Thị trường ngày 21/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán
(Vietstock) - Do chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường có thể sẽ tiếp tục chứng kiến dòng tiền ít biến chuyển khi hầu hết các nhà đầu tư đều đứng ngoài thị trường.
VN-Index đối mặt với rủi ro ngắn hạn
CTCK Bảo Việt (BVS): Dù chưa có thông tin đầy đủ nhưng chúng tôi thiên về khả năng hoạt động mua ròng và đẩy giá liên tục của khối ngoại đối với 2 cổ phiếu MSN và BVH có liên quan tới việc nhà đầu cơ lướt sóng các chứng chỉ quỹ ETF niêm yết ở nước ngoài.
Sáng nay, thông tin về chỉ số CPI của 2 thành phố lớn là Hà Nội và Tp.HCM cũng đã được công bố. Với mức tăng CPI của Hà Nội là 1.68% và Tp.HCM là 1,01%, lạm phát của cả nước trong tháng 1 nhiều khả năng sẽ dao động ở mức từ 1.3 – 1.5%. Chúng tôi đánh giá con số này thấp hơn khá nhiều so với kỳ vọng trước đó của nhà đầu tư (1.7% - 2%). Quan trọng hơn, diễn biến này rất có thể mở đầu cho chu kỳ đi xuống của lạm phát, bắt đầu từ sau thời điểm Tết Âm lịch.
Mặc dù giữ quan điểm rất tích cực về thị trường trong trung và dài hạn song chúng tôi cũng đánh giá VN-Index đang đối mặt khá nhiều rủi ro trong ngắn hạn, chủ yếu là diễn biến tâm lý nhà đầu tư trong nước còn hoang mang trước sự chi phối Index của một số mã vốn hóa lớn.
Vietstock nhận định:
Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, VN-Index sắp test Fibonacci Retracement 261.8%. Sau khi đạt đến mục tiêu giá (target price) của mẫu hình Triangle, giá sẽ phải đối mặt với một ngưỡng cản mới: Fibonacci Retracement 261.8% (tương đương vùng 513 – 517 điểm). Theo đánh giá của chúng tôi đây là một ngưỡng tương đối mạnh và giá có thể sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua ngưỡng cản này.
HNX-Index vẫn tiếp tục tình trạng giằng co mạnh, khi bứt phá rất mạnh trong phiên nhưng sau đó thoái lùi đáng kể. Điều này cho thấy sức kháng cự của middle của Bollinger Bands. Nếu như trong vài phiên tới giá có thể phá vỡ ngưỡng này thì sẽ là tín hiệu tích cực cho thị trường (xem chi tiết). |
Do vậy, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nắm giữ danh mục hiện tại hoặc giảm tỷ trọng cổ phiếu xuống dưới 100% nhằm hạn chế rủi ro trong ngắn hạn.
Cụ thể, BVS khuyên nhà đầu tư giảm tỷ trọng cổ phiếu về 50% và chỉ bắt đầu giải ngân khi xảy ra bán mạnh đồng thời chỉ số về vùng hỗ trợ 100.
Quan tâm đến danh mục hơn là cổ phiếu
CTCK Thăng Long (TLS): Tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng” vẫn tiếp diễn trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong khi chỉ số VN-Index liên tiếp có sự gia tăng mạnh mẽ từ đầu năm thì thực tế không nhiều danh mục cổ phiếu của các nhà đầu tư (cá nhân hoặc tổ chức) có lời, thậm chí lỗ…
Câu chuyện về quỹ ETF đang là chủ đề chính trên sàn chứng khoán gần đây. Nhiều giả thiết được đặt ra để lý giải cho hành động thu gom các cổ phiếu vốn hoá lớn, đặc biệt là BVH, đồng thời đẩy VN-Index lên những mức cao mới. Đó có thể là việc thu hút sự chú ý của dòng vốn nước ngoài vào sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua chỉ số chính là VN-Index, hoặc là đẩy giá các cổ phiếu trong danh mục ETF để bán được chứng chỉ quỹ với giá cao. Dù thế nào thì việc nghiên cứu danh mục ETF của các quỹ cũng đang thu hút được sự chú ý của giới đầu tư tại Việt Nam.
Thời điểm hiện tại nhà đầu tư nên quan tâm tới danh mục cổ phiếu của mình hơn là diễn biến của chỉ số. Với việc CPI tháng 1 của Hà Nội và Tp.HCM đang diễn biến theo hướng tích cực, chúng tôi vẫn giữ cái nhìn lạc quan về sự tăng trưởng trong trung và dài hạn của thị trường.
Khối ngoại vẫn nâng đỡ thị trường
CTCK ACB (ACBS): Động thái giải ngân của khối ngoại có thể do một trong các yếu tố sau:
- Trong vài phiên trở lại, VN-Index có mức tăng trưởng cao hơn so với các index khác trong khu vực. Việc đầu tư vào các mã dẫn dắt trên VN-Index, do đó, có thể giúp NĐT nước ngoài phân bố rủi ro trong danh muc đầu tư quốc tế của họ.
- Các mã blue chip trên VN-Index thường có tính thanh khoản cao. Việc tập trung giải ngân vào cổ phiếu blue chip sẽ giảm rủi ro thanh khoản trong danh mục đầu tư của NĐT nước ngoài so với việc đầu tư vào các cổ phiếu mid-cap và penny.
- Thông tin về CPI tháng 1 năm 2011 ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lần lượt tăng 1.01% và 1.68% vừa được công bố. Mặc dù lạm phát vẫn còn là mối lo ngại lớn, nhiều dự báo cho rằng các chính sách kiềm chế lạm phát sẽ không có điều chỉnh lớn cho đến thời điểm sau Tết. Do đó, đầu tư vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn trong thời điểm hiện tại là một hoạt động đầu tư mang tính chiến lược nhằm tránh các rủi ro từ biến động về các chính sách tiền tệ có thể ảnh hưởng tiêu cực lên giá cổ phiếu.
Nhìn chung, sự hiện diện của khối ngoại trong các phiên giao dịch vừa mang nhiều tác động tích cực lên VN-Index. Chúng tôi cho rằng khối ngoại sẽ tiếp tục nâng đỡ thị trường trong một vài phiên tới.
Về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn với mục tiêu tiếp theo tại 515-520. HNX-Index vẫn đang trong xu hướng giảm ngắn han và có thể về ngưỡng hỗ trợ 100.
Dòng tiền sẽ ít chuyển biến
CTCK Sacombank (SBS): Nếu loại bỏ các blue-chip nâng đỡ thị trường như BVH và MSN, thì thị trường hiện tại dường như vẫn đi ngang trong xu hướng giảm. Qua đó, một số cổ phiếu bắt đầu biến động theo thị trường cho thấy động thái tăng nhẹ khiến thị trường vẫn có một xu hướng cân bằng về trạng thái. Điều có thể nhìn thấy được là kịch bản bull-trap trong 2 phiên gần đây với lực bán về cuối phiên đang khiến thị trường luôn đóng cửa với nhiều cổ phiếu giảm hơn lúc đầu phiên (điều này được thể hiện rõ nét hơn trên biểu đồ HNX-Index).
Mặc dù thanh khoản tại sàn HOSE vẫn đang giữ ở mức ổn định nhưng thanh khoản của sàn HNX lại trở về với mức thấp kỷ lục như trước đây. Tuy vấn đề thanh khoản đang trở thành áp lực cho sàn HNX nhưng SBS vẫn cho rằng đây là thời gian tốt dành cho mục đích đầu tư trung và dài hạn. Do chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trường có thể sẽ tiếp tục chứng kiến dòng tiền ít biến chuyển khi hầu hết các nhà đầu tư đều đứng ngoài thị trường.
Tuy nhiên, dưới góc độ kỹ thuật, chúng tôi vẫn giữ quan điểm xu hướng tăng mạnh sẽ trở lại sau kỳ nghỉ lễ và thị trường có thể sẽ đi vào chu kỳ tăng trưởng chính ấn tượng.
Khả năng tiếp tục tăng điểm không nhiều
CTCK Sài Gòn – Hà Nội (SHS): Thị trường tăng điểm trở lại sau 3 phiên giảm điểm liên tiếp. Nhóm cổ phiếu nhỏ đã chịu sức ép bán ra trong các phiên giao dịch trước đều thu hút được sức cầu. Nhưng diễn biến thị trường tăng nhẹ với thanh khoản thấp, VN-Index đóng cửa thấp hơn giá mở cửa cho thấy lực cầu chưa có nhiều cải thiện. Thị trường tăng điểm chủ yếu nhờ phía cung hạn chế bán ra.
Phiên tăng nhẹ hôm nay chưa cho nhiều tín hiệu tích cực về kỹ thuật. Thanh khoản toàn thị trường tiếp tục giảm sút cho thấy động lực thị trường ở mức thấp. Trong bối cảnh các sức ép vĩ mô về lạm phát, lãi suất còn ở mức cao theo chu kỳ, nhà đầu tư sẽ còn duy trì quan điểm thận trọng. Thanh khoản trên thị trường sẽ là yếu tố được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm để đánh giá dòng tiền vào thị trường, từ đó ra quyết định đầu tư.
Hôm nay thị trường đón nhận thông tin lãi suất huy động USD tăng khá mạnh cho thấy nhiều khả năng các Ngân hàng đã đẩy mạnh huy động ngoại tệ, khi thời điểm cuối năm thường là cao điểm của dòng kiều hối. Nguồn tăng cung này sẽ khiến áp lực tỷ giá VND/USD cho đến Tết Âm lịch không quá căng thẳng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, vấn đề lạm phát và lãi suất vẫn sẽ tạo sức ép đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó cản trở động lực thị trường.
SHS duy trì quan điểm với thanh khoản thấp hiện tại, thị trường chưa đủ hấp dẫn để thu hút lượng cầu tiềm năng. Khả năng để thị trường tiếp tục tăng điểm mạnh không nhiều. Nhà đầu tư chỉ nên xem xét tham gia thị trường khi thanh khoản toàn thị trường được cải thiện đáng kể. Trong trường hợp thị trường tăng với thanh khoản yếu, việc nắm giữ tiền mặt chờ đợi tín hiệu tích cực về thanh khoản là hợp lý. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu, với quan điểm ngắn hạn, giai đoạn thị trường tăng điểm là cơ hội điều chỉnh tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt xuống mức hợp lý.
Viết Vinh tổng hợp
|