Niên giám doanh nghiệp niêm yết 2010 - Kiến thức đầu tư
Phân tích kỹ thuật: Những kinh nghiệm và định hướng trong tương lai
(Vietstock) - Phân tích kỹ thuật dù chỉ mới được ứng dụng tại Việt Nam hơn 10 năm, nhưng đã đem lại nhiều kinh nghiệm mới mẻ và thú vị. Chúng ta cùng nhau nhìn lại những kinh nghiệm này, cũng như một số định hướng trong tương lai của loại hình phân tích kỹ thuật.
1. Những kinh nghiệm của quá khứ
Ứng dụng bearish và bullish divergence trong dự báo
Trong giai đoạn đầu năm 2009 đến nay, một kỹ thuật phân tích đã tỏ ra có hiệu quả trong việc dự báo là ứng dụng bearish và bullish divergence. Kể từ đầu năm 2009, Relative Strength Index (RSI) đã xuất hiện 5 lần phân kỳ quan trọng. Dựa vào các tín hiệu này, việc dự báo biến động giá trong một tương lai khá xa là có thể thực hiện được.
Tháng 07/2009, RSI xuất hiện bullish divergence. Khi VN-Index không ngừng tạo đáy thấp hơn thì chỉ số này liên tục tạo ra những đáy cao hơn. Điều này hàm ý lực của thị trường đã bắt đầu có những cải thiện đáng kể dù chỉ số thị trường vẫn đang đi xuống. Kết quả sau đó cho thấy một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ và kéo dài suốt 3 tháng.
Trường hợp của tháng 10/2009 thì ngược lại. Hiện tượng “triple bearish divergence” xuất hiện. Không chỉ thiết lập hai đỉnh thấp hơn trong tháng 10/2009 mà RSI còn thiết lập ba đỉnh thấp dần đều nếu xét toàn bộ giai đoạn tháng 08 – 10/2009. Tín hiệu này góp phần khẳng định cho sự kết thúc của sóng Elliott thứ 5 của sóng 1 lớn để bắt đầu bước vào 3 sóng hiệu chỉnh a, b, c của sóng 2 lớn.
Gần đây nhất là giai đoạn giữa tháng 05/2010. Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ khác như Fibonacci, SMA, … thì bullish divergence của RSI cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp người phân tích kỹ thuật dự báo đợt tăng giá vừa qua.
Converging zone tạo thành những vùng support và resistance zone đáng tin cậy
Nhiều người thường hiểu converging zone chỉ là sự hội tụ của các ngưỡng Fibonacci nằm ngang, bao gồm Fibonacci Retracement và Fibonacci Projection. Điều này chưa thực sự thể hiện hết ý nghĩa cũng như tác dụng của converging zone.
Hiểu theo quan điểm chính thống, converging zone là vùng mà tại đó có nhiều ngưỡng kháng cự, hỗ trợ cùng hội tụ. Ví dụ, vào tháng 12/2009 khi mà VN-Index trải qua một trong những đợt thoái lùi lớn nhất kể từ sau khủng hoảng. Trong thời gian này, một converging zone được tạo thành bởi trendline dài hạn, Fibonacci Retracement 50.0% và Fibonacci Zones số 8. Cả ba yếu tố này cho chúng ta điểm rơi chiến lược là ngày 16/12/2009. Và những nhà đầu tư mua cổ phiếu vào thời điểm này đã đạt được mức tỷ suất sinh lợi không dưới 10% khi thị trường bùng nổ ngay sau đó.
Hiện tượng pullback và throwdown
Đây có thể coi là hai hiện tượng có tính ứng dụng cao nhất của trendline. Theo đánh giá của chúng tôi, những hiện tượng này sẽ giúp cho các nhà đầu tư thoát khỏi một vị thế mà mình không mong muốn.
Trước hết chúng ta đề cập đến hiện tượng pullback. Đây là hiện tượng xuất hiện khi một ngưỡng chống đỡ mạnh bị phá vỡ. Sau đó, giá sẽ có sự phục hồi nhất định về lại vùng phá vỡ cũ, rồi kể từ đó bắt đầu thoái lùi thực sự. Tính ứng dụng của hiện tượng này là nó có thể giúp những nhà đầu tư đang bị mắc kẹt thoát hàng.
Một trong những ví dụ điển hình trên thị trường chứng khoán Việt Nam là HNX-Index. Vào ngày 25/11/2009, trong một phiên sụt giảm mạnh mẽ của thị trường, giá đã phá vỡ ngưỡng Fibonacci Retracement 61.8%. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài phiên giá liền pullback trở lại và những nhà đầu tư đã lỡ mạo hiểm bắt đáy trong các phiên trước có thể thoát hàng an toàn.
Hiện tượng thứ hai là throwdown. Ngược lại với hiện tượng đầu tiên, throwdown chỉ xuất hiện trong các đợt tăng giá lớn. Có thể xem chúng như sự tạm nghỉ của thị trường và tích luỹ cho một chu kỳ tăng tiếp theo.
Chúng ta hãy quan sát đồ thị của VN-Index. Rõ ràng là sau khi phá vỡ đường trendline kháng cự dài hạn, VN-Index đã có một sự thoái lùi đáng kể và test lại đường trendline này. Đây chính là cơ hội để những người đầu tư chậm chân trong các đợt tăng giá trước tham gia vào thị trường.
2. Những định hướng tương lai của Phân tích Kỹ thuật
Tập trung vào chiến lược phản ứng lại với thị trường
Có một xu hướng hết sức mạnh mẽ trong thời gian gần đây, không chỉ ở các thị trường phát triển mà ngay cả ở Việt Nam, là nhiều nhà phân tích kỹ thuật đang ngày càng chú ý hơn đến chiến lược phản ứng lại với thị trường thay vì chỉ đơn thuần dự báo biến động của thị trường.
Ở Việt Nam trong thời gian gần đây chúng ta thường hay nghe những phát biểu như: ”Trong năm nay VN-Index sẽ đạt đến XYZ điểm”. Có thể điều này mang nhiều ý nghĩa, nhưng nhiều nhà đầu tư dường như đang dành sự quan tâm đến chiến lược phản ứng nhiều hơn là những dự báo mang tính may rủi. Điều đó sẽ cho phép họ không gặp phải những bất ngờ quá lớn trong quá trình đầu tư.
Ví dụ, một nhà đầu tư A dự báo rằng thị trường sẽ tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2010. Khi đó anh ta sẽ mua tại vùng 470 – 495 điểm để đón đầu cho một chu kỳ mới. Tuy nhiên, nếu là một người chú trọng nhiều hơn đến chiến lược, nhà đầu tư này sẽ phải thiết lập cho mình những điểm xoay chuyển chiến lược chủ yếu, mà tại đó anh ta sẽ có chiến lược hành động cụ thể phù hợp với tình trạng danh mục.
Thay vì chỉ nghĩ đến mỗi việc là thị trường sẽ tăng giá trong dài hạn và buy & hold, nhà đầu tư này sẽ thiết lập cho mình ngưỡng cắt lỗ tại mức 470 điểm. Đồng thời dựa vào các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật mạnh có thể mua vào lại ở vùng 445 – 455 điểm... Nói tóm lại, khi điểm xoay chuyển chiến lược bị phá vỡ, chiến lược sẽ thay đổi.
Ngày càng định lượng nhiều hơn
Có khá nhiều lời nhận xét từ phía các nhà đầu tư là phân tích kỹ thuật mang nhiều tính chủ quan nên khó ứng dụng một cách rộng rãi. Và dường như bản thân những người phân tích kỹ thuật cũng nhận ra điều này. Vì vậy, ngày càng có nhiều người phân tích kỹ thuật phát triển sâu hơn theo hướng định lượng. Họ thiết lập những mô hình toán học, với những công thức được thiết lập từ trước và những trọng số tính toán đã được cân nhắc kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, muốn làm được điều này đòi hỏi người phân tích phải có tư duy logic cũng như sự hiểu biết về bản chất của các công thức khá sâu sắc. Lợi điểm của việc này là nó sẽ giúp loại bỏ tính chủ quan trong phân tích – một nhược điểm mà hầu hết những người phân tích kỹ thuật tại Việt Nam dễ mắc phải.
Cũng chính kỹ thuật này đã mở ra tiền đề cho lĩnh vực phân tích định lượng. Bởi lẽ phân tích định lượng là dựa trên cơ sở phân tích tương quan giữa các chuỗi số liệu dựa trên một trục chính là biến động của thị trường. Loại hình phân tích này của phân tích kỹ thuật sẽ kết hợp với các biến số của cơ bản để đưa ra kết quả dự báo một cách chính xác và khách quan hơn.
Phòng Nghiên cứu Vietstock
|