Thứ Hai, 03/01/2011 16:07

Kinh tế Việt Nam năm 2011: Không phải lúc chọn tốc độ

Kinh tế Việt Nam nhiều năm qua tăng trưởng nhờ sự dẫn dắt của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Năng lực cạnh tranh của Việt Nam không thể dịch chuyển lên giai đoạn mới, nếu năm 2011, các nỗ lực cải thiện điểm yếu cố hữu không có kết quả.

Bắt đầu với nhiều thách thức

Sau cơn “nổi loạn” của giá vàng, USD vào tháng 11/2010, lạm phát của năm 2010 bị đẩy lên cao, vượt tới hai con số. Lãi suất cho vay liên tục tăng kéo theo sự bất ổn trong hoạt động của giới kinh doanh. Vào những ngày cuối cùng của năm 2010, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa dám đặt bút ký các đơn hàng xuất khẩu cho các quý đầu năm 2011, vì lo ngại sự bất ổn của tỷ giá và cửa hẹp của nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng.

Cùng lúc, các tổ chức xếp hạng tín dụng phát đi những điểm số khá bất lợi cho Việt Nam. Cụ thể, ngày 15/12/2010, Cơ quan Xếp hạng tín dụng Moody công bố xếp hạng của Việt Nam từ mức Ba3 xuống mức B1, do rủi ro liên quan đến khủng hoảng cán cân thanh toán, áp lực mất giá lên tiền đồng và lạm phát tăng cao.

Trong khi đó, các dự báo mới nhất về kinh tế thế giới năm 2011 bi quan hơn khá nhiều so với những dự báo trước đó, rằng kinh tế thế giới năm 2011 có thể yếu ớt hơn năm 2010. Sự yếu ớt này lại dễ bị tổn thương hơn khi tình hình bất ổn kinh tế vĩ mô tại các quốc gia đều khá căng thẳng, sau khi G20 không đưa ra được giải pháp cụ thể nào.

Tại khu vực ASEAN, kinh tế Việt Nam vẫn nhận được những dự báo khả quan, với mức tăng trưởng khoảng 6,5%. Tuy nhiên, đi kèm với đó là mức lạm phát có thể lên tới 7-8% so với năm 2010. Điều này cũng đồng nghĩa với thông điệp là, khả năng giữ mức lạm phát dưới 7% của Việt Nam không hề dễ dàng.

Áp lực thời gian

Kinh tế Việt Nam năm 2011 dường như đang đứng trước nhiều lựa chọn. Một là tiếp tục duy trì mô hình tăng trưởng đã giúp Việt Nam tăng trưởng đều đặn và liên tục trong suốt 20 năm qua, đó là tăng trưởng nhờ vào vốn và chuyển dịch cơ cấu, với sự dẫn dắt của khu vực  có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo khảo sát của Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Giáo sư Micheal Porter, Trường Kinh doanh Harvard thực hiện trong năm 2010, thì đóng góp của vốn trong tăng trưởng GDP của Việt Nam giai đoạn 2000-2008 lên tới 53% (so với 34% của giai đoạn 1999-2000). Trong khi đó, năng suất nhân tố tổng hợp (TFP - một thước đo quan trọng về hiệu quả sử dụng vốn và lao động) lại giảm từ 44% giai đoạn 1999-2000 xuống còn 26% trong giai đoạn 2000-2008.

“Điều này cũng có nghĩa là, nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với những cảnh báo về sự tới hạn của năng suất lao động không được cải thiện, sự phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài để gia tăng đầu tư nhằm tạo tăng trưởng sẽ tạo ra các mất cân đối vĩ mô nguy hiểm và có thể dẫn tới khủng hoảng, nếu tiếp tục mô hình tăng trưởng này”, ông Micheal Porter phân tích và nói thêm rằng, nếu chọn mô hình này, Việt Nam vẫn có thể có thêm vài ba năm tăng trưởng nữa trước khi... sập bẫy thu nhập trung bình.

Giới nghiên cứu kinh tế vĩ mô đang đưa ra đề xuất lựa chọn mô hình tăng trưởng mới dựa trên cơ sở tái cấu trúc nền kinh tế để chuyển sang giai đoạn phát triển mới, đó là giai đoạn tăng trưởng dựa trên năng suất và hiệu quả. Điều này cũng có nghĩa là, Việt Nam phải chấp nhận vượt lên việc khai thác những lợi thế sẵn có như lao động rẻ, nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng..., để tạo dựng lợi thế cạnh tranh mới, tạo sức bật để vượt qua bẫy thu nhập trung bình.

Như vậy, các điều kiện vĩ mô và vi mô thúc đẩy tăng năng suất lao động phải thay đổi mạnh mẽ. Đó là Chính phủ phải tạo ra một điểm đến kinh doanh với các lợi thế cạnh tranh rõ ràng, tạo lập môi trường kinh tế có sự hiện diện cân bằng, hài hoà của các khu vực doanh nghiệp nhà nước, tư nhân trong nước và nước ngoài.

“Đặc biệt, Việt Nam cần có phương pháp tiếp cận đồng bộ và hiệu quả trong việc xây dựng các chính sách kinh tế vĩ mô, nhằm đối phó với những rủi ro do các mất cân đối vĩ mô gây ra. Có thể bắt đầu ngay từ minh bạch về tài khoá của Chính phủ và các doanh nghiệp nhà nước, củng cố quản lý tài chính công và đảm bảo một chính sách tiền tệ nhất quán, có thể dự đoán được”, ông Micheal khuyến nghị.

Bắt buộc đánh đổi

Tuy nhiên, nếu chọn phương án mới, có thể Việt Nam sẽ phải đánh đổi giữa tốc độ và hiệu quả tăng trưởng. Ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương cho rằng, năm 2011 là thời điểm thuận để bắt đầu, bởi đây là năm đầu tiên của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm 2011-2015, năm đầu tiên của Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020...

“Điều quan trọng là, nếu không kiên định và kiên nhẫn với ổn định kinh tế vĩ mô, thì bất ổn kinh tế vĩ mô năm 2011 sẽ rất lớn. Điều này ảnh hưởng mạnh tới các nỗ lực phát triển kinh tế của Việt Nam không chỉ trong năm 2011, mà cả trong dài hạn”, ông Thành nói.

Chính vì vậy, ông Thành cho rằng, mặc dù không cần tạo nên cú sốc, nếu lựa chọn mục tiêu lạm phát khoảng 3-4% như các đối tác thương mại của Việt Nam, nhưng Việt Nam cũng cân nhắc kiềm chế lạm phát ở khoảng 6%. “Tất nhiên, khi đó, tăng trưởng có thể không đạt được như dự kiến, nhưng nền kinh tế sẽ có cơ hội lấy lại sự thăng bằng. Bởi nếu phân tích các yếu tố mà Việt Nam bị hạ điểm tín dụng của các tổ chức xếp hạng, thì có thể phải quay lại câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô và thông điệp chính sách, vấn đề tránh nhiệm giải trình và thực hiện chính sách với áp lực của các nhóm xã hội khác nhau khi lựa chọn ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành cho biết.

Cũng phải nói thêm rằng, nếu lựa chọn kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 6%, doanh nghiệp sẽ phải gánh chịu một phần khó khăn. Tuy nhiên, nếu nghiêm khắc hơn với chính sách tài khoá, thì chính sách tiền tệ cũng sẽ không quá thắt chặt. “Đã đến lúc, chương trình cải tổ ngân hàng phải được thực hiện. Có thể một đêm không giải quyết được vấn đề, nhưng nếu hệ thống ngân hàng tiếp tục cạnh tranh không lành mạnh, quản trị rủi ro kém, gây nên sự sai lệnh về cơ cấu cấu thời hạn, cơ cấu đồng tiền, thì các vòng xoáy chạy đua lãi suất do thiếu thanh khoản sẽ còn lặp lại”, ông Thành dự báo.

Có lẽ cũng phải nhắc tới điều mà ông Micheal Porter nhấn mạnh khi được hỏi, Việt Nam cần phải làm gì đầu tiên khi bắt tay vào cải thiện năng lực cạnh tranh. Đó là trước khi bắt tay vào viết chương mới của một giai đoạn phát triển, Việt Nam nên trả lời hai câu hỏi là: “Điều gì thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam?” và “Doanh nghiệp có thể cạnh tranh thuận lợi trong môi trường kinh doanh nhiều bất ổn và và thiên vị hay không?”

“Vượt qua chính mình và lựa chọn bắt đầu từ đâu

Nguyên Phó thủ tướng Vũ Khoan

Có 10 đầu mục mất cân đối trong mô hình kinh tế Việt Nam cần được xử lý ngay. Đó là sự mất cân đối giữa tốc độ và hiệu quả, giữa phát triển và bền vững, mất cân đối trong cơ cấu kinh tế lạc hậu, trong cân đối vĩ mô, giữa thị trường trong nước và nước ngoài, giữa nhu cầu phát triển và hạ tầng cơ sở cũng như nguồn lực, mất cân đối trong phân bổ nguồn lực, giữa phát triển và thể chế và mất cân đối giữa tập quyền và phân quyền.

Mất cân đối bao trùm là nhu cầu phát triển và tính bền vững. Nền kinh tế Việt Nam đang ở ngã ba, chúng ta vừa muốn đi nhanh để tránh tụt hậu, nhưng càng đi càng tụt hậu xa hơn, vì xuất phát điểm thấp và hiệu quả của nền kinh tế kém.

Các bước chuyển đổi đều cần thời gian quá độ. Có thể không phải đặt rõ 5 năm tới là giai đoạn quá độ, bởi sẽ có những việc có thể làm ngay, có những kế hoạch cần phải có bước chuẩn bị. Tuy nhiên, quan điểm của tôi là phải bắt đầu ngay từ bây giờ.

Hiện tại, các động thái liên quan đến vấn đề dường như vẫn đang ở trên bàn. Chính vì vậy, có thể nói, hai rào cản lớn nhất của nền kinh tế Việt Nam hiện tại là vượt qua chính mình và lựa chọn bắt đầu từ đâu.

“Đổi mới tầm nhìn chiến lược

Ông Đinh Văn Ân, Phó chánh văn phòng Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Điều hành Viện ERIA

Đổi mới mô hình tăng trưởng chính là đổi mới tầm nhìn chiến lược, dài hạn về cách thức tăng trưởng nhanh và bền vững. Xét về cung, đó là cách thức huy động và sử dụng các nguồn lực cho tăng trưởng, bao gồm các yếu tố bằng tiền, tài nguyên thiên nhiên, khoa học - công nghệ... và yếu tố lao động, bao gồm số lượng và chất lượng lao động.

Xét về cầu, đó là cách thức mở rộng, phát triển bền vững nhu cầu thị trường, bao gồm cả cầu về đầu tư tiêu dùng, cầu của thị trường trong nước và thị trường nước ngoài. Còn xét về động lực, là cách thức vận dụng cơ chế thị trường, hài hoà lợi ích kinh tế giữa nhà nước - thị trường - doanh nghiệp và nhà nước - thị trường - người lao động.

“Chuyển sang tăng trưởng dựa vào “thâm canh”

Giáo sư Nguyễn Quang Thái (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam)

Đổi mới mô hình tăng trưởng cần phát huy các ưu điểm đã đạt, hướng tới chất lượng tăng trưởng và tiến hành tăng trưởng theo cách thức mới, thích hợp với thời đại toàn cầu hoá và chủ động hội nhập, thích ứng với nhu cầu xây dựng cộng đồng Đông Nam Á, hướng tới MDG và mục tiêu Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020. Để làm được điều này, trước hết, phải đổi mới tư duy phát triển, từ bỏ cách làm ham tăng trưởng, chủ yếu dùng biện pháp “quảng canh”, chuyển sang tăng trưởng dựa vào “thâm canh”. Đặc biệt, trong quá trình đổi mới, cần có sự phân kỳ, trong đó giai đoạn 2011-2013 là giai đoạn chuyển tiếp quan trọng.

“Có thể lựa chọn tăng trưởng thấp hơn

Ông Ayumi Konishi, Giám đốc ADB tại Việt Nam

Trong khi các nước láng giềng ASEAN xác định tỷ lệ lạm phát khoảng 2-3% cho năm 2011, thì mục tiêu lạm phát dưới 7% của Việt Nam là khá cao. Chúng tôi nghĩ rằng, điều quan trọng đối với Việt Nam là có được mức lạm phát tương đương với các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nếu như vậy, có thể Việt Nam buộc phải chấp nhận tăng trưởng thấp hơn 7%. Song theo quan điểm của tôi, sự đánh đổi là cần thiết để sau đó, nền kinh tế vĩ mô ổn định, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế từ trung đến dài hạn. Bài học của năm 2010 cho thấy, vấn đề không nằm ở việc dự báo, mà là ở sự lựa chọn chính sách của Việt Nam.

Khánh An

đầu tư

Các tin tức khác

>   Góp giải pháp lạ cho cải cách tiền lương (03/01/2011)

>   Nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc Gia : Đi tìm lợi thế mới (03/01/2011)

>   Những dự án tỉ USD “trùm mền” (03/01/2011)

>   Sẽ trình lại dự án đường sắt cao tốc (03/01/2011)

>   Tin tưởng kinh tế Việt Nam sẽ sáng dần (02/01/2011)

>   Cạnh Trung Quốc: Cơ hội hay thách thức tùy ở Việt Nam (02/01/2011)

>   Hải Phòng: Thu hút nhiều dự án đầu tư lớn (02/01/2011)

>   Hoạt động đầu tư ra nước ngoài tiếp tục sôi động (02/01/2011)

>   Kinh tế, đối nội và đối ngoại 2010 (02/01/2011)

>   Những cơn say nắng và khái niệm tăng trưởng âm (02/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật