Màn độc diễn của khối ngoại
Những ngày đầu năm 2011, giới quan sát lại một lần nữa phải để mắt đến hoạt động của các quỹ đầu tư chỉ số ETF (exchange-traded fund) nước ngoài. Sự quan tâm này bắt nguồn từ việc khối ngoại lại bất ngờ thể hiện vai trò dẫn dắt trên TTCK Việt Nam.
Với "chiêu thức" giao dịch tập trung vào một số mã lớn như BVH, MSN…, tuy không mất quá nhiều vốn nhưng các quỹ đầu tư nước ngoài lại gây ảnh hưởng mạnh lên VN-Index. Động thái giao dịch này khiến nhà đầu tư trong nước ở thế bị động khi chỉ số chứng khoán đã không còn phản ánh đúng thực tế thị trường.
Không lạ khi mới đây, một CTCK trong nước đã quyết định loại bỏ 4 mã chứng khoán thường xuyên "bị" khối ngoại đầu cơ, nhằm cung cấp cho nhà đầu tư một chỉ số Index phản ánh xu hướng giá của cả thị trường chính xác hơn.
Chưa có một nghiên cứu, bình luận chính thức nào từ phía cơ quan quản lý về sự hiện diện các ETF tại TTCK Việt Nam. Tuy nhiên theo thống kê của các tổ chức tài chính quốc tế như Rothschild và HSBC, hiện tại, đang có hai quỹ ETF hoạt động. Đó là The Market Vector Vietnam (VNM) do Van Eck Global quản lý và DB X-Trackers FTSE Vietnam của Deutsche Bank. Quy mô mỗi quỹ lên tới hàng trăm triệu USD.
Sẽ rất bình thường khi TTCK Việt Nam trong giai đoạn hội nhập cũng có các sản phẩm, dịch vụ tài chính tương tự như các TTCK phát triển. Tuy nhiên, sự hiển diện và tạo ảnh hưởng mạnh mẽ của các ETF tại TTCK Việt Nam gợi ra nhiều suy nghĩ.
Thứ nhất, một số tổ chức tài chính nước ngoài đang tự do"kinh doanh" Index. Trong khi đó cách đây chưa lâu, một tổ chức tài chính trong nước vừa tung ra ý tưởng "bán" các sản phẩm "ăn theo" Index thì ngay lập tức đã bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tuýt còi.
Ai cũng biết, một thị trường hiệu quả là thị trường luôn có sự cạnh tranh bình đẳng. Bởi vậy, dường như đang có sự không công bằng với các tổ chức tài chính trong nước khi họ phải chịu lép vế trên chính sân chơi của mình và "cuộc chơi" Index thành màn độc diễn của khối ngoại.
Thứ hai, với một số CTCK lớn, Báo ĐTCK đã đặt câu hỏi về việc có điều gì bất thường quanh việc gần đây các nhà đầu tư quốc tế ưa thích bỏ tiền qua hình thức đầu tư gián tiếp (P-Notes, ETF, DR…) thay vì hiện diện trực tiếp tại TTCK Việt Nam? Và câu trả lời chung là, khối ngoại nhiều người phải trở thành nhà đầu tư gián tiếp bất đắc dĩ. Họ vướng một số rào cản để có thể mở tài khoản giao dịch trực tiếp (chẳng hạn như việc xin xác nhận lý lịch tư pháp để được cấp mã số giao dịch).
Cơ quan quản lý thị trường có thể viện lý do rằng, việc ngăn không cho các tổ chức tài chính trong nước kinh doanh Index là để phòng ngừa tình trạng thao túng, làm giá cổ phiếu, còn thủ tục cấp mã số giao dịch cho nhà đầu tư nước ngoài rất chặt chẽ nhằm quản lý, giám sát sự luân chuyển của các dòng vốn nóng và khống chế dòng tiền "bẩn" chảy vào TTCK Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế thị trường hiện nay cho thấy, nhiều giải pháp kỹ thuật như trên đã không còn theo kịp với sự phát triển chung của thị trường. Điều này đòi hỏi các giải pháp mới trên cơ sở thay đổi tư duy và cách thức tiếp cận vấn đề mới có thể giữ được trật tự thị trường và sự công bằng cho chính nhà đầu tư nội.
Giang Thanh
Đầu tư chứng khoán
|