Nợ công: Vay và trả
“Quan điểm của tôi, là nếu Chính phủ vay một đồng mà tạo ra tăng trưởng GDP và thu ngân sách lớn hơn một đồng thì càng vay nhiều càng có lợi. Nhưng mấu chốt vấn đề là quản lý rủi ro”, Tổng kiểm toán Nhà nước Vương Đình Huệ nói tại hội thảo về việc tổ chức kiểm toán đối với nợ công, diễn ra ngày 10/12.
|
Với khối nợ hiện nay có đến 60% là nợ nước ngoài, một rủi ro dễ nhận thấy là vấn đề tỷ giá. |
Từ loạn số liệu đến rủi ro vay nợ...
Nợ công của Việt Nam, theo số liệu của World Factbook là khoảng 52,3% GDP vào năm 2009, nhưng công bố chính thức từ Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) gần đây cho rằng con số thấp hơn. Khẳng định nợ công “vẫn trong ngưỡng an toàn” được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây.
TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt (Học viện Tài chính) cho rằng khi không tính đúng, tính đủ nợ công, có thể đưa đến nhìn nhận lạc quan thái quá về ngưỡng an toàn nợ. Hệ quả là nợ có thể tăng nhanh khó kiểm soát. “Tôi mường tượng là khả năng nợ công của Việt Nam sẽ vượt ngưỡng 50% GDP rất nhanh”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói. Và nhiều người tin điều ông nhìn nhận.
Đi tìm nguyên nhân sâu xa của vấn đề, TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, cho rằng bội chi ngân sách lớn và kéo dài khiến vay nợ trở thành nguồn lực chính tài trợ thâm hụt, là nguyên nhân khiến tình hình nợ công ngày càng trở thành gánh nặng cho nền kinh tế.
Ông lưu ý: “Thâm hụt ngân sách là vấn đề tiềm ẩn nguy cơ vô cùng lớn. Quy mô thâm hụt ngày càng tăng, khả năng tài trợ ngày càng trở nên phức tạp cho Chính phủ. Cho nên nhìn vào thực tế, không thể chủ quan với vấn đề nợ công của Việt Nam”.
Nhìn nhận một cách tổng thể, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Đặng Văn Thanh cho rằng có rất nhiều vấn đề hiện nay chúng ta còn đang lúng túng và những yếu tố ấy đặt ra rủi ro tiềm tàng trong chính quy trình vay và trả nợ. Ông liệt kê đến 8 điểm hàm chứa rủi ro, bao gồm quá trình xây dựng chiến lược huy động nguồn vốn, đàm phán vay nợ, ký kết văn bản, phân bổ vốn, chuẩn bị vốn đối ứng, giải ngân, thu hồi vốn vay, tích lũy trả nợ.
Theo ông Thanh, cái khó nhất hiện nay là phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong vấn đề nợ công. “Ở Việt Nam có cái rất đặc biệt, là đôi khi người đi vay không phải người trả nợ, và người trả nợ không phải người đi vay”. Vấn đề mấu chốt, theo ông Thanh là: “Các đầu mối về quản lý nợ công không có, dẫn đến tình trạng trách nhiệm trong quản lý nợ công vẫn chưa rõ”.
Cũng liên quan đến trách nhiệm trước các khoản nợ, TS. Hoàng Thị Thúy Nguyệt hướng sự quan tâm đến một vấn đề khác. Đó là những khoản tiền Chính phủ phải đi vay nhưng không chi được theo kế hoạch, dẫn tới phải chuyển nguồn. Do việc chuyển nguồn dễ dàng nên các địa phương không có động lực để làm kế hoạch một cách chắc chắn.
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Đặng Văn Thanh nhớ lại, khi ông còn công tác tại Kho bạc Nhà nước, năm 2003 đã huy động trong dân 4 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu để kiên cố hóa trường học, nhưng đến năm 2008 lúc phải trả nợ, tiền giải ngân vẫn chưa xong.
“Thế thì không gì chua xót bằng đến khi trả nợ mà giải ngân vẫn chưa xong. Mà lãi vay lúc đó là 13,5%/năm, tức là gần 70% trong 5 năm. Với 4 nghìn tỷ đồng đi vay, phải trả ngót nghét 7 nghìn tỷ đồng”, ông Thanh kể lại.
Nói đến đàm phán, ký kết các khoản vay, TS. Đặng Văn Thanh cho rằng rủi ro là: “Đôi khi chỉ vì lợi ích nhỏ mà đánh mất đi lợi ích lớn”. Chuyện mua con tàu 1.900 tỷ đồng mà về bán sắt vụn khoảng 100 tỷ đồng là gì? Tại sao công trình này, thiết bị kia đội giá 2-3 lần? Tại sao chấp nhận những điều khoản bất lợi cả kinh tế và chính trị?... Hàng loạt câu hỏi được ông Thanh đưa ra.
...và rủi ro trả nợ
Với khối nợ hiện nay có đến 60% là nợ nước ngoài, một rủi ro dễ nhận thấy là vấn đề tỷ giá. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong bối cảnh sắp tới Việt Nam có thể triển khai nhiều dự án hạ tầng lớn như nhà máy điện nguyên tử, đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc…, tỷ lệ nợ nước ngoài sẽ tăng nhanh với rủi ro tỷ giá đi kèm.
“Chúng ta đã từng vay những khoản vay với tỷ giá lúc đó chỉ có 11 nghìn đồng ăn 1 USD, thì nay tỷ giá quy đổi đã lên tới trên dưới 20 nghìn đồng ăn 1 USD. Như vậy, rủi ro lớn nhất của chúng ta là tỷ giá hối đoái”, ông nói.
Thiệt thòi đó, tuy thế, vẫn chưa là gì. TS. Lê Kim Sa (Trung tâm Châu Á - Thái Bình Dương) nêu một lưu ý khác, tỷ lệ thất thoát của các công trình đầu tư nhà nước được thừa nhận chính thức đến không chính thức là từ 15% đến 45%. Với số nợ nước ngoài thống kê chính thức là 29 tỷ USD, có thể thấy phần thất thoát tài sản nhà nước là không nhỏ, từ 4 tỷ USD đến khoảng 10 tỷ USD.
Liên quan đến việc hình thành quỹ tích lũy và khả năng trả nợ, ông Lê Kim Sa đặt con tính, theo báo cáo 6 tháng đầu năm các tập đoàn, tổng công ty nhà nước lãi 6,6% trong khi cùng thời gian, lãi suất huy động trên thị trường là 11%. “Chẳng phải làm gì, chỉ cần gửi tiền vào ngân hàng cũng có lời thêm 4% và đó là vấn đề. Nếu chúng ta không tạo ra được giá trị thực thì nền kinh tế rất rủi ro”, ông lưu ý.
Có một câu chuyện hư cấu vui được TS. Lê Xuân Nghĩa kể lại ở hội thảo, về một ông “Ta” hỏi ông “Tây” về quan điểm với nợ công.
Ông “Ta” hỏi: Thâm hụt ngân sách tốt hay xấu?
Ông “Tây” trả lời: Thâm hụt ngân sách nói chung không tốt, không xấu. Vấn đề là tài trợ thâm hụt đó từ nguồn nào. Nếu tài trợ bằng vay nợ nước ngoài thì gánh chịu rủi ro hối đoái rất lớn, đặc biệt đất nước lạm phát lớn như Việt Nam thì rủi ro đó là khủng khiếp. Còn nếu tài trợ bằng in tiền thì rủi ro kép, tức là rủi ro thứ nhất sẽ cộng với rủi ro thứ hai là lạm phát, làm rối loạn nền kinh tế. Nếu tài trợ bằng vay của dân chúng thì tốt hơn cả và khá hơn cả.
Hỏi: Nhưng mà chúng tôi toàn vay dài hạn?
Trả lời: Xin thưa với ông, khi ông đã mất uy tín thì ngay lập tức, các khoản nợ dài hạn trở thành ngắn hạn. Ví dụ, người ta cho ông vay 1 tỷ USD với thời hạn 40 năm, nhưng khi ông mất uy tín, họ bảo không lấy 1 tỷ USD mà chỉ lấy 100 triệu USD thôi và phải trả ngay bây giờ.
Anh Quân
TBKTVN
|