Sóng thị trường đến từ các nhà đầu cơ
Năm 2010 sắp qua đi với nhiều biến động thất thường trên TTCK theo xu hướng chủ yếu là giảm. Thị trường xuất hiện 2 sóng nhỏ: sóng 1 diễn ra vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2010, sóng 2 diễn ra vào cuối tháng 11/2010. Quy mô giao dịch 2 sàn niêm yết ở mức thấp bình quân 80,6 triệu đồng/phiên, giá trị 2.481 tỷ đồng.
Các chỉ số kinh tế vĩ mô đa phần tiếp tục không thuận lợi. Chẳng hạn, CPI tháng 11 tăng đột biến, lũy kế 11 tháng đầu năm tăng 9,58% so với tháng 12/2009. Bên cạnh đó, các vòng xoáy tương tác gia tỷ giá, giá vàng trong và ngoài nước liên tục biến động, tăng lên mức kỷ lục chưa từng có, tạo nên làn sóng đầu cơ. Điều này tác động mạnh đến dòng tiền vào chứng khoán vì bị chia sẻ bởi kênh đầu tư khác.
Thâm hụt thương mại có dấu hiệu tăng trở lại và xu hướng cuối năm sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có biện pháp rào cản kỹ thuật phù hợp. Vốn đầu tư FDI trong 11 tháng qua thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, càng tạo áp lực đến chính sách điều hành tỷ giá. Đặc biệt, lãi suất cho vay trong thời gian qua có nhiều khoản lên tới tới 20% góp phần làm cho TTCK chưa thoát khỏi xu hướng giảm.
Chính phủ đang áp dụng khá nhiều chính sách để nâng đỡ nền kinh tế, như chuyển từ chính sách ưu tiên tăng trưởng sang ưu tiên kiềm chế lạm phát. Trong đó, áp dụng các biện pháp khá cụ thể là phát hành 16.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ nhằm hút bớt lượng tiền khỏi lưu thông. Tăng lãi suất VND nhằm nới lỏng lãi suất VND điều chỉnh theo thị trường. Hạn chế các ngân hàng vay mượn lẫn nhau để cho khách hàng vay nhằm giảm thiểu những méo mó về số liệu công bố trong thị trường tiền tệ . Giữ nguyên tỷ giá USD/VND.
Thông tư 22/2010/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về quản lý huy động và cho vay bằng vàng đối với tổ chức tín dụng có tác dụng hạn chế phạm vi hoạt động thị trường vàng, cho phép nhập vàng (giảm thuế nhập vàng/tăng thuế xuất vàng) nhằm cân đối cung - cầu. Tích cực triển khai chính sách bình ổn giá thông qua các đầu mối phân phối sỉ và lẻ tích cực khai thông dòng vốn FDI, FII, kiều hối... Nhưng rõ ràng, sau hàng loạt biện pháp thì dòng tiền vào TTCK cũng chưa có thay đổi lớn.
Áp lực tăng vốn từ các ngân hàng nhỏ đã được khơi thông (khoảng 20.000 tỷ đồng), song áp lực thoái vốn từ các doanh nghiệp nhà nước có tỷ trọng đầu tư trái ngành (PVN. EVN...) là khá lớn. Cơ cấu danh mục và xu hướng các quỹ đóng chuyển dần sang quỹ mở, hoặc quỹ ủy thác/ETF trước năm 2012. Các doanh nghiệp niêm yết đang gặp khó khăn trong việc phát hành thêm cổ phiếu huy động vốn (theo kế hoạch khoảng 10.000 tỷ đồng).
Theo nhận định của chúng tôi, dòng tiền vào thị trường tới đây chưa có nhiều đột biến (do chính sách kiểm soát lạm phát, lãi suất ở mức cao...) Quy mô giao dịch bình quân tiếp tục dao động trong khoảng 1.400 - 1.700 tỷ đồng tại sàn TP.HCM. Xuất hiện một vài sóng ngắn hạn, VN-Index sẽ dao động trong khu vực từ 450 - 510 điểm do các nhà đầu cơ tạo sóng. Đây sẽ là cơ hội tích lũy cổ phiếu có cơ bản tốt đối với các NĐT tổ chức, NĐT giá trị.
Trong những tuần cuối tháng 12/2010, tâm lý ngóng chờ những tín hiệu vĩ mô có dấu hiệu ổn định trở lại cùng với việc các DN ước tính và công bố doanh thu, lợi nhuận cả năm sẽ giúp thị trường nhiều khả năng phục hồi nhẹ.
Những lo ngại về dòng tiền sẽ được giải quyết phần lớn. Song song đó do dòng tiền vẫn khó có thể phục hồi nhanh nên nhóm cổ phiếu Big-cap (mức vốn hóa lớn) trở lên sẽ khó có cơ hội phục hồi nhanh và mạnh. Còn các nhóm Mid-cap (mức vốn hóa trung) và Small-cap (mức vốn hóa nhỏ) vẫn là tâm điểm khi thị trường hồi phục.
Tuần 4 tháng 12 cho đến cuối tháng 1/2011, nhiều khả năng VN-Index dao động trong khoảng 450 - 500 điểm. Trong tháng 2/2011 dự kiến sẽ là giai đoạn thị trường phục hồi, những lo ngại về dòng tiền, các chỉ số kinh tế vĩ mô sẽ chuyển biến tích cực, thị trường sôi động và VN-Index giao dịch trên mức 500 điểm.
Phạm Linh - TGĐ CTCK Quốc tế (VIS)
ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN
|