Thứ Năm, 20/01/2011 10:10

Ẩn số sức cầu năm 2011

Lãi suất liên tục leo thang do cung tiền hạn chế khiến các DN phải phát hành lượng lớn CP huy động vốn trong năm 2010. Xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2011 nếu lạm phát còn ở mức cao và lãi suất không hạ. Lực cầu nào sẽ hấp thụ lượng hàng hóa lớn trong năm 2010 là câu hỏi đặt ra với không ít NĐT.

Cung vượt cầu

Theo số liệu từ Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), năm 2010, các DN đã huy động qua TTCK 116.000 tỷ đồng (năm 2007 cao kỷ lục là 127.000 tỷ đồng). Trong đó, 86.000 tỷ đồng được huy động qua phát hành cổ phiếu. Một lượng lớn DN niêm yết mới trong năm qua không phát hành thêm CP nhưng cũng tạo ra lực hút dòng tiền đáng kể trên thị trường.

Nhiều chuyên gia có chung nhận định, lượng hàng hóa trong năm 2011 sẽ tiếp tục tăng trước sức ép lãi suất và nguồn vốn cho đầu tư công. Ông Lưu Nguyễn Chí Nhân, Phó Tổng giám đốc CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Sài Gòn - Hà Nội cho rằng, giá CP giảm trong suốt năm 2010 cho thấy cung vượt quá cầu. Chênh lệch cung - cầu CP năm 2010 vào khoảng trên 2 tỷ USD.

Năm 2011, theo phân tích của ông Nhân, lượng cầu cũng sẽ tương đương năm 2010 khi nhiều DN thuộc các tập đoàn kinh tế lớn sẽ thực hiện cổ phần hoá và các DN tiếp tục phát hành CP huy động vốn. Ngoài phương án sắp xếp các DN thuộc Tập đoàn Công nghiệp Xây dựng Việt Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện phương án sắp xếp các DN thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Hoá chất Việt Nam… cũng sắp được Thủ tướng Chính phủ thông qua. Theo tính toán, năm 2011, thị trường sẽ cần khoảng 2,5 tỷ USD để hấp thụ lượng cung trên thị trường.

Vốn nội, vốn ngoại

Theo nhiều chuyên gia tài chính, với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, trong năm 2011, Chính phủ sẽ thực hiện một chính sách tiền tệ thận trọng. Như vậy, lực cầu từ nguồn vốn tín dụng sẽ bị hạn chế. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng, khi bắt được căn bệnh lạm phát và xử lý tốt vấn đề này, nguồn cung tiền ra thị trường sẽ tốt hơn.

Với chủ trương đẩy mạnh cổ phần hoá trong năm 2011, việc bán CP cho đối tác chiến lược nước ngoài cũng sẽ thu hút lượng vốn lớn. Năm 2008, các NĐT nước ngoài đã rút ra 1,9 tỷ USD. Sang năm 2009, khối này tiếp tục rút thêm 230 triệu USD. Năm 2010, các NĐT nước ngoài quay lại mua ròng khoảng 900 triệu USD. Trong tháng đầu tiên của năm 2011 khối ngoại tiếp tục mua ròng. Như vậy, dòng vốn nước ngoài đã trở lại một cách tích cực.

Theo ông Nhân, giai đoạn cuối năm 2010, các DN hết sức khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Sang năm 2011, để duy trì tăng trưởng, các biện pháp kiềm chế lạm phát như hạn chế tăng giá những mặt hàng là nguồn nguyên liệu thiết yếu như xăng, dầu, than, điện sẽ được đưa ra. Trên cơ sở đó, lãi suất có khả năng hạ, DN tiếp cận dòng vốn dễ dàng hơn. Đó là cơ sở để NĐT trong nước tin tưởng giải ngân.

Về dòng vốn đầu tư nước ngoài, theo ông Nhân, hiện nhiều quỹ đã chuyển tiền vào Việt Nam nhưng chưa giải ngân. Điều họ chờ đợi là chính sách rõ ràng của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá. Mặt bằng chứng khoán giá rẻ so với nhiều nước trong khu vực cũng là yếu tố hấp dẫn các NĐT nước ngoài.

Chung quan điểm mặt bằng giá CP ở mức thấp, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc CTCK SJC cho rằng, trong năm 2010, tất cả các TTCK thế giới đều tăng trưởng ước đạt 30% thì TTCK Việt Nam lại giảm tương ứng 30%. Do vậy, giá cổ phiếu TTCK Việt Nam là thấp nhất so với các nước trong khu vực. Đây là lợi thế giúp Việt Nam thu hút dòng vốn từ nước ngoài, đặc biệt là dòng vốn từ các thị trường phát triển như Mỹ hay các thị trường châu Á.

Theo ông Tuấn, năm nay, thị trường có thể đón sự trở lại của một bộ phận dòng tiền hiện đang "lưu trú" tại các tài khoảng tiền gửi ngân hàng. Lãi suất huy động cao trong khi TTCK kém hấp dẫn đang khiến NĐT gửi tiền vào thay vì giải ngân trên TTCK. Nếu lãi suất hạ, chứng khoán hấp dẫn thì sẽ có sự đảo chiều của dòng tiền này.

Cũng theo ông Tuấn, có một nguồn tiền nữa là cổ tức chi trả của các DN niêm yết. Theo ước tính, ngay trong quý I/2011, sẽ có khoảng hơn 6.000 tỷ đồng được các DN chi trả cổ tức. Nếu tình hình kinh tế vĩ mô được cải thiện, NĐT củng cố niềm tin thì dòng tiền này sẽ được tái đầu tư, góp thêm phần đáng kể cho lực cầu.

Nguồn cung lớn nhưng với việc CP vẫn ở vùng giá hấp dẫn và dòng tiền đang sẵn sàng vào thị trường, đa phần chuyên gia đều nhận định, có nhiều điểm sáng trong năm 2011 trên TTCK. Chứng khoán cũng giảm bớt sức ép cạnh tranh từ bất động sản (đã tăng giá khá cao và chủ yếu tăng cục bộ ở một vài thành phố lớn) và vàng (đã tăng giá nhiều trong năm 2010).      

Thanh Đoàn

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

Các tin tức khác

>   UPCoM-Index hồi phục sau 3 phiên giảm mạnh (20/01/2011)

>   Ngày 20/01: Đà tăng điểm đã lan rộng? (20/01/2011)

>   Làm giá cổ phiếu đang trở lại (20/01/2011)

>   Trong lạnh, ngoài nóng (20/01/2011)

>   Sàn chứng khoán năm nay sẽ ngập tiếng cười? (20/01/2011)

>   Thị trường ngày 20/01 dưới góc nhìn công ty chứng khoán (19/01/2011)

>   Vốn ngoại: Mừng hay lo? (19/01/2011)

>   Ngày 19/01: Large Cap đẩy VN-Index vượt mốc 500 (19/01/2011)

>   OTC: Rao một đằng, bán một nẻo (19/01/2011)

>   Màn độc diễn của khối ngoại (19/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật