Thứ Ba, 04/01/2011 10:12

Đầu tư ra nước ngoài: Chiến lược người đến sau

Với 3 tỷ USD vốn đăng ký và 1 tỷ USD vốn giải ngân, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục tạo dấu ấn trong năm 2010 từ những thị trường ngách.

“Cuộc chiến hình ảnh”

Ngoài thương hiệu lớn PetroVietnam tiếp tục ghi thêm các dự án đầu tư ra nước ngoài với quy mô hàng tỷ USD, Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) cũng tạo dấu ấn khi công bố các thương vụ mua bán mới ở nước ngoài.

Đầu năm 2010, Viettel công bố hoàn thành việc mua 60% cổ phần của Công ty Viễn thông Haiti (Natcom) và trúng gói thầu trị giá 29 triệu USD khai thác thị trường di động cùng với một nhóm nhà đầu tư tại Cộng hoà Mozambique, với khoản đầu tư dự kiến 400 triệu USD. Sau thành công của Metfone tại Campuchia, Unitel tại Lào, Natcom tại Haiti và Movitel tại Mozambique được kỳ vọng sẽ tạo nên hình ảnh, cũng như tầm ảnh hưởng mới của doanh nghiệp Việt Nam tại các quốc gia châu Phi.

Không chỉ Viettel đang đi xa. Danh mục các địa điểm đầu tư ra nước ngoài năm 2010 đang xuất hiện nhiều quốc gia, nền kinh tế khá lạ lẫm với số đông doanh nghiệp Việt Nam... Chiến thuật chọn khó để thành công mà Viettel đang áp dụng khá điển hình cho hướng đầu tư ra nước ngoài của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, vốn không nhiều thế mạnh trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt. Ngay cả các thương hiệu lớn như PetroVietnam, TKV, Tập đoàn Sông Đà hay Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cũng đang lấn sân tại những thị trường ngách.

Thực ra, trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài của nhiều quốc gia, quy luật thường được áp dụng là tạo nên sự lan toả, phụ thuộc về công nghệ, cũng như tạo nền tảng cho các hàng hoá xuất khẩu trên cơ sở tận dụng lao động giá rẻ của quốc gia nhận đầu tư. Điều này đòi hỏi mức thặng dư nhất định trong cán cân thanh toán, năng lực cạnh tranh cao của các doanh nghiệp, cũng như chiến lược hỗ trợ xuất khẩu của quốc gia đầu tư.

Trường hợp của Việt Nam dường như không nằm trong các tình huống này. Cộng thêm với đó là khi doanh nghiệp Việt Nam đi ra ngoài, thị trường thế giới đã khá chật hẹp với sự bành trướng mạnh mẽ của các tập đoàn xuyên quốc gia. Chính vì vậy, cách đi trên cơ sở khai thác lợi thế uy tín của Việt Nam tại các quốc gia châu Phi, Mỹ Latinh, tận dụng các thị trường khó, thị trường mới nổi mà các tập đoàn lớn không muốn đầu tư, sẽ tạo nền tảng, sức bật quan trọng để doanh nghiệp Việt Nam đi nhanh hơn.

Tuy nhiên, thành công về hình ảnh chưa thể song hành ngay với lợi nhuận. Ví như trường hợp của Viettel tại Lào và Campuchia, thì sau khoảng 4 năm kể từ khi đặt chân sang các thị trường này, Viettel mới công bố có lãi vào năm 2010.

Nỗi lo lợi nhuận

Tháng 6 năm nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phát đi công văn yêu cầu chủ đầu tư của 516 dự án đầu tư ra nước ngoài báo cáo tình hình thực hiện và hoạt động của dự án. Tuy nhiên, chỉ có 300 dự án thực hiện báo cáo, 149 dự án không phản hồi và 69 dự án đã “bốc hơi”, không còn ở địa chỉ cũ.

Điều đáng nói là, trong số 300 dự án có báo cáo, lợi nhuận lũy kế chuyển về nước đến nay mới đạt 39 triệu USD. Tính chung, tỷ suất lợi nhuận và khả năng thu hồi vốn đầu tư của nhiều dự án chưa cao, bình quân khoảng 0,46% cho giai đoạn 1989-2010.

Con số trên có thể chưa đầy đủ, song nếu so với khoản ngoại tệ đã chuyển ra nước ngoài lên tới cả tỷ USD, thì nỗi lo về lợi nhuận, hiệu quả của các dự án đầu tư ra nước ngoài, cũng như khả năng giám sát dòng đi của lượng ngoại tệ chuyển ra ngoài là không thể né tránh. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, có dự án đã chuyển tiền ra nước ngoài, nhưng không hoạt động, hoặc chấm dứt hoạt động trước thời hạn mà không báo cáo. Vấn đề càng được đặt nặng hơn khi 60-70% khoản tiền chuyển ra ngoài là để phục vụ các dự án của doanh nghiệp nhà nước.

Đó là chưa kể, đang nổi lên xu hướng đầu tư mang tính mua sắm tài sản cố định như nhà, đất và các tài sản khác có giá trị tại nước ngoài để phục vụ mục tiêu định cư học tập, hoặc sinh sống lâu dài của các nhà đầu tư tư nhân. “Hiện tượng này cho thấy, về ngắn hạn, đã và đang tạo nên sự mất cân đối giữa dòng tiền đầu tư ra và dòng tiền chuyển về nước của các dự án đầu tư ra nước ngoài”, một chuyên gia Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.

Tất nhiên, trong bài toán lợi nhuận, cũng phải nhìn nhận rằng, cách xây dựng hình ảnh tại các thị trường ngách, thị trường mới nổi mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang áp dụng đòi hỏi khoản đầu tư hạ tầng ban đầu rất lớn, nhất là khi các lĩnh vực thế mạnh mà doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động như trồng cây công nghiệp, khai thác khoáng sản thường mất rất nhiều thời gian cho giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án, rủi ro cao hơn các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác. Đơn cử, trong lĩnh vực thủy điện, mặc dù có 3 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư tại Lào với số vốn lên tới 895 triệu USD, nhưng phải đến năm 2011, dự án đầu tiên mới bắt đầu đi vào hoạt động.

Khánh An

đầu tư

Các tin tức khác

>   Dự án FDI vào Việt Nam: Lượng hay chất? (04/01/2011)

>   Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát (04/01/2011)

>   Học tầm nhìn của Trung Quốc để phát triển (04/01/2011)

>   Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt giai đoạn 2011-2020 (03/01/2011)

>   Tạo đà cho sự phát triển những năm tiếp theo (03/01/2011)

>   Kinh tế Việt Nam năm 2011: Không phải lúc chọn tốc độ (03/01/2011)

>   Góp giải pháp lạ cho cải cách tiền lương (03/01/2011)

>   Nâng cao năng lực cạnh tranh Quốc Gia : Đi tìm lợi thế mới (03/01/2011)

>   Những dự án tỉ USD “trùm mền” (03/01/2011)

>   Sẽ trình lại dự án đường sắt cao tốc (03/01/2011)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật