Thứ Hai, 03/01/2011 11:11

Góp giải pháp lạ cho cải cách tiền lương

Chính phủ mới đây quyết định tăng lương tối thiểu từ 730.000 đồng một tháng lên 830.000 đồng từ ngày 1/5/2011. Rõ ràng, đối với mỗi người ăn lương thì đây là một tin vui rất lớn.

Nhưng liệu niềm vui sẽ kéo dài được bao lâu khi mà việc tăng lương tối thiểu gần như trở thành một việc làm thường niên của Nhà nước và rồi người hưởng lương vẫn khó khăn lại hoàn khó khăn?

Đã có ý kiến lạc quan rằng, "tăng lương đã vượt mức tăng giá!" Ước mong chỉ có vậy thôi sao? Nếu cải cách tiền lương chỉ là cuộc chạy đua giữa lương và giá, tức chỉ là nỗ lực để duy trì ổn định lương thực tế thì đến bao giờ chúng ta mới có được một chế độ lương "hợp lý" cho bộ máy nhà nước?

Thế nào là chế độ lương hợp lý? Cao hơn mức trung bình của xã hội để đảm bảo một cuộc sống ổn định; cao hơn mức trung bình của xã hội để đảm bảo thu hút được người tài hơn cho bộ máy nhà nước; cao hơn để công chức yên tâm với cuộc sống, để cống hiến, để khỏi phải tìm kiếm cơ hội tăng thu nhập của mình một cách không chính đáng...

Chế độ tiền lương hiện tại bất hợp lý

Sau gần 20 năm cải cách, chế độ tiền lương dường như vẫn không thay đổi, cơ cấu tiền lương vẫn mang nặng tính bình quân chủ nghĩa và đặc biệt là chênh lệch giữa tiền lương của lĩnh vực trong và ngoài nhà nước ngày càng trở nên lớn hơn. Điều đó đã khiến phần đông người tài chấp nhận chạy ra ngoài làm việc để giải quyết các nhu cầu trước mắt, nhưng cũng rất cấp bách, của cuộc sống. Bộ máy nhà nước ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tuyển mộ những nhân tài thực sự.

Dự thảo Đề án cải cách hành chính, trong đó có cải cách tiền lương, trong 10 năm tới vẫn còn đặt ra những mục tiêu hết sức khiêm tốn như: đến năm 2017, tiền lương được cải cách cơ bản, bảo đảm cuộc sống của cán bộ, công chức (CBCC) và gia đình; hay đến 2015, CBCC có thu nhập tiền lương ở mức trung bình khá của xã hội.

Trong thực tế, chế độ tiền lương ở nước ta còn rất bất hợp lý. Các ý kiến nhận xét và tổng hợp về vấn đề này đã được nhiều tác giả đề cập. Những thực tế như lương một PGĐ sở ở Hà Nội, chuyên viên cao cấp bậc 1, khoảng 5 triệu đồng một tháng và không thể sống được ở Hà Nội; hay mức lương này không bằng con cái vừa tốt nghiệp đại học nhưng không làm nhà nước; hay cũng những con người như thế nhưng khi làm cho tư nhân hoặc nước ngoài sẽ có thu nhập gấp 3-4 lần, thậm chí 10-15 lần; hay muốn mua được nhà ở (500 triệu đồng) công chức phải "nhịn ăn" đến 21 năm (đấy là tác giả còn quên chưa tính yếu tố trượt giá và sự tăng lên của giá nhà); hay một viên chức ra trường từ năm 1979 nhận xét tình hình đến nay vẫn không được cải thiện mà còn nảy sinh thêm nhiều tiêu cực; và có người còn cho rằng, lương thực tế hiện nay không dễ sống bằng lương thực tế của thời bao cấp...

Rõ ràng, sau gần hai thập kỷ, cải cách tiền lương vẫn trong cái vòng luẩn quẩn!

Và những hệ quả

Chính chế độ tiền lương này là căn nguyên dẫn tới rất nhiều hệ quả xấu cho cả hệ thống kinh tế -xã hội của chúng ta. Tham nhũng tràn lan có thể là hệ quả xấu nhất. Nhưng có người đã phân loại tham nhũng ở Việt Nam một cách rất hay và chính xác khi chỉ ra rằng "có loại tham nhũng chỉ để tồn tại" (bên cạnh loại tham nhũng để làm giàu). Vì không thể sống được bằng tiền lương nên buộc họ phải tham nhũng. Tham nhũng ở đây còn được hiểu bao gồm cả việc tham nhũng quỹ thời gian làm việc cho Nhà nước, kết hợp làm việc khác để tăng thu nhập. Trong bài "Cứ 'lót tay', việc mới 'chạy'", tác giả Lê Nhung đã cho thấy một thực tế: gần 70% người dân khi được hỏi đã trả lời rằng họ phải đưa thêm tiền mới giải quyết được công việc liên quan đến thủ tục hành chính.

Rõ ràng, trên thực tế, phần lớn mọi người đều sẵn sàng chấp nhận trả mức phí cao hơn để được phục vụ tốt hơn. Việc áp dụng mức phí thấp như hiện nay, vừa gây thất thoát lớn cho NSNN vừa tạo kẽ hở để người thực quyền vòi vĩnh người dân (khách hàng của họ) và cung cấp dịch vụ công với chất lượng rất thấp. Nhìn tổng thể thì đây là vật cản rất lớn, lãng phí thời gian của mọi người, của toàn xã hội và gây ách tắc, trì trệ cho toàn bộ nền kinh tế.

Rào cản của việc tăng lương

Việc điều chỉnh và cụ thể là tăng lương cho CBCC hiện nay là hết sức cần thiết và cấp bách. Như nhẩm tính của một nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước thì hiện nay tiền lương CBCC còn lâu mới đủ lo được mức sống tối thiểu cho bản thân và gia đình, và trong vài ba năm tới tiền lương của CBCC cần phải tăng khoảng từ 2,5 đến 3 lần so với hiện nay.

Nhưng vật cản lớn nhất của cải cách tiền lương hiện nay là gì? Đó chính là giới hạn của ngân sách nhà nước (NSNN). Quỹ lương hiện đã chiếm tới hơn 30% tổng chi ngân sách và bằng 60% của chi thường xuyên. Việc tăng lương thêm để đạt mức hợp lý trong một thời gian ngắn là điều rất khó khăn và dường như không thể.

Tuy nhiên, như TS Đinh Duy Hòa (Bộ Nội vụ) cho rằng không thể lấy lý do ngân sách không đủ tiền để biện minh cho chuyện lương thấp. Vấn đề là các đối tượng đang hưởng lương, chế độ hưu và các chế độ, chính sách khác từ ngân sách nhà nước ở nước ta là không nhỏ. Rõ ràng, bộ máy cồng kềnh, nhiều người ăn bám là một vật cản vô cùng lớn đối với công cuộc cải cách này. Theo hướng này đã có nhiều tác giả đề cập đến với những biện pháp rất hay như: cắt giảm biên chế, đưa viên chức ra khỏi biên chế... xin không bàn thêm ở đây.

Một cái nhìn khác

Nhưng có một nguyên nhân mà ít người chúng ta để ý tới, bởi dường như nó bị che phủ bởi cái vỏ bọc của một giữ kiện của bài toán cải cách tiền lương, đó là tổng thu NSNN. Lâu nay, dự toán và kế hoạch thu chi NSNN thường được lập dựa trên số thu chi của năm trước với một mức tăng nào đó (7 hay 10%...). Đây là cách xây dựng mà hầu hết các nước đều áp dụng. Điều khác nhau cơ bản là xuất phát điểm ban đầu để tính toán. Có thể ở nhiều nước phát triển, thu NSNN của họ đã được tính đúng, tính đủ từ nhiều năm nay, nên việc áp dụng tỉ lệ gia tăng dựa trên mức tăng trưởng kinh tế là hoàn toàn hợp lý.

Nhưng liệu ở Việt Nam đã bao giờ chúng ta tính được đúng, được đủ số thu NSNN chưa? Điều này có lẽ ít người để ý, hoặc rất nhiều người để ý đến và nhận ra nó nhưng coi nó như một vấn đề cố hữu tồn tại và chưa bao giờ nghĩ đến việc thay đổi nó. Xin cụ thể hóa vài vấn đề ở đây: Thu NSNN của chúng ta hiện có bị thất thoát không? Quy mô thực sự của nền kinh tế Việt Nam và của thu NSNN liệu có phải chỉ giới hạn ở mức như chúng ta đã đạt được không? Có cách nào thay đổi căn bản được vấn đề không? Những câu hỏi này dường như chưa bao giờ được quan tâm trả lời một cách thích đáng.

Có lẽ không quá khó để có câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên. NSNN được hình thành chủ yếu từ các loại thuế, phí và lệ phí bên cạnh các khoản thu khác. Có một thực tế rất rõ là phần lớn doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước, đang luôn làm một "bài toán hạch toán ngược" trong quá trình báo cáo thuế. Hầu hết họ dựa vào tổng lượng hóa đơn phải xuất cho khách hàng trong kỳ tính thuế để từ đó tính ra doanh thu báo cáo, sau đó tập hợp hóa đơn đầu vào (thu, mua cho đủ và hợp lý với lượng hàng đã xuất) rồi lập báo cáo đầu vào, đầu ra, và báo cáo thuế. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng vậy, hầu hết họ sẽ ước lượng trước một số lãi nhất định để rồi "cân" sổ sách, báo cáo cho phù hợp. "Bóp nhỏ" doanh thu, "đẩy cao" chi phí để "giảm thiểu" lãi là việc làm phổ biến của các doanh nghiệp.

Trong các doanh nghiệp thường xuyên tồn tại 2 hoặc nhiều hệ thống báo cáo: báo cáo thuế (thường được "vẽ" theo hướng bóp nhỏ), báo cáo nội bộ (thường phản ánh đúng tình hình thực tế), báo cáo gửi ngân hàng để vay vốn, báo cáo để kêu gọi đối tác đầu tư (thường được "mông má" cho thật đẹp và hấp dẫn)...

Còn với các loại thuế, phí, lệ phí và thuế khoán áp dụng đối với các cơ sở kinh doanh thì sao? Chắc hẳn chúng ta không xa lạ với câu nói cửa miệng của những người liên quan trong lĩnh vực này: "Của đồng chia ba, của nhà chia đôi!" Thỏa thuận một mức thu là phổ biến nhất. Có hai hình thức, một là làm cơ chế (làm luật) để đạt được mức chi thấp nhất. Hai là khoán cho người đi thu một mức nhất định, còn họ kê thu cho Nhà nước bao nhiêu là tùy họ!

Rõ ràng, thất thoát này là vô cùng lớn! Nhiều doanh nghiệp báo cáo chẳng mấy khi có lãi, thậm chí lỗ triền miên nhưng giám đốc các doanh nghiệp này có bao giờ "rách rưới"? Thậm chí họ còn rất sung túc nữa là khác! Ai chẳng biết phần lớn những người làm trong ngành thuế, ngành tài chính, ngành hải quan, ngành có liên quan trực tiếp đến các giao dịch thu chi, đều "dễ thở" hơn rất nhiều so với những người làm trong các ngành khác!

Ngoài ra, còn rất nhiều nguồn khác có thể bổ sung cho NSNN mà chúng ta chưa nghĩ tới. Đấu giá biển số xe đẹp là một phí dụ hiện hữu mà ai cũng có thể nhìn thấy. Vì chúng ta cứ để nó "ngầm" và "lùng nhùng" mãi bao nhiêu năm nay, nên vừa gây lãng phí cho NSNN, vừa gây ra bao nhiêu là tiêu cực!

Do vậy người viết bài này tin tưởng rằng quy mô thực tế của NSNN không chỉ gói gọn trong những con số mà chúng ta đã và đang thu được hàng năm. Thu NSNN đang dựa trên hệ thống các khoản thu (chủ yếu từ thuế và phí) bị bóp nhỏ một cách đáng kể (thực sự là rất nhiều) dẫn đến thực tế vận hành của nền kinh tế cũng bị bóp méo. NSNN là đầu vào của các bài toán phát triển, nên giữ kiện này ảnh hưởng tới hầu hết các chính sách tiếp theo của Nhà nước.

Việc duy trì chế độ dự toán thu NSNN dựa trên con số của những năm trước (với một tỷ lệ tăng nhất định) trong một thời gian rất dài, trong khi cơ sở để tính toán đã bị bóp nhỏ từ ban đầu, khiến NSNN bị án ngữ bởi những giới hạn đó mà bao năm qua chưa hề được giải quyết.

Dù biết rằng, nếu thu đúng, thu đủ, tức là mức thu có thể sẽ tăng lên đối với các thực thể kinh tế (thực tế chưa chắc đã tăng nếu không còn các khoản "ABC" khác), sẽ làm ảnh hưởng tới động lực kinh doanh của họ và có thể làm giảm đầu tư của xã hội (chỉ trong ngắn hạn). Nhưng về lâu dài, chúng ta cần phải có một nền tài chính minh bạch và lành mạnh. Có như vậy mới giảm thiểu được sự méo mó của các quyết sách kinh tế - xã hội!

Thử tìm một phương án

Nếu không có cảnh sát môi trường, liệu chúng ta có thể đưa ra ánh sáng và xử lý những vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như Vedan hay không? Thiết nghĩ cũng rất cần phải có một cuộc cách mạng tương tự trong lĩnh vực thu NSNN!

Trong phạm vi nghiên cứu của mình chưa cho phép tác giả đề xuất những biện pháp để cải tiến việc thu NSNN, vì đây chắc chắn là một vấn đề vô cùng phức tạp, khó khăn và không kém phần nhạy cảm. Nhưng ví như việc thành lập một đội đặc nhiệm về môi trường, như cảnh sát môi trường, đã giúp đưa ra ánh sáng rất nhiều vụ việc mà nhiều năm qua không thể giải quyết thì việc thành lập một tổ chức như vậy trong lĩnh vực thu NSNN có lẽ cũng sẽ có nhiều tác dụng. Đặc biệt trong khi tính tự giác của chúng ta nói chung còn rất hạn chế.

Tất nhiên, trong điều kiện hiện nay, cũng "sợ lắm" khi trao đặc quyền vào tay một tổ chức nào đó, vì sẽ rất dễ bị lợi dụng và lạm dụng, nên có lẽ cũng phải thí điểm một cách làm mới với một tổ chức như vậy. Có thể nên để mức lương rất cao cho người làm việc ở đây, nhưng áp dụng chế độ giám sát chặt chẽ, từ cấp trên, từ xung quanh và cả từ phía nhân dân, đặc biệt là những đối tượng phải nộp thuế, phí... Nếu ai vi phạm sẽ phải chịu hình phạt thật nghiêm minh. Người viết bài này có niềm tin mãnh liệt rằng, mức thu của NSNN sẽ tăng lên gấp bội phần so với những chi phí cần thiết cho một tổ chức như vậy. Và điều quan trọng hơn là sẽ dần làm trong sạch bộ máy công quyền, tạo môi trường dễ chịu hơn cho đối tượng nộp thuế, phí mặc dù có thế họ phải nộp nhiều hơn!

Vài lời kết

Từ cái thế tiến thoái lưỡng nan của vấn đề cải cách tiền lương, bao năm qua thực sự chưa có lối thoát nào thích hợp, người viết bài này mong muốn đóng góp một góc nhìn khác, như một giải pháp "lạ" cho bài toán cải cách tiền lương, một bộ phận quan trọng trong chương trình cải cách hành chính đã và đang được chúng ta nỗ lực thực hiện trong thời gian qua.

Có lẽ sẽ là rất khó để thực hiện, nhưng chắc chắn là không thể không thực hiện nếu chúng ta muốn thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn của cải cách hành chính đã dai dẳng tồn tại trong thời gian qua!

Thực sự, trên con đường chấn hưng đất nước, không có việc gì là dễ dàng, nên nếu đã là định hướng đúng thì khó mấy, đau mấy cũng phải quyết tâm làm!

Phạm Hưng Hùng - NCS tại Đại học Birmingham - Vương Quốc Anh

Tuần Việt Nam

Các tin tức khác
Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật