Thứ Năm, 20/01/2011 07:26

Sàn chứng khoán năm nay sẽ ngập tiếng cười?

Ổn định vĩ mô là mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong điều hành kinh tế 2011. Đây là cơ sở để thị trường chứng khoán (TTCK) kỳ vọng sẽ có tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, quá trình đó còn phụ thuộc vào nhiều ẩn số và cần thêm những động lực.

Không khí lạc quan bao trùm

Công ty Chứng khoán SME cho rằng, TTCK 2011 sẽ có cơ hội tăng trưởng cao hơn kỳ vọng nếu được hỗ trợ bởi các yếu tố như: lạm phát được kiểm soát ngay sau Tết âm lịch và nằm trong dự kiến 7,5%; tỷ giá trên ổn định hơn, dao động trong ngưỡng 20.500-21.000 VND/USD; giá vàng ổn định dài hạn ở mốc 1.400 USD/ounce, lãi suất giảm dần về 12-14% trong quý II/2011.

SME tự tin khi cho rằng, thị trường hiện nay không thiếu vốn, vấn đề chính là dòng tiền đi về đâu. Áp lực bắt buộc phải kiềm chế lạm phát, giữ giá đồng tiền và cân bằng cán cân thanh toán, hạ tỷ suất lãi cho vay sẽ là động lực thúc đẩy để dòng tiền đi vào TTCK thông qua cổ phiếu và trái phiếu nhiều hơn. 2011 là năm được nhiều kỳ vọng với dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân đã rời bỏ thị trường trong năm vừa qua sẽ trở về và dòng vốn đầu tư từ nước ngoài được tăng lên.

Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định, năm nay, VN-Index sẽ tiếp tục biến động nhưng vẫn tăng trưởng 20-25%. Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất thấp hơn và lạm phát ổn định hơn. Từ góc độ kinh tế vĩ mô, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 7% trong năm 2011, xuất khẩu sẽ tiếp tục bứt phá và thâm hụt thương mại sẽ ổn định. Tiêu dùng tiếp tục tăng trưởng tốt và đầu tư sẽ dần quay trở lại.

Hưởng ứng sự lạc quan trên, Công ty chứng khoán Âu Việt (AVS) tin rằng, TTCK sẽ có cơ hội hồi phục cùng với 3 triển vọng kinh tế là sự ổn định của lạm phát và tỷ giá; những thuận lợi trong quá trình hội nhập mang lại cho DN và nền kinh tế cũng như sự ổn định và thuận lợi hơn trong chính sách tiền tệ.

Ông Nguyễn Việt Cường, Phó giám đốc điều hành VinaCapital, cho rằng, khả năng kéo lùi lạm phát, hạ lãi suất, ổn định tỷ giá và kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong 2011 của các DN sẽ quyết định mức tăng trưởng của VN-Index.

VN-Index sẽ có bước tăng trưởng vào nửa sau của năm 2011, dao động trong khoảng 500-600 điểm khi lạm phát về  8-9%, lãi suất huy động về 12% và cho vay ở khoảng 15%, tỷ giá ổn định.

Còn ông Trần Đắc Sinh - Tổng giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HSX) dự đoán, năm 2011, TTCK Việt Nam còn tăng trưởng mạnh mẽ hơn năm 2011. Số lượng các DN CPH nhiều, nhu cầu huy động vốn của các doanh nghiệp qua kênh thị trường chứng khoán cũng đang tăng mạnh.

Ngoài ra, Luật chứng khoán sửa đổi đã được Quốc hội thông qua; các phương thức giao dịch mới như giao dịch ký quỹ, cho phép nhà đầu tư nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản hay cho giao dịch T+2 cũng đang được xem xét áp dụng... Tất cả những động thái trên là điều kiện để thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ còn phát triển vững bền và mạnh hơn so với thực tại.

Những ẩn số

Mặc dù lạc quan nhưng các kịch bản tăng trưởng đều tỏ ra rất thận trọng khi tính đến rất nhiều điều kiện cụ thể cho mỗi phương án tăng trưởng của VN-Index.

Ông Lê Xuân Nghĩa - Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia, lo ngại, các yếu tố đã từng làm khó cho TTCK như: lạm phát, tỷ giá và lãi suất luôn được xem là ẩn số có thể tác động đến VN-Index.

Đối với tỷ giá, ông Nghĩa cho biết, bình ổn không có nghĩa là không thể điều chỉnh. Để bình ổn được tỷ giá trong năm 2011 cần sử dụng công cụ thị trường trong điều tiết cung tiền; nỗ lực giảm lạm phát xuống và Ngân hàng Nhà nước có thể phải can thiệp để giảm chênh lệch tỷ giá giữa thị trường tự do và chính thức. Cuối cùng, nếu cần thiết, sẽ phải thực hiện điều chỉnh tỷ giá.

Việc điều chỉnh tỷ giá có thể nằm trong dự tính của nhiều DN. Tuy nhiên, điều thị trường lo lắng là việc điều hành giật cục và rất khó dự đoán của chính sách tỷ giá và tiền tệ như thời gian qua luôn đẩy DN vào thế bị động và khó khăn. Thậm chí, có trường hợp DN đang lãi thành lỗ chỉ vì những biến động chính sách  bất ngờ. Đó chính là một ẩn số.

Trong khi đó, giảm lãi suất luôn là nhân tố được chờ đợi và có tác động lớn đến TTCK. Tuy nhiên, đến nay, lãi suất vẫn còn rất cao và kỳ vọng lãi suất giảm chỉ có thể hiện thực khi lạm phát giảm. Nhưng sự khả quan từ lạm phát, có lẽ phải đợi đến quý II. Bởi vì, khả năng lạm phát giảm trong quý 1 Ià rất thấp và giá cả vẫn đang trong chu kỳ tăng, đồng thời những hệ lụy chính sách 2010 còn kéo dài. Trong khi đó, thông điệp từ cơ quan quản lý cũng cho thấy xu hưởng thắt chặt tiền tệ từ 3-6 tháng.

Tuy nhiên, tất cả những điều đó đều đang ở nằm trong giả định khi lạm phát còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: giá cả thế giới và trong nước, nhu cầu đầu tư và tiêu dùng... Chúng ta cần nhớ rằng, lộ trình giảm lãi suất 2010 đã quá vất vả như thế nào thì TTCK dù rất kỳ vọng nhưng cũng khó khẳng định điều này.

Chính vì thế, trong nhận định của mình, Công ty Chứng khoán Thăng Long dự đoán, CPI bắt đầu giảm dần từ nửa sau của quý I, giảm mạnh hơn trong quý II và đạt đáy trong quý III. Trên cơ sở đó, mặt bằng lãi suất cho vay được kỳ vọng sẽ giảm từ quý I và giảm mạnh hơn trong quý II, tạo đáy trong quý III/2011. Sau đó, lãi suất có thể tăng nhẹ vào quý IV.

Còn SSI tỏ ra thận trọng khi cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ không nới lỏng tiền tệ sớm vì thận trọng không để lạm phát gia tăng trở lại vào cuối năm nay. Theo SSI, mức tăng giá tiêu dùng thời gian gần đây biến động khá bất thường chủ yếu do yếu tố lương thực, thực phẩm (chiếm 39,93%) rất khó dự đoán chính xác. Các yếu tố chính đẩy lạm phát trong 2011 gồm có giá cả hàng hóa leo thang, thời tiết bất ổn, tăng giá than và điện, và đồng Việt Nam tiếp tục mất giá.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, vấn đề cũng hết sức đau đầu đối với khả năng kìm giữ CPI là hàng loạt hàng hóa cơ bản có khả năng tăng giá như xăng dầu, điện, than và cả tỷ giá. Bên cạnh đó, yếu tố quan trọng nhất đẩy CPI tăng cao là giá nông phẩm sẽ sụt giảm mạnh từ tháng 3/2011 trở đi. Khả năng lạm phát sẽ giảm nhẹ vào cuối quý I, đầu quý II và giảm mạnh từ đầu quý III.

Chính vì thế, dù co niềm tin lớn vào sự ổn định của kinh tế trong năm 2010 nhưng TTCK vẫn đang thận trọng. Với một cam kết ổn định và kiềm giữ lạm phát hẳn khó có một chính sách tiền tệ nới lỏng dễ dàng. TTCK rất nhạy cảm với các động thái thắt chặt tiền tệ. Do đó, chừng nào những tín hiệu về khả năng CPI giảm dần sẽ tác động tích cực đến tâm lý nhà đầu tư.

Tuy nhiên, với quan điểm ưu tiên ổn định thì không dễ đề thuyết phục một sự đảo chiểu chính sách tiền tệ khi lạm phát mới chỉ có dấu hiệu giảm. Do đó, tất cả đều được đặt trong tầm giả định và ẩn số khó đoán của thị trường.

Cần thêm những động lực

Trong khi những yếu tố tác động trực tiếp đến thị trường như lạm phát, tỷ giá, lãi suất đang được cho là những ẩn số và TTCK dù có nhiều kỳ vọng nhưng vẫn được cho rằng khó có sự khởi sắc sớm vào đầu năm. Hy vọng lớn nhất được đặt vào nửa sau của năm 2011 khi mọi thứ dường như đã rõ ràng hơn. Tuy nhiên, để thị trường được hỗ trợ và tăng trưởng vững chắc hơn sẽ cần thêm nhiều động lực để kích thích.

Đáng nói nhất là từ 1/7, Luật Chứng khoán bổ sung có hiệu lực, trong đó  việc trao thêm quyền cho UBCK nhằm tăng cường giám sát, và điều tra xử lý nạn làm giá, thao túng giá cổ phiếu... sẽ khiến cho thị trong sạch và nhà đầu tư được bảo vệ. Một thị trường minh bạch và an toàn bao giờ cũng là một thị trường hấp dẫn về dài hạn.

Trong khi đó, từ phía các công ty chứng khoán lại đang kỳ vọng đẩy nhanh lộ trình triển khai các sản phẩm chứng khoán phái sinh, một việc đã được đề cập đến từ lâu và được các nhà đầu tư mong đợi và có thể giúp họ tạo ra lợi nhuận ngay cả khi thị trường đi xuống.

Công ty chứng khoán Mê Kông nhìn nhận, nhiều nhà đầu tư trên thế giới đang thực sự quan tâm Việt Nam, nhưng họ gặp phải những rào cản hành chính phức tạp. Việt Nam rất cần phải sửa đổi các quy định nhằm giúp việc mở tài khoản dễ dàng hơn, kéo dài thời gian giao dịch, giảm T+ và xoá bỏ quy định một khách hàng chỉ được sử dụng dịch vụ của một công ty chứng khoán.

Điều này sẽ giúp TTCK Việt Nam thu hút được dòng vốn ngoại đáng kể và giảm bớt áp lực đối với cán cân thanh toán, từ đó giảm áp lực đối với tiền đồng, ổn định tâm lý trên thị trường ngoại hối.

Ủng hộ quan điểm này, đại diện Công ty chứng khoán Phố Wall nhấn mạnh, những nghiệp vụ mới như giao dịch ký quỹ, bán chứng khoán ngày T+2 hay mua bán cùng một loại chứng khoán trong phiên, người đầu tư được phép mở nhiều tài khoản giao dịch... đã được cơ quan quản lý "ấp ủ" từ lâu, nếu được triển khai sẽ là một bước phát triển mới của TTCK, nhằm tạo ra những động lực tích cực cho thị trường phát triển.

Lê Khắc

Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Các tin tức khác

>   Thị trường ngày 20/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (19/01/2011)

>   Vốn ngoại: Mừng hay lo? (19/01/2011)

>   Ngày 19/01: Large Cap đẩy VN-Index vượt mốc 500 (19/01/2011)

>   OTC: Rao một đằng, bán một nẻo (19/01/2011)

>   Màn độc diễn của khối ngoại (19/01/2011)

>   Cơ hội của chứng khoán (19/01/2011)

>   Chứng khoán chờ CPI giảm (19/01/2011)

>   Việt Nam sẽ tham gia vào liên kết giao dịch chứng khoán khu vực Đông Nam Á? (18/01/2011)

>   Thị trường ngày 19/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (18/01/2011)

>   UPCoM-Index giảm phiên thứ 2 liên tiếp (18/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật