Tạo đà cho sự phát triển những năm tiếp theo
|
Ông Võ Hồng Phúc - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
Ông Võ Hồng Phúc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, kết quả tăng trưởng ấn tượng của năm 2010 là kết quả xứng đáng của nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, phát huy được nguồn lực tổng thể thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội.
Thưa Bộ trưởng, Việt Nam vừa có một năm 2010 có thể nói là nỗ lực rất lớn để có được đà hồi phục kinh tế một cách mạnh mẽ. Đâu là thành tựu nổi bật nhất của nền kinh tế Việt Nam trong năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010?
Năm 2010 là năm đầy thử thách với Việt Nam, chúng ta phải tiếp tục đối phó với hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, với thiên tai, lũ lụt, trong khi vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết hội nhập ngày càng sâu rộng… Mặc dù có nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn nỗ lực giữ được đà tăng trưởng của nền kinh tế trên tất cả các lĩnh vực. Cụ thể, trên mặt trận nông nghiệp, chúng ta đã khắc phục hậu quả thiên tai và đạt tốc độ tăng trưởng khá cao; mặt trận công nghiệp cũng vượt qua những thách thức về cạnh tranh để đạt tốc độ tăng trưởng tốt; đặc biệt, tăng trưởng của thương mại nội địa, xuất nhập khẩu, cũng như du lịch, đã đưa tốc độ tăng trưởng của ngành dịch vụ đạt rất cao.
Nhờ nỗ lực của toàn hệ thống, GDP năm 2010 đã đạt mức tăng trưởng 6,78%, vượt chỉ tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra. Việc lấy lại được đà tăng trưởng như vậy sẽ tạo ra một thế rất tốt cho sự phát triển của năm 2011 và các năm tiếp theo.
Đâu là nguyên nhân chính của thành quả này, thưa Bộ trưởng?
Điểm cốt lõi để chúng ta đạt được kết quả tăng trưởng đầy ý nghĩa đó là chúng ta đã huy động được nguồn lực tổng thể, từ Nhà nước đến các doanh nghiệp, từ doanh nghiệp trong nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Thêm vào đó là những nỗ lực chung, trong đó có nỗ lực cải cách thủ tục hành chính đã đem lại một môi trường đầu tư tốt hơn. Báo cáo về Khả năng Cạnh tranh toàn cầu 2010 - 2011 do Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 9/9/2010 đã ghi nhận, Việt Nam vượt 16 bậc trong Bảng xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu, đứng thứ 59 trong số 131 nền kinh tế, đó là kết quả từ sự nỗ lực của các bộ, ngành trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Năm nay, Việt Nam đã không đạt được thắng lợi kép như kỳ vọng, bởi chỉ tiêu về kiềm chế lạm phát đã không thể về đích. Bộ trưởng có thể chia sẻ về những nỗ lực này?
Có thể thấy nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết 03/NQ-CP ngày 15/1/2010 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2010.
Trong đó, các giải pháp lớn, như phục hồi kinh tế, chuyển dịch cơ cấu và nâng cao chất lượng tăng trưởng; điều hành chính sách tài chính - tiền tệ linh hoạt, thận trọng để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nhập siêu và ngăn chặn lạm phát cao trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội…, đã góp phần phục hồi đà tăng trưởng trên hầu hết các lĩnh vực.
Chúng ta cũng đã dần ổn định nền kinh tế vĩ mô. Cán cân xuất nhập khẩu, cán cân thương mại từng bước khắc phục những bất cập; thu - chi ngân sách được giữ vững, tỷ lệ bội chi ngân sách được giảm dần để tiến tới mục tiêu đưa xuống dưới 5%. Các chính sách về tài chính - tiền tệ cũng cơ bản đảm bảo cho nền kinh tế vĩ mô phát triển ổn định.
Tuy vậy, so với tháng 12/2009, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của tháng 12/2010 tăng 11,75%; bình quân 12 tháng của năm 2010 tăng hơn bình quân 12 tháng năm 2009 là 9,19%. Tỷ lệ lạm phát cao như vậy đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là người làm công ăn lương. Đó là vấn đề lớn mà chúng ta phải quan tâm để năm 2011 có các biện pháp trọng tâm, trọng điểm thực hiện các mục tiêu của kinh tế vĩ mô được tốt hơn.
Năm 2010, vốn FDI đăng ký mới không được như mong đợi, nhưng kết quả giải ngân vốn FDI vẫn đạt mục tiêu. Bộ trưởng đánh giá thế nào về FDI năm 2010?
Năm 2010, vốn đăng ký mới chỉ đạt khoảng 18,5 tỷ USD, giảm 4 tỷ USD so với năm 2009. Nhưng tín hiệu đáng mừng nằm ở hiệu quả, khi chúng ta giải ngân khá tốt, đạt 11 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm trước. Đó là biểu hiện của việc chúng ta đã tạo được lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, ngay trong bối cảnh đầu tư trên thế giới không tăng. Như trên tôi vừa nói, các địa phương và các bộ, ngành đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và cộng đồng quốc tế đã ghi nhận chỉ số cạnh tranh của Việt Nam được cải thiện nhiều. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế vẫn đang ảnh hưởng đến kinh doanh, đầu tư nói chung, kết quả giải ngân đó là rất đáng ghi nhận, có ý nghĩa lan tỏa tới các giai đoạn sau.
Năm 2011, nhiều chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra. Bộ trưởng đánh giá thế nào về tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam trong năm tới? Đặc biệt, làm thế nào để Việt Nam có thể đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 7%?
Năm 2011, chắc chắn còn nhiều khó khăn, nhưng nền kinh tế vẫn có những thuận lợi cơ bản, như đà tăng trưởng vừa đạt được của năm 2010, môi trường đầu tư đang tiếp tục được cải thiện, các cân đối vĩ mô của nền kinh tế từng bước được ổn định… Đó là cơ sở để chúng ta nỗ lực vượt qua khó khăn, quyết tâm thực hiện tốt các mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra.
Cũng phải nói rằng, trong số các mục tiêu của năm 2011, giữ ổn định kinh tế vĩ mô và giữ tỷ lệ lạm phát dưới 7% là nhiệm vụ cực kỳ nặng nề, nhưng Chính phủ vẫn quyết tâm thực hiện. Điều đó đòi hỏi phải có các biện pháp điều hành chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn và sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các bộ, ngành, đặc biệt là sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, các chính sách nhằm tiến tới cân bằng xuất nhập khẩu.
Nhờ nỗ lực của toàn hệ thống, GDP năm 2010 đã đạt mức tăng trưởng 6,78%, vượt chỉ tiêu 6,5% mà Quốc hội đề ra. Việc lấy lại được đà tăng trưởng như vậy sẽ tạo ra một thế rất tốt cho sự phát triển của năm 2011 và các năm tiếp theo ”. |
Huy Hào
đầu tư
|