không bao giờ có hoặc có nhưng rất mơ hồ trong các báo cáo và ở đó, họ tiếp cận với người dân, để biết và cảm nhận thực sự về cuộc sống của những người dân, từ đó vẽ ra bức chân dung thực về đời sống đô thị.

Những ước muốn đơn giản

Trong khi nhà chính trị quan tâm đến việc làm sao có được GDP trên hai con số, làm sao FDI tăng lên hàng năm thì người dân thường lại rất quan tâm đến tiền chợ bị mất giá hàng ngày và làm sao để với chừng đó tiền, bữa ăn của gia đình họ đừng quá thiếu thốn, nghèo nàn. Nếu nhà chính trị hài lòng với các lễ động thổ, lễ cắt băng khánh thành công trình, các phong trào rầm rộ thì người dân lại thường chỉ quan tâm đến môi trường giáo dục nơi con em họ học tập, môi trường xã hội nơi gia đình họ đang sống. Họ chỉ mong sao con em họ có thể an toàn cả về thể xác lẫn tinh thần sau một ngày học tập ở trường hay làm việc ở cơ quan, doanh nghiệp...

Tất nhiên, sự kỳ vọng của người dân vào một xã hội tốt đẹp thường bao giờ cũng cao hơn khả năng đáp ứng của một thể chế, nhưng cái quan trọng là khoảng cách đó đừng quá lớn và quá khác biệt về hướng đích nhắm đến.

Vào những năm 1980, nhiều chuyên gia kinh tế phương Tây đã cho rằng một thành phố chỉ nên nói đến “chất lượng sống” khi thiết lập được một mức thu nhập tương đối khá, tệ nhất thì thu nhập trung bình tính trên đầu người/tháng cũng phải hơn 1.200 USD, hay nói cách khác, khi còn nghèo chưa đủ ăn thì chưa thể bàn đến sự thấp, cao trong chất lượng sống. Vì thế, thông thường chính quyền từ địa phương đến Trung ương của các quốc gia quan tâm trước nhất và quan trọng nhất đến số lượng tăng trưởng hơn là chất lượng.

Chính vì điều này mà không ít quốc gia đặt “tăng trưởng kinh tế” lên hàng đầu và trở thành mục tiêu duy nhất phải đạt được bằng mọi giá với khẩu hiệu “tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng”. Nhưng tiếc thay sau khi đạt được tăng trưởng kinh tế cao, quay đầu nhìn lại thì cái giá phải trả quá đắt. Môi trường tự nhiên bị huỷ hoại, tài nguyên bị cạn kiệt do phải khai thác nhanh để trả nợ nước ngoài, quan hệ cộng đồng bị phá vỡ, đạo đức truyền thống bị suy giảm, bất bình đẳng quá lớn, gia đình tan vỡ, tội phạm tăng cao… Khái niệm “tăng trưởng âm” ra đời từ thực tế này. Nó cho thấy sau khi trừ đi số chi phí phải trả cho việc khắc phục những thiệt hại do cơn say nắng “tăng trưởng” tạo ra, không có chút lời lãi nào từ kết quả tăng trưởng bằng mọi giá như thế.

Cũng từ thực tế của các nước đi trước, người ta mới rút ra được một kinh nghiệm rằng hoàn toàn có thể tạo ra được một xã hội sống tốt, một đô thị có chất lượng sống đảm bảo ngay cả khi xuất phát điểm chưa cao, không cần phải đợi đến khi thật nhiều tiền mới chăm lo cho văn hoá, giáo dục và đời sống tinh thần.

Do nhận thức được điều này mà từ năm 2007, đảng Cộng sản và nhà nước Trung Quốc đã chuyển hướng chiến lược từ tìm kiếm “tăng trưởng nóng” sang “phát triển xã hội hài hoà”. Họ quan niệm một quốc gia cũng giống như một gia đình, không cần giàu xổi quá nhanh và đời sống chỉ khá giả một chút nhưng xã hội ổn định, mọi người thân thiện, cuộc sống an bình vẫn tốt hơn một xã hội chỉ có một số người giàu nhanh nhưng lúc nào cũng trong tình trạng bất an.

Vấn đề chưa hài lòng

Biểu hiện

An toàn và an ninh công cộng chưa bảo đảm.

Chết vì điện giật, sa hố, tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm.

Yếu kém của cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Ngập nước, kẹt xe, hố tử thần, lôcốt.

Lối sống tiêu cực tác động đến thanh thiếu niên.

Đua xe, bạo lực học đường, game online, ma tuý.

Ô nhiễm môi trường.

Ô nhiễm không khí, nước mặt, nước ngầm, rác thải.

Đồng tiền mất giá nhanh.

Giá cả thực phẩm leo thang, giá xăng dầu, vật liệu xây dựng tăng nhanh.

Thủ tục hành chính còn phiền hà.

Thủ tục nhà đất, thủ tục liên quan doanh nghiệp, hải quan.

TS Nguyễn Minh Hòa

SÀI GÒN TIẾP THỊ

Các tin tức khác

>   Niềm tin triển vọng tươi sáng kinh tế Việt Nam năm 2011 (02/01/2011)

>   Triển vọng kinh tế 2011: Năm của niềm tin (02/01/2011)

>   Chính phủ: “Năm 2011 không tăng trưởng bằng mọi giá” (02/01/2011)

>   Tổng cục Thống kê: “Lạm phát là biểu hiện của tiền ra” (02/01/2011)

>   Lạm phát 2010: Yếu tố tiền tệ không phải là chủ yếu? (02/01/2011)

>   Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế (01/01/2011)

>   Ổn định vĩ mô và sự “bảo thủ” cần thiết trong điều hành (01/01/2011)

>   Yếu tố tiền tệ góp hơn 4,6% vào tỷ lệ lạm phát (31/12/2010)

>   Năm 2010: GDP bình quân đạt 1.168 USD (31/12/2010)

>   Thực hiện đồng bộ biện pháp kiểm soát lạm phát, lãi suất, giá cả (31/12/2010)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật